12 cuốn sách nên đọc trong tháng cuối năm
Tin liên quan
Mỗi người đọc yêu thích một loại sách riêng. Thế nhưng cũng có những cuốn sách dành cho tất cả mọi người bởi các giá trị về văn hóa, lịch sử, kiến thức xã hội chứa đựng bên trong nó.
1. Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes (1892)
Tác giả: Arthur Conan Doyle.
Bản đầu tiên của tập truyện trinh thám này gồm 12 câu chuyện của cặp đôi thám tử Holmes và bác sĩ Watson với nét vẽ minh họa của họa Sydney Paget. Truyện miêu tả đặc trưng của cặp bạn thân cùng những tình tiết phá án kỳ thù, lôi cuốn hàng triệu độc giả mê truyện trên toàn thế giới.
2. Bữa sáng ở Tiffany (1958)
Tác giả: Truman Capote.
Bữa sáng ở Tiffany’s phô bày những ảo mộng về một cuộc sống xa hoa đẳng cấp của tầng lớp thượng lưu.
Một tiểu thuyết ngắn quyến rũ và nghịch ngợm khắc họa một lát cắt nhỏ của thành phố New York và lịch sử nước Mỹ trong Thế chiến II. Cuốn sách này đã được dựng thành bộ phim cùng tên vào năm 1960 với diễn xuất của Audrey Hepburn trong vai Holly Golightly, một cô gái mơ mộng theo đuổi những lý tưởng của hạnh phúc.
3. Con quạ (1845)
Tác giả: Edgar Allen Poe.
"Con quạ" và các bài thơ khác cùng các câu truyện ngắn của tác giả người Mỹ là một trong những tác phẩm mà người yêu văn học không nên bỏ qua. Chủ đề về cái chết và tang tóc được tìm thấy xuyên suốt trong các tác phẩm của Edgar Allen Poe, trong đó có bài thơ "Con quạ", nổi tiếng với câu trích dẫn "Không khi nào nữa".
Độc giả có thể tham khảo bản dịch bài thơ này trong tuyển tập Đào Xuân Quý của NXB Văn học.
4. Bác sĩ Zhivago (1957)
Tác giả: Boris Pasternak.
Câu chuyện kể về một thiên tình sử éo le giữa hai nhân vật Lara và Yuri trong cuộc cách mạng Nga. Cuốn sách còn cung cấp những giá trị to lớn về lịch sử, tôn giáo, triết học, đồng thời, thông qua nhân vật Yuri, tác giả đưa ra một cái nhìn khác về số phận người trí thức trong cuộc cách mạng. Chính vì điều này mà “Bác sĩ Zhivago” không được xuất bản tại Nga mà lại được “tuồn” sang Ý và in bằng tiếng Nga. Pasternak đã đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1958 với cuốn tiểu thuyết này. Sau đó được đạo diễn David Lean đưa lên màn ảnh nhỏ vào năm 1965 với bộ phim cùng tên.
5. Bay trên tổ chim cúc cu (1962)
Tác giả: Ken Kesey.
Cuộc sống bình lặng và khuôn khổ của những bệnh nhân bỗng chốc bị đảo lộn bởi sự xuất hiện của Randall McMurphy – một tội phạm bị tình nghi có triệu chứng tâm thần.
Cuốn tiểu thuyết viết về những sự kiện diễn ra tại một bệnh viện tâm thần, trong đó tác giả phê phán những hành vi của con người và và sự cân bằng xã hội giữa tương thích và nổi loạn qua đó làm nổi lên cuộc đấu tranh giữa khát khao tự do và nỗi sợ hãi của các bệnh nhân. “Bay trên tổ chim cúc cu” vào năm 1975 đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự tham gia diễn xuất của diễn viên kì cựu Jack Nicholson và đã được xếp hạng thứ 33 trong 100 bộ phim hay nhất của điện ảnh Mỹ.
6. Đoàn hộ nhẫn (1954)
Tác giả: Tolkien.
Đây là tập đầu trong ba tập “Chúa tể những chiếc nhẫn”. Câu chuyện là cuộc phiêu lưu và với một trận chiến cổ xưa giữa cái tốt và cái xấu. Nền tảng kiến thức và học vấn của Tolkien về nền văn minh Celtic, Bắc Âu và vùng đất Anglo Saxon thần thoại đầy ắp trong những sự kiện xảy ra trong truyện, mang đến sự sống động và hấp dẫn cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Peter Jackson (2001).
7. Cuốn theo chiều gió (1936)
Tác giả: Margaret Mitchell.
Câu chuyện cổ xưa lãng mạn đầy tính lịch sử lấy bối cảnh ở vùng Georgia nước Mỹ trong thời kỳ nội chiến đã mang đến một giải Pulitzer danh giá cho Margaret Mitchell vào năm 1937. Đến năm 2012, “Cuốn theo chiều gió” được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ xếp vào 1 trong 88 cuốn sách định hình nên nước Mỹ. Cuốn tiểu thuyết này được đông đảo các thế hệ độc giả yêu thích một phần nhờ vào bộ phim cùng tên năm 1939.
8. Người Mỹ trầm lặng (1955)
Tác giả: Graham Greene.
Qua tiểu thuyết, người đọc có thể hình dung ra xã hội và Việt Nam những năm 50 dưới con mắt của một nhà văn trực tiếp chứng kiến và tham gia vào cuộc chiến.
Là một cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh được viết trên kinh nghiệm cá nhân của tác giả vốn là một phóng viên chiến trường tại Việt Nam những năm 50. Nó bị lên án và chỉ trích là chống Mỹ, nhưng tiếng tăm và nội dung chứa đựng bên trong các trang sách đã dẫn đến sự ra đời của hai tác phẩm điện ảnh vào năm 1958 và 2002. Trong đó, bộ phim thứ 2 được lấy bối cảnh quay ở Việt Nam.
9. Hoàng tử bé (1943)
Tác giả: Antoine de Saint-Exupéry.
“Hoàng tử bé” là một câu chuyện truyền thuyết đầy quyến rũ kể về cuộc gặp gỡ giữa một người lớn và một đứa trẻ con bên trong anh ta. Saint-Exupéry vẽ tất cả các bức minh họa bằng màu nước bên trong cuốn sách. Đây là cuốn sách được đọc nhiều nhất và dịch nhiều nhất bằng tiếng Pháp.
10. Khu vườn bí mật (1911)
Tác giả: Frances Hodgson Burnett.
Được ca ngợi là một tác phẩm văn học cổ điển dành cho thiếu nhi, cuốn sách này xuất bản lần đầu đã ngay lập tức thu hút được sự yêu thích của cả độc giả người lớn và trẻ em. Nó tựa như một câu chuyện giản dị về cuộc sống, hé mở những cánh cửa bí mật đóng chặt cuộc đời của mỗi con người bằng chiếc chìa khóa mang tên Tình yêu.
11. Túp lều bác Tôm (1852)
Tác giả: Harriet Beecher Stowe.
Cuốn tiểu thuyết Mỹ đầu tiên bán được hơn một triệu bản và sau đó liên tục được tái bản trên toàn thế giới. "Túp lều bác Tôm" là một tác phẩm văn học chống chế độ nô lệ nổi tiếng, đã được ghi nhận như một cống hiến cho sự phát triển của văn học Mỹ, đóng góp một tiếng nói phản đối chính thức tác động vào nền văn học, văn hóa và tâm lý của người dân Mỹ, dẫn tới cuộc nội chiến của nước Mỹ.
12. Hội chợ phù hoa (1847)
Tác giả: William Makepeace Thackeray.
Là một tác phẩm châm biếm xã hội Anh vào thế kỷ 19, cuốn tiểu thuyết này lấy tiêu đề từ câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn "Hành Hương" nổi tiếng (tên tiếng Anh là Progress của Pilgrim, 1678) của nhà truyền giáo John Bunyan. Phiên bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này do chính nhà văn Thackeray vẽ hình minh họa.
Thảo Nguyên
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất