"Nghề độc" dành riêng cho phụ nữ
Mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi có mặt chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Trong cái không khí tấp nập, hối hả của khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam, là hình ảnh liêu xiêu của những “nữ phu heo” đang tất tả với công việc bồng heo thuê của mình.
Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, chợ heo thường bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng và kết thúc vào 11 giờ trưa. Heo ở đây được tập trung từ các thương lái hoặc chủ trang trại nuôi heo ở khắp các huyện của tỉnh Quảng Nam như Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình...
Khách hàng lựa chọn heo mà mình muốn mua. (Ảnh: Khương Mỹ)
Nghề bồng heo đã tồn tại ở chợ heo Bà Rén hơn nửa thế kỷ và trở thành bát cơm sinh nhai của hàng chục chị em phụ nữ “chân lấm tay bùn”. Những phu heo ở chợ Bà Rén đa phần là phụ nữ nông thôn có hoàn cảnh khó khăn. Vì cuộc sống vất vả, thu nhập bấp bênh, nên họ tập trung về đây để mưu sinh bằng công việc bán sức lao động, mồ hôi và đôi khi là cả những giọt nước mắt của mình. Mỗi lần ẵm heo thuê cho thương lái, họ được trả công từ 1000 đến 2000 đồng.
Làm cái nghề đặc biệt này, đòi hỏi những phu heo phải có sự yêu nghề và tính chịu khó, nhẫn nại. Khi những chiếc xe chở heo vừa đỗ vào chợ là lúc từng tốp chị em xông xáo chạy đến cặm cụi khiêng những rọ heo nặng hàng chục kg đặt xuống đất. Sau đó, họ lại ôm nách từng con heo vào người nhảy lên cân và khẩn trương chuyển heo sang các rọ to hơn để xuất bến. Thông thường, các thương lái chọn những phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn để thuê bồng heo lên cân. Sau khi có kết quả, họ trừ đi trọng lượng cơ thể của người, còn lại là trọng lượng thực tế của con heo.
Sau đó những nữ phu heo được thương lái thuê để bồng heo lên cân. (Ảnh: Khương Mỹ)
Lúc trước, khi nghề bồng heo thuê chưa ra đời, mỗi lần cân heo là các thương lái gặp rất nhiều khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian. Từ đó, cái nghề bồng heo thuê ở đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi.
Với “thâm niên” hơn 20 năm gắn bó với nghiệp phu heo, bà Nguyễn Thị Hoa (60 tuổi, huyện Đại Lộc) là một trong những người có hoàn cảnh éo le ở chợ heo Bà Rén. Chồng tật nguyền, con gái lại bị tâm thần bẩm sinh nên suốt mấy chục năm nay bà phải bám trụ ở đây để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình.
Trung bình một lần bồng heo, họ được trả công từ 1000 đến 2000 đồng. (Ảnh: Khương Mỹ)
Đang trò chuyện với chúng tôi, nhưng thấy có người vừa chở heo đến, bà Hoa lại vội chạy ra phía đường nhựa. Khi tiểu thương vừa đặt rọ heo xuống đất, rất nhanh gọn, bà cúi xuống ôm lấy nách con heo nặng cả hàng chục kg nhảy lên cân rồi sau đó ẵm heo chạy thật nhanh vào chợ giao cho người mua. Nhìn bóng dáng lom khom của bà Hoa, chúng tôi chợt thấy chạnh lòng cho cuộc sống đầy vất vả của bà, khi mà tuổi tác đã đến ngưỡng xế chiều.
Gian truân kiếm sống...
Trong lúc chờ bà Hoa làm việc, chúng tôi có dịp tiếp xúc với một nữ phu heo khác. Phải gạn hỏi mãi mới biết tên chị là Mai, thế nhưng khi chúng tôi xin họ và tên lót, chị lại cố tình lẩn tránh. Sau mới biết, chị là người có hoàn cảnh bất hạnh nhất ở đây, nên thành ra tự ti, mặc cảm với người lạ.
Nghề bồng heo trở thành một nghề độc và là bát cơm sinh nhai của chị em xứ Quảng từ mấy chục năm nay. (Ảnh: Khương Mỹ)
Theo những “đồng nghiệp” của chị cho biết, chị Mai làm cái nghề này cũng đã gần 5 năm nay. Mới vừa bước sang cái tuổi 40 nhưng nhìn chị Mai khắc khổ hơn nhiều so với cái tuổi ấy. Chồng mất sớm vì tai nạn giao thông, một mình chị phải lặn lội mưu sinh để nuôi 4 con thơ ăn học và phụng dưỡng cha mẹ già yếu…
Quần xắn cao tận gối, vừa khệ nệ từng bước bồng một con heo “thiếu niên” nặng khoảng 40 kg giao cho người buôn ở cuối chợ, quay sang nhìn thấy tôi có vẻ ái ngại, chị Mai cười khà khà rồi nói to với cái giọng đặc sệt tiếng Quảng Nam: “Chừng ni thì có nhằm nhò chi em. Mọi khi, tụi chị còn khiêng con heo nặng hơn nhiều. Mà ngó cái nghề ni nặng nhọc rứa thui chứ làm miết nên cũng quen rồi, với lại cũng có nhiều niềm vui lắm".
Để mưu sinh, những nữ phu heo không ngại việc ôm những con heo nặng nhọc, bẩn thỉu. (Ảnh: Khương Mỹ)
Ở chợ heo Bà Rén này, mỗi chị em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là bị cái nghèo đeo bám và phải mưu sinh để nuôi cả gia đình. Có lẽ, chính vì vậy mà giữa bốn bề chợ búa tấp nập, nhưng chưa bao giờ họ tranh giành công việc hay giận hờn nhau. Không chỉ vậy, họ còn biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và nhường nhau từng đồng tiền lẻ. Nhìn hình ảnh những người phụ nữ với bộ quần áo cũ kỹ, bồng heo để kiếm những đồng tiền lẻ, chúng tôi càng thấy khâm phục nghị lực của họ.
“Cái nghề ni vất vả lắm vì người lúc nào cũng dính đầy phân heo rứa mà cũng phải ráng làm thôi chứ biết răng chừ. Tiền công thì tính từng đồng lẻ, chứ bồng mà không chắc, làm heo rớt hay nó chạy mất thì có nước làm cả tháng cũng không đủ tiền để đền mô. Cận Tết năm ngoái, tui cũng phải đền tiền một con heo gần 20 kg vì lúc ẵm sơ ý vấp té làm con heo bị gãy chân. Tết năm đó nhà tui xem như không có tết luôn”, Chị Lê Thị Sen (37 tuổi, huyện Duy Xuyên) chia sẻ.
Đa số những phụ nữ làm nghề bồng heo ở chợ bà Rén đều bị đau lưng, đại tràng vì ngày nào cũng phải bồng vài chục lượt heo nặng hàng chục kg trước bụng. (Ảnh: Khương Mỹ)
Công việc ẵm heo thuê tuy nặng nhọc, vất vả là thế, nhưng cũng chính nhờ cái “nghề độc” này mà biết bao chị em đã trụ vững, nuôi con cái ăn học trưởng thành. Vừa cùng “đồng nghiệp” khiêng một rọ có 12 con heo con giao cho khách, chị Lê Thu Hà (50 tuổi, ở huyện Thăng Bình), một người bồng heo thuê lâu năm ở chợ Bà Rén hớn hở khoe với chúng tôi: “Con gái đầu của tui năm sau là tốt nghiệp đại học rồi. Còn thằng con út thì năm học ni mới vừa được học sinh giỏi. Chừ tui chỉ cầu mong sao ông trời thương tình phù hộ cho khỏe mạnh để mình có thể bám lấy cái nghề ni mà lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn thôi”
Khi mặt trời đã lên đến đỉnh đầu cũng là lúc chợ heo vãn dần, những nữ phu heo lặng lẽ trở về mái ấm của mình với nụ cười ngời sáng trong cái mùi khét của mồ hôi, mùi hôi của phân heo. Dẫu biết rằng cuộc sống phía trước của những nữ phu heo ấy vẫn còn nhiều khó khăn, nhọc nhằn. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng, nhìn cha mẹ lam lũ, rồi đây con cái của họ sẽ quyết tâm ăn học thành tài để báo hiếu cho họ.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan)
Sao Việt diện váy xếp tầng công chúa: Hari Won ngọt ngào, Hương Giang lại quyến rũ sang chảnh