Hai cuốn sách hay về Tây Tạng

Hai cuốn sách hay về Tây Tạng

Thảo Nguyên 2016-02-07 07:00
- Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ít nhiều bị ảnh hưởng của nó. Và không ai có thể tiếp tục sống đời chật hẹp cả về vật chất lẫn tâm hồn khi đã nhìn thấy và cảm nhận sự bao la hùng vĩ của rặng Tuyết Sơn.

Tây Tạng là một vùng đất biệt lập với thế giới bên ngoài. Nó duy trì một nền văn minh cổ, khác hẳn với những nền văn minh mà chúng ta được biết đến. Vùng đất huyền bí này từ bao đời nay là mục tiêu khám phá của các nhà khoa học, của những người ưa thích sự mạo hiểm và những ai có niềm khát khao được học hỏi những điều thuần khiết.

Thế nhưng không phải ai cũng có cơ hội được đến với vùng đất này. Trong lúc chờ đợi một chuyến đi trong tương lai, bạn có thể tìm đọc hai cuốn sách nổi tiếng nhất về Tây Tạng, đó là Con đường mây trắng và Tây Tạng huyền bí.

Con đường mây trắng

Trong thế kỷ XX có hai người phương tây bỏ rất nhiều công sức để tìm hiểu đất nước Tây Tạng, đó là bà Alexandra David Nesel và ông Anagarika Govinda. Cả hai dành nhiều năm tu tập thiền định và đi khắp Tây Tạng nhiều hơn bất cứ người nước ngoài nào khác. Thậm chí họ  hiểu về Tây Tạng hơn cả phần đông người dân bản xứ.

Tác giả Govinda đã qua đời nhưng ông để lại cho thế giới một di sản vô giá về thế giới tâm linh Tây Tạng, ông không chỉ ghé qua Tây Tạng như người khách hành hương mà đã thực sự độc cư tu luyện trên các vùng núi non hẻo lánh của Himalaya.

Khi trải mắt trên những trang sách của Con đường mây trắng, nhiều lúc ta cảm thấy như Phật Pháp đang hiện diện quanh ta dưới hình thức của cái đẹp bí ẩn, tinh tế và hài hoà của từ và ngữ. Govinda đã cho người đọc cảm nhận thấy không khí linh thiêng, huyền bí và tinh khôi trên xứ sở của thánh thần. 

Hai cuốn sách hay về Tây Tạng

'Con đường mây trắng' là cuốn sách được nhiều người tham cứu và tìm đọc khi muốn tìm hiểu về mảnh đất này.

Người đọc cũng sẽ gặp tại đây những lâu đài thành quách giờ đã trở thành phế tích, được sống trong không khí của những cuộc hành hương, được chiêm ngưỡng ngọn núi thiêng Kailash - trung tâm của vũ trụ và trước khi bạn nhận ra, thì tâm hồn bạn cũng đã đang như phiêu du rồi chìm hẳn vào không gian bao la của thảo nguyên và núi non hùng vĩ. 

Cho dù nhiều năm sau nữa những thánh tích hoang phế có bị chôn vùi, thì những người ít may mắn vẫn có thể từ cuốn sách này mà hiểu được rằng: Thứ bị hủy diệt chỉ là dạng hình vật chất, còn tinh thần ẩn sau những gì chúng ta gọi là phế tích sẽ tồn tại mãi mãi

Tây Tạng huyền bí

Tây Tạng huyền bí (tên gốc tiếng Anh là The Third Eye – Con mắt thứ ba) là một cuốn sách được viết bởi Lobsang Rampa vào năm 1956. Cuốn sách được viết như là một tự truyện của một vị lạt ma người Tây Tạng, sinh ra vào khoảng năm 1900 và được gửi vào tu viện từ năm lên bảy tuổi để huấn luyện về các vấn đề huyền bí theo truyền thống Tây Tạng rồi gửi sang thế giới phương Tây để quảng bá văn hóa Phật giáo của Tây Tạng ra thế giới bên ngoài.

Câu chuyện của Tây tạng huyền bí kể về thời kỳ cai trị của Đạt Lai Lạt ma thứ 13. Lobsang Rampa, con trai của một nhà quý tộc Lhasa sớm nhận ra những khả năng phi thường của mình thông qua việc nghiên cứu thần học. Khi bước vào tuổi vị thành niên, Rampa được coi tài sản quan trọng đối với tương lai của một Tây Tạng độc lập. 

Hai cuốn sách hay về Tây Tạng
Cuốn sách dẫn người đọc theo chân vị Lạt ma từ nhỏ, khi còn là một cậu bé trong gia đình quý tộc Tây Tạng cho đến quá trình học đạo, trở thành Lạt ma. 

Lạt ma Tây Tạng đã dự báo rằng Trung Quốc sẽ cố gắng để tái khẳng định quyền lực của mình trên vùng đất này và Rampa được dạy bảo để giúp ông trong việc giữ gìn đất nước. Một con mắt thứ ba được khoan vào trán chàng thanh niên, cho phép anh nhìn thấy hào quang của mỗi con người, từ đó phát hiện ra những khả năng tiềm ẩn của họ.

Mỗi một phần của cuốn sách lại mở ra cho người đọc những hiểu biết mới về Tây Tạng, về con người, về quá trình 'đào tạo' một vị Lạt ma, về đức Đạt Lai Lạt ma, về truyền thống thiên táng của người Tây Tạng cũng như dẫn người đọc đến với y học huyền bí của vùng đất này.

Gấp cuốn sách lại, những ký ức sẽ còn mãi trong tâm trí chúng ta. Đó là những hình ảnh về vùng đất huyền bí mà có thể chúng ta không bao giờ hiểu hết, cũng như không bao giờ thôi khát khao tìm hiểu. Tây Tạng huyền bí là cuốn sách được đánh giá là 'dễ đọc' hơn so với Con đường mây trắng

Thảo Nguyên

Ảnh: Sưu tầm

(Theo Congluan)

Xem thêm:

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách ''ngồi không'' mà vẫn đốt cháy mỡ thừa cho những ngày ở nhà nhiều

Đọc nhiều nhất