"Coming Home" của Trương Nghệ Mưu - không chỉ có những niềm đau
2014-11-03 11:24
- (Em đẹp) - Trở về (Coming home) - bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn này cùng diễn viên Củng Lợi - cố nhân đặc biệt trong cuộc đời của ông.
Tin liên quan
Coming Home - câu chuyện của hậu cách mạng văn hóa
"Trở về - Coming Home" là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được dựa trên tiểu thuyết Lục Phạm Yên Thức của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng kể về 70 năm cuộc đời bôn ba của nhà tri thức Lục Yên Thức trong sự xoay vần của xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng văn hóa. Nhưng khi chuyển thể thành phim điện ảnh, nội dung đã có những thay đổi đáng kể dưới bàn tay của đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc. "Trở về" chủ yếu tập trung kể về những năm cuối trong cuộc đời của nhân vật Lục Yên Thức bên vợ con, và những “dư chấn” đớn đau mà thời thế để lại.
Bộ phim mở đầu trước khi cách mạng văn hóa kết thúc không lâu. Lục Yên Thức - một giáo sư, thành phần tiểu tư sản thời bấy giờ bỏ trốn khỏi nhà tù sau gần 20 năm bị đày đi xa. Khát khao duy nhất của ông là được gặp lại người vợ Phùng Uyển Du, bao nhiêu năm vẫn một mình ở vậy, tần tảo nuôi dạy cô con gái Đan Đan lớn khôn, ngóng chồng trở về.
Cô con gái Đan Đan miệt mài theo học bale, dù từng bị can ngăn bởi: “Múa thì làm sao có thể cống hiến cho xã hội, xây dựng đất nước”. Cô gái trẻ hơn 20 tuổi đầu khát khao được tỏa sáng trên sân khấu trong vai nữ chính của một vở múa đậm chất cách mạng. Nhưng là con của một thành phần phản động, lại đang bỏ trốn, cô bị loại ra khỏi vai chính dù đã chạm tay rất gần tới thành công. Với hy vọng có thể lấy lại được vai diễn, Đan Đan đã tố cáo nơi trú ẩn của Lục Yên Thức với chính quyền, để rồi mẹ cô và bố cô, một lần nữa phải chia xa ngay cả khi chưa có cơ hội được gặp lại.
3 năm sau, cách mạng văn hóa kết thúc. Lục Yên Thức được phục hồi nhân phẩm. Ông trở về nhà ở tuổi ngũ tuần, đầu 2 thứ tóc, nhưng vẫn thấy hạnh phúc biết bao nhiêu khi được tự do ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm và hình ảnh một gia đình vẹn toàn bên vợ con đang ở thật gần.
Có điều, hình ảnh hạnh phúc đó nhanh chóng tan vỡ, khi người vợ Phùng Uyển Du mắc bệnh mất trí nhớ. Vào những năm 60, 70, đây là căn bệnh không có thuốc chữa và không có những phác đồ trị liệu rõ ràng. Uyển Du quên tất cả mọi thứ xung quanh, quên cả hình ảnh người chồng đầu gối tay ấp và không nhận ra Yên Thức khi ông trở về. Đáng buồn hơn, một trong những điều hiếm hoi mà Uyển Du vẫn nhớ, lại là lỗi lầm của cô con gái Đan Đan 3 năm về trước. Vậy là, ngay cả khi cách mạng văn hóa kết thúc, gia đình nhỏ bé ấy vẫn không thể đoàn tụ. Uyển Du sống một mình trong căn nhà tập thể cũ, Yên Thức sống dưới căn phòng trọ ở đối diện bên đường và cô con gái Đan Đan, nay đã bỏ niềm đam mê múa, trở thành công nhân xưởng dệt và ở lại trong kí túc xá bởi mẹ không cho phép cô trở về nhà.
Lục Yên Thức trở về trong cuộc sống của người vợ với vai trò là "đồng chí đọc thư".
Yên Thức làm mọi thứ để Uyển Du có thể nhớ lại, nhưng dường như tất cả đều vô ích. Xa cách quá lâu cùng những chấn động về tâm lý khiến căn bệnh mất trí của Uyển Du càng ngày càng nghiêm trọng. Vậy là sau cùng, Yên Thức chọn cách đến bên người vợ của mình như một người bạn, hay đúng hơn là “đồng chí đọc thư” – theo cách mà vợ ông gọi. Ngày ngày, ông trở về căn nhà cũ của mình, ngồi đọc cho vợ nghe những bức thư mà ông đã viết trong nhiều năm qua, với tư cách là một người bạn. Dần dần, Uyển Du chấp nhận sự tồn tại của Yên Thức trong cuộc sống, nhưng đơn giản chỉ là một người bạn chia sẻ về những ký ức đầy yêu thương và nhiều nỗi buồn qua những bức thư đã nhuốm màu thời gian.
Trong số đó, có một bức thư mà Yên Thức viết: “mùng 5 tháng này sẽ về”. Và cứ thế, bất kể nắng hanh hay sương gió, mưa phùn hay bão tuyết, mùng 5 hàng tháng, Uyển Du đều đến sân ga đợi chồng, và bởi căn bệnh mất trí, lần nào cũng tựa như lần đầu tiên, như lần duy nhất. Nhiều năm sau vẫn vậy, khi đã bạc trắng mái đầu, nếp thời gian hằn trên khuôn mặt, Uyển Du vẫn đợi chờ và đón Yên Thức vào ngày đã hẹn trong thư, mà không thể nào biết rằng, Yên Thức, trong hình ảnh là người bạn, là “đồng chí đọc thư”, đã đứng bên bà từ rất lâu rồi…
Coming Home… không chỉ có những niềm đau
"Coming Home" là bộ phim nói về “hậu cách mạng văn hóa”. Những con người ấy, như giáo sư Lục Yên Thức, như cô giáo Phùng Uyển Du, dù có một cuộc đời đau khổ và bất hạnh bởi thời thế, nhưng vẫn cố gắng sống một cách giản dị và tốt đẹp. Phim không nói đến sự oán hận, dằn vặt mà mỗi một nạn nhân của cuộc cách mạng đớn đau này chất chứa trong lòng, nhưng vẫn đủ sức truyền cảm đến thấu tâm can, để mỗi một người xem đều cảm thấy những hệ lụy không thể nào bù đắp
Lục Yên Thức và Phùng Uyển Du, họ nên nghĩa vợ chồng chưa đầy 4 năm, đã bị xa cách nghìn trùng. Nỗi đau này, lấy điều gì để khỏa lấp?
Nhiều năm sau trở về, gần bên nhau mà một người vẫn phải ngóng trông đến cuối cuộc đời, và một người phải âm thầm quên đi thân phận thực sự của mình. Nỗi đau này, biết tỏ cùng ai?
Đan Đan đã tố cáo cha với chính quyền, nhưng thực lòng, ai nỡ trách cô gái này? 3 tuổi, Đan Đan đã không có cha bên cạnh. Tất cả những gì cô có thể biết và nhớ, là cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, nhiều tủi hờn, là ước mơ thời thanh xuân bị dập tắt bởi cha cô là một tù nhân chính trị. Nếu có phút giây nào đó, Đan Đan căm ghét cha, thì cô cũng có những lý lẽ của riêng mình. Nếu có những lần, Đan Đan đã cắt hết hình của cha trong những bức ảnh mẹ cô nâng niu gìn giữ, để sau này, khi Uyển Du mất trí nhớ, không có bất cứ một chứng tích nào gợi lại cho bà hình ảnh của người chồng, thì cô vẫn đáng có được sự cảm thông. Nỗi đau của Đan Đan – một đứa trẻ không cha, bị mọi người kì thị, ai có thể sẻ chia?
Phùng Uyển Du và Lục Yên Thức, họ vẫn đợi chờ dù đã ở bên nhau.
Tất cả những niềm đau đó, dành để khán giả cảm nhận. Cảm nhận về bi kịch của con người trong thời thế xoay vần, thấy được sự khoan dung, điềm tĩnh đối mặt với số phận, và trên tất cả, là tình yêu và niềm tin sắt son của Uyển Du và Yên Thức. Họ chờ đợi nhau trong cuộc cách mạng văn hóa, vẫn chờ đợi nhau ngay cả khi đã ở bên nhau, và sẽ còn chờ đợi nhau đến tận cuối cuộc đời…
Coming Home: tiếp nối mối “duyên lành” của Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu
"Trở về - Coming Home" là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu, nhưng đặc biệt hơn cả, nó đánh dấu sự tái hợp của vị đạo diễn danh tiếng này với Củng Lợi – một cố nhân đặc biệt trong cuộc đời của ông. Hơn 20 năm về trước, điện ảnh kết mối duyên nghệ thuật và tình yêu cho Củng Lợi – Trương Nghệ Mưu. Dòng chảy thời gian đưa cả hai đến đỉnh cao của sự nghiệp, để rồi chia xa trong sự nuối tiếc của khán giả.
Hơn 20 năm sau, vượt qua những đổ vỡ, cả hai đã trở về với chính mình. Trương Nghệ Mưu – một đạo diễn tài năng, và Củng Lợi – một diễn viên thực lực. Họ trở về bên nhau và viết tiếp mối duyên trên màn bạc – sự kết nối chưa bao giờ vị cắt đứt sau những rạn vỡ tình cảm.
Củng Lợi tỏa sáng với vai diễn mới lạ.
Với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi từng là cô thiếu nữ căng tràn sức sống trong "Cao lương đỏ", là thiếu phu nhân trong bi kịch tình yêu của "Đèn lồng đỏ treo cao", là bà hoàng quyền quý trong "Hoàng Kim Giáp", và giờ đây, là Phùng Uyển Du đầu hai thứ tóc, nước da đồi mồi, gương mặt hằn nếp thời gian và mắc căn bệnh mất trí nhớ.
Nếu so về hình ảnh, Phùng Uyển Du chẳng thể nào rực rỡ như những vai diễn trước đó của Củng Lợi trong các tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, nhưng chưa bao giờ, bảo bối của điện ảnh Trung Hoa lại tỏa sáng đến thế. Trong những thước phim chủ yếu với tông màu tối, như phản ánh nỗi đau của kiếp người, nhân vật Phùng Uyển Du chân thực qua từng ánh mắt, nụ cười, cho đến cả sự lẫm chẫm của người mất trí nhớ. Một người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần, khuôn mặt khắc khổ, quần áo tuềnh toàng… trở nên quyến rũ và có sức lay động đến thế, chỉ có thể là nhờ đến diễn xuất của Củng Lợi.
Trương Hiểu Văn - gương mặt mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Trở về không nhiều kịch tính, cao trào, tựa như dòng chảy của con sông nhỏ với những khúc ngoặt vòng quanh, nhưng vẫn tràn đầy cuốn hút, là nhờ vào diễn xuất xuất sắc của 3 diễn viên chính. Bên cạnh một Củng Lợi mặn mà, Trần Đạo Minh trong vai Lục Yên Thức và Trương Hiểu Văn trong vai cô con gái Đan Đan, cũng là những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm.
Sau nhiều tác phẩm được đánh giá là có hơi hướng thương mại, giờ đây, Trương Nghệ Mưu lại trở về với thế mạnh của mình – dòng phim nghệ thuật chính kịch. Vị đạo diễn này cho thấy, một tác phẩm hay, không cần những điều đao to búa lớn, những kỹ xảo hoành tráng. Ngôn ngữ của điện ảnh chân phương: một nội dung sâu lắng, những lời thoại xúc tích và những cảnh quay tinh tế, đủ để khiến một bộ phim mãi đi vào lòng khán giả.
"Trở về - Coming Home" là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được dựa trên tiểu thuyết Lục Phạm Yên Thức của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng kể về 70 năm cuộc đời bôn ba của nhà tri thức Lục Yên Thức trong sự xoay vần của xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng văn hóa. Nhưng khi chuyển thể thành phim điện ảnh, nội dung đã có những thay đổi đáng kể dưới bàn tay của đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc. "Trở về" chủ yếu tập trung kể về những năm cuối trong cuộc đời của nhân vật Lục Yên Thức bên vợ con, và những “dư chấn” đớn đau mà thời thế để lại.
"Trở về - Coming Home" là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Trương Nghệ Mưu và diễn viên Củng Lợi.
Bộ phim mở đầu trước khi cách mạng văn hóa kết thúc không lâu. Lục Yên Thức - một giáo sư, thành phần tiểu tư sản thời bấy giờ bỏ trốn khỏi nhà tù sau gần 20 năm bị đày đi xa. Khát khao duy nhất của ông là được gặp lại người vợ Phùng Uyển Du, bao nhiêu năm vẫn một mình ở vậy, tần tảo nuôi dạy cô con gái Đan Đan lớn khôn, ngóng chồng trở về.
Cô con gái Đan Đan miệt mài theo học bale, dù từng bị can ngăn bởi: “Múa thì làm sao có thể cống hiến cho xã hội, xây dựng đất nước”. Cô gái trẻ hơn 20 tuổi đầu khát khao được tỏa sáng trên sân khấu trong vai nữ chính của một vở múa đậm chất cách mạng. Nhưng là con của một thành phần phản động, lại đang bỏ trốn, cô bị loại ra khỏi vai chính dù đã chạm tay rất gần tới thành công. Với hy vọng có thể lấy lại được vai diễn, Đan Đan đã tố cáo nơi trú ẩn của Lục Yên Thức với chính quyền, để rồi mẹ cô và bố cô, một lần nữa phải chia xa ngay cả khi chưa có cơ hội được gặp lại.
3 năm sau, cách mạng văn hóa kết thúc. Lục Yên Thức được phục hồi nhân phẩm. Ông trở về nhà ở tuổi ngũ tuần, đầu 2 thứ tóc, nhưng vẫn thấy hạnh phúc biết bao nhiêu khi được tự do ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm và hình ảnh một gia đình vẹn toàn bên vợ con đang ở thật gần.
Có điều, hình ảnh hạnh phúc đó nhanh chóng tan vỡ, khi người vợ Phùng Uyển Du mắc bệnh mất trí nhớ. Vào những năm 60, 70, đây là căn bệnh không có thuốc chữa và không có những phác đồ trị liệu rõ ràng. Uyển Du quên tất cả mọi thứ xung quanh, quên cả hình ảnh người chồng đầu gối tay ấp và không nhận ra Yên Thức khi ông trở về. Đáng buồn hơn, một trong những điều hiếm hoi mà Uyển Du vẫn nhớ, lại là lỗi lầm của cô con gái Đan Đan 3 năm về trước. Vậy là, ngay cả khi cách mạng văn hóa kết thúc, gia đình nhỏ bé ấy vẫn không thể đoàn tụ. Uyển Du sống một mình trong căn nhà tập thể cũ, Yên Thức sống dưới căn phòng trọ ở đối diện bên đường và cô con gái Đan Đan, nay đã bỏ niềm đam mê múa, trở thành công nhân xưởng dệt và ở lại trong kí túc xá bởi mẹ không cho phép cô trở về nhà.
Lục Yên Thức trở về trong cuộc sống của người vợ với vai trò là "đồng chí đọc thư".
Yên Thức làm mọi thứ để Uyển Du có thể nhớ lại, nhưng dường như tất cả đều vô ích. Xa cách quá lâu cùng những chấn động về tâm lý khiến căn bệnh mất trí của Uyển Du càng ngày càng nghiêm trọng. Vậy là sau cùng, Yên Thức chọn cách đến bên người vợ của mình như một người bạn, hay đúng hơn là “đồng chí đọc thư” – theo cách mà vợ ông gọi. Ngày ngày, ông trở về căn nhà cũ của mình, ngồi đọc cho vợ nghe những bức thư mà ông đã viết trong nhiều năm qua, với tư cách là một người bạn. Dần dần, Uyển Du chấp nhận sự tồn tại của Yên Thức trong cuộc sống, nhưng đơn giản chỉ là một người bạn chia sẻ về những ký ức đầy yêu thương và nhiều nỗi buồn qua những bức thư đã nhuốm màu thời gian.
Trong số đó, có một bức thư mà Yên Thức viết: “mùng 5 tháng này sẽ về”. Và cứ thế, bất kể nắng hanh hay sương gió, mưa phùn hay bão tuyết, mùng 5 hàng tháng, Uyển Du đều đến sân ga đợi chồng, và bởi căn bệnh mất trí, lần nào cũng tựa như lần đầu tiên, như lần duy nhất. Nhiều năm sau vẫn vậy, khi đã bạc trắng mái đầu, nếp thời gian hằn trên khuôn mặt, Uyển Du vẫn đợi chờ và đón Yên Thức vào ngày đã hẹn trong thư, mà không thể nào biết rằng, Yên Thức, trong hình ảnh là người bạn, là “đồng chí đọc thư”, đã đứng bên bà từ rất lâu rồi…
Coming Home… không chỉ có những niềm đau
"Coming Home" là bộ phim nói về “hậu cách mạng văn hóa”. Những con người ấy, như giáo sư Lục Yên Thức, như cô giáo Phùng Uyển Du, dù có một cuộc đời đau khổ và bất hạnh bởi thời thế, nhưng vẫn cố gắng sống một cách giản dị và tốt đẹp. Phim không nói đến sự oán hận, dằn vặt mà mỗi một nạn nhân của cuộc cách mạng đớn đau này chất chứa trong lòng, nhưng vẫn đủ sức truyền cảm đến thấu tâm can, để mỗi một người xem đều cảm thấy những hệ lụy không thể nào bù đắp
Lục Yên Thức và Phùng Uyển Du, họ nên nghĩa vợ chồng chưa đầy 4 năm, đã bị xa cách nghìn trùng. Nỗi đau này, lấy điều gì để khỏa lấp?
Nhiều năm sau trở về, gần bên nhau mà một người vẫn phải ngóng trông đến cuối cuộc đời, và một người phải âm thầm quên đi thân phận thực sự của mình. Nỗi đau này, biết tỏ cùng ai?
Đan Đan đã tố cáo cha với chính quyền, nhưng thực lòng, ai nỡ trách cô gái này? 3 tuổi, Đan Đan đã không có cha bên cạnh. Tất cả những gì cô có thể biết và nhớ, là cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, nhiều tủi hờn, là ước mơ thời thanh xuân bị dập tắt bởi cha cô là một tù nhân chính trị. Nếu có phút giây nào đó, Đan Đan căm ghét cha, thì cô cũng có những lý lẽ của riêng mình. Nếu có những lần, Đan Đan đã cắt hết hình của cha trong những bức ảnh mẹ cô nâng niu gìn giữ, để sau này, khi Uyển Du mất trí nhớ, không có bất cứ một chứng tích nào gợi lại cho bà hình ảnh của người chồng, thì cô vẫn đáng có được sự cảm thông. Nỗi đau của Đan Đan – một đứa trẻ không cha, bị mọi người kì thị, ai có thể sẻ chia?
Phùng Uyển Du và Lục Yên Thức, họ vẫn đợi chờ dù đã ở bên nhau.
Tất cả những niềm đau đó, dành để khán giả cảm nhận. Cảm nhận về bi kịch của con người trong thời thế xoay vần, thấy được sự khoan dung, điềm tĩnh đối mặt với số phận, và trên tất cả, là tình yêu và niềm tin sắt son của Uyển Du và Yên Thức. Họ chờ đợi nhau trong cuộc cách mạng văn hóa, vẫn chờ đợi nhau ngay cả khi đã ở bên nhau, và sẽ còn chờ đợi nhau đến tận cuối cuộc đời…
Coming Home: tiếp nối mối “duyên lành” của Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu
"Trở về - Coming Home" là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu, nhưng đặc biệt hơn cả, nó đánh dấu sự tái hợp của vị đạo diễn danh tiếng này với Củng Lợi – một cố nhân đặc biệt trong cuộc đời của ông. Hơn 20 năm về trước, điện ảnh kết mối duyên nghệ thuật và tình yêu cho Củng Lợi – Trương Nghệ Mưu. Dòng chảy thời gian đưa cả hai đến đỉnh cao của sự nghiệp, để rồi chia xa trong sự nuối tiếc của khán giả.
Hơn 20 năm sau, vượt qua những đổ vỡ, cả hai đã trở về với chính mình. Trương Nghệ Mưu – một đạo diễn tài năng, và Củng Lợi – một diễn viên thực lực. Họ trở về bên nhau và viết tiếp mối duyên trên màn bạc – sự kết nối chưa bao giờ vị cắt đứt sau những rạn vỡ tình cảm.
Củng Lợi tỏa sáng với vai diễn mới lạ.
Với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi từng là cô thiếu nữ căng tràn sức sống trong "Cao lương đỏ", là thiếu phu nhân trong bi kịch tình yêu của "Đèn lồng đỏ treo cao", là bà hoàng quyền quý trong "Hoàng Kim Giáp", và giờ đây, là Phùng Uyển Du đầu hai thứ tóc, nước da đồi mồi, gương mặt hằn nếp thời gian và mắc căn bệnh mất trí nhớ.
Nếu so về hình ảnh, Phùng Uyển Du chẳng thể nào rực rỡ như những vai diễn trước đó của Củng Lợi trong các tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, nhưng chưa bao giờ, bảo bối của điện ảnh Trung Hoa lại tỏa sáng đến thế. Trong những thước phim chủ yếu với tông màu tối, như phản ánh nỗi đau của kiếp người, nhân vật Phùng Uyển Du chân thực qua từng ánh mắt, nụ cười, cho đến cả sự lẫm chẫm của người mất trí nhớ. Một người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần, khuôn mặt khắc khổ, quần áo tuềnh toàng… trở nên quyến rũ và có sức lay động đến thế, chỉ có thể là nhờ đến diễn xuất của Củng Lợi.
Trương Hiểu Văn - gương mặt mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.
Trở về không nhiều kịch tính, cao trào, tựa như dòng chảy của con sông nhỏ với những khúc ngoặt vòng quanh, nhưng vẫn tràn đầy cuốn hút, là nhờ vào diễn xuất xuất sắc của 3 diễn viên chính. Bên cạnh một Củng Lợi mặn mà, Trần Đạo Minh trong vai Lục Yên Thức và Trương Hiểu Văn trong vai cô con gái Đan Đan, cũng là những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm.
Sau nhiều tác phẩm được đánh giá là có hơi hướng thương mại, giờ đây, Trương Nghệ Mưu lại trở về với thế mạnh của mình – dòng phim nghệ thuật chính kịch. Vị đạo diễn này cho thấy, một tác phẩm hay, không cần những điều đao to búa lớn, những kỹ xảo hoành tráng. Ngôn ngữ của điện ảnh chân phương: một nội dung sâu lắng, những lời thoại xúc tích và những cảnh quay tinh tế, đủ để khiến một bộ phim mãi đi vào lòng khán giả.
Thiên Lam
Ảnh: Baidu
Ảnh: Baidu
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
3 cung Hoàng đạo nam có tính thích kiểm soát quá mức khiến tình yêu luôn trở nên ngột ngạt