Châu Tấn trở lại màn ảnh nhỏ để “thách đấu” Củng Lợi

Châu Tấn trở lại màn ảnh nhỏ để “thách đấu” Củng Lợi

Trúc An 2014-11-14 14:00
- Sau hơn một thập kỷ vắng bóng trên màn ảnh nhỏ, Châu Tấn đã có màn tái xuất ấn tượng với vai diễn Cửu Nhi trong bộ phim truyền hình “Cao lương đỏ” khi vượt qua được cái bóng của đàn chị Củng Lợi.
Trong làng giải trí Trung Quốc, hiếm có một diễn viên nào chấp nhận quay lại đóng phim truyền hình khi sự nghiệp điện ảnh đã thăng hoa. Bởi vậy việc Châu Tấn đồng ý tham gia vào một bộ phim truyền hình dài 60 tập đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên. Nhất là khi cô từng được kênh truyền hình nổi tiếng CNN gọi là “Minh tinh điện ảnh hàng đầu của Trung Quốc” trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2010. Ngay cả đạo diễn của bộ phim là Trịnh Hiểu Long cùng từng chia sẻ trong một cuộc họp báo vào tháng 10 năm ngoái: “Nó giống như một giấc mơ trở thành sự thật. Châu Tấn luôn đóng phim điện ảnh vì thế thật không thể tin được là cô ấy đã chấp nhận tham gia vào bộ phim truyền hình của tôi”. Thế nhưng đó không phải là điều duy nhất khiến mọi người phải bất ngờ khi chứng kiến màn hóa thân của Châu Tấn trên màn ảnh nhỏ sau 12 năm.

Bộ phim “Cao lương đỏ” đã được phát sóng từ ngày 27/10 trên một số đài truyền hình ở Trung Quốc.

“Cao lương đỏ” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn – người từng có vinh dự nhận giải Nobel văn học. Tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Quốc những năm 1920, cô gái trẻ tên Cửu Nhi đã bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong vì gia cảnh quá nghèo. Ngày lên kiệu hoa, cô đã phải lòng người phu kiệu cao to cường tráng tên Dư Chiêm Ngao. Sau khi Cửu Nhi bị trả về nhà vì nhất quyết không chịu động phòng, người phu kiệu này đã cướp lấy cô và chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh phúc cùng người mình yêu trong rừng đã đem lại cho Cửu Nhi một đứa con trai. 14 năm sau, cậu con trai tham gia vào đoàn quân của tư lệnh Dư Chiêm Ngao để lên đường kháng chiến chống Nhật, mà không biết đó chính là cha đẻ của mình. Còn Cửu Nhi lúc này đã là một thiếu phụ, ngày ngày làm bánh đem ra chiến trường cho quân sĩ. Trong một lần gánh bánh gặp phải lính giặc, cô đã hy sinh. Trước khi chết, Cửu Nhi đã nói cho con trai biết ai là cha đẻ thực sự của cậu và ra đi trong rừng cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu định mệnh của đời cô.

Bản điện ảnh năm 1987 từng làm nên thành công cho Củng Lợi.

Năm 1987, cuốn tiểu thuyết này đã từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu đưa lên màn ảnh và trở thành hiện tượng không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới. Không những đưa điện ảnh Trung Quốc đến gần hơn với thế giới mà bộ phim còn là bước ngoặt trong sự nghiệp của cả ba người là đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nữ diễn viên Củng Lợi và nam diễn viên Khương Văn. Với diễn xuất tinh tế của Củng Lợi, bộ phim đã đoạt giải Gấu vàng tại LHP quốc tế Berlin năm 1988 và được tạp chí điện ảnh nổi tiếng của Pháp Cahiers du Cinema đánh giá là một trong 10 bộ phim xuất sắc nhất của năm.

Thế nên ngay từ khi có thông tin tác phẩm này sẽ được đưa lên màn ảnh nhỏ, rất nhiều nhà phê bình điện ảnh đã tỏ ra hoài nghi về việc vai diễn đã làm nên tên tuổi của Củng Lợi được giao cho Châu Tấn. Trước đó khi còn gắn bó với truyền hình, Châu Tấn rất được yêu thích và nổi tiếng với những vai diễn cổ trang như Thái Bình công chúa trong “Đại Minh cung từ” hay Hoàng Dung trong “Anh hùng xạ điêu”. Tuy nhiên vẻ đẹp thanh lịch của cô bị coi là không phù hợp với hình ảnh một cô gái quê như Cửu Nhi. Hơn nữa phụ nữ Sơn Đông thường được biết đến với ngoại hình cao lớn, mạnh mẽ còn Châu Tấn lại mảnh mai và nhỏ nhắn. Bên cạnh đó, tuổi tác cũng bị coi là một hạn chế của cô khi nữ diễn viên 40 tuổi này sẽ phải thể hiện những trường đoạn từ lúc nhân vật mới 19 tuổi.


Trước những tranh cãi này, đạo diễn Trịnh Hiểu Long đã tiết lộ: “Tác giả Mạc Ngôn đã rất hài lòng khi hay tin Châu Tấn đảm nhận vai diễn này. Ông cho biết nhân vật hư cấu này được xây dựng dựa trên bà ngoại của mình, một người phụ nữ thậm chí còn nhỏ nhắn hơn cả cô ấy”. Còn đối với Châu Tấn, nữ diễn viên này cho biết cô không bao giờ so sánh bản thân mình với Củng Lợi: “Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ Củng Lợi. Tôi đã xem tất cả các phim của chị ấy và thậm chí từng tận mắt chứng kiến chị ấy nhập vai trên phim trường. Tôi tin rằng Cửu Nhi của tôi sẽ làm nên khác biệt”.


Và quả thật, Cửu Nhi của Châu Tấn đã khiến tất cả mọi người không phải thất vọng. Với lợi thế ngoại hình trẻ hơn so với tuổi thực cùng lối diễn xuất “diễn mà như không diễn”, Châu Tấn đã miêu tả thành công vẻ ngây thơ và trong sáng của một cô gái quê 19 tuổi còn non nớt. Thế nhưng đó cũng là một cô gái rất thông minh, mưu trí và mạnh mẽ khi phải đối mặt với những biến cố trong cuộc đời. Đó là điều mà người ta không thấy được ở Cửu Nhi của Củng Lợi. Có lẽ chính cái tuổi 40 cùng với những trải nghiệm trong cuộc sống đã giúp cô nắm bắt được tâm lý nhân vật và lột tả xuất sắc những suy nghĩ, tình cảm trong cuộc đời đầy thăng trầm của người phụ nữ Sơn Đông dám yêu dám hận đó. Nam diễn viên Hoàng Xuân, người đóng vai bạn trai đầu tiên của Cửu Nhi trong phim đã chia sẻ rằng dù từng quen biết Châu Tấn 11 năm nhưng anh vẫn bị bất ngờ và cảm động trước lối diễn xuất đơn giản và chân thành của cô.


Ngoài ra, phiên bản truyền hình này tập trung nhiều hơn vào từng chi tiết trong câu chuyện cũng như những khía cạnh mang tính đột phá của nó nên kéo dài đến tận 60 tập phim. Nếu như một bộ phim điện ảnh thông thường dài 120 phút mất 3 tháng để hoàn thành, thì một tập phim 45 phút của “Cao lương đỏ” lại được quay xong chỉ trong 2 đến 3 ngày. Châu Tấn từng cho biết kịch bản của bộ phim có rất nhiều lời thoại và cô phát ốm khi phải nhớ tất cả những dòng đó. Thế nhưng cô vẫn cố gắng thích nghi với lịch trình chặt chẽ này và đem đến một Cửu Nhi sắc sảo cùng miệng lưỡi chua ngoa với những câu thoại đã được coi là kinh điển của cuốn tiểu thuyết.


Ngay sau khi bộ phim được công chiếu, nó đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi và ủng hộ của khán giả cũng như những nhà phê bình phim. Và tất nhiên công lao lớn nhất đến từ chính màn hóa thân tuyệt vời của nữ diễn viên được mệnh danh là “Bảo bối của điện ảnh Trung Quốc”, người chưa từng trải qua bất kỳ một trường lớp diễn xuất nào. Trong buổi ra mắt phim cách đây một tháng, Châu Tấn từng nói: “Việc bị đem ra so sánh là điều không thể tránh khỏi nhưng tôi cho rằng, điện ảnh và truyền hình là hai lĩnh vực có rất nhiều khác biệt. Tôi hy vọng rằng, Củng Lợi, Khương Văn và cả đạo diễn Trương Nghệ Mưu sẽ theo dõi bộ phim này và thích nó”.
Trúc An
Ảnh: Sina
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cuối hè, đầu thu, nàng diện váy xếp ly dịu dàng, thướt tha, đốn tim người đối diện

Đọc nhiều nhất