Thăm xóm chỉ có 9 gia đình và 9 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng

Thăm xóm chỉ có 9 gia đình và 9 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng

Khương Mỹ 2015-04-28 17:28
- Gọi là xóm Chín Chủ, bởi cái xóm nhỏ xíu dài 1,5 km, rộng chưa tới 500m ấy, chỉ có 9 hộ dân sinh sống nhưng có đến 9 mẹ Việt Nam Anh hùng, 17 liệt sĩ và 7 thương binh.
Xóm đặc biệt nhất nước
Trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm thống nhất đất nước (30/4), chúng tôi tìm về xóm Chín Chủ nằm ở ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò (thôn Đông Hà, xã Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam) để tìm hiểu rõ hơn về địa danh lịch sử này.
Nhiệt tình dẫn chúng tôi đến từng hộ dân, ông Lê Văn Nuôi – trưởng thôn Đông Hồ, cho biết, xóm có tên đặc biệt như vậy là vì chỉ có 9 hộ dân sinh sống. Tuy không cùng họ hàng nhưng họ sống với nhau rất đoàn kết, tình nghĩa và cả ba thế hệ đều tham gia cách mạng. Ngoài ra, đây còn là căn cứ bí mật của ta được các gia đình trong xóm Chín chủ nuôi dưỡng, bảo vệ.
Ngày đó, nhiều người dân xóm Chín Chủ bị địch bắt và tra tấn, có người còn bị bắn giết. Thế nhưng, cứ người đi trước ngã xuống thì lớp con cháu của họ lại đứng lên mạnh mẽ, kiên cường hơn. Từ đó, bà con Chín Chủ rút ra bài học “2 chung, 1 riêng” để tồn tại. Đó là ăn cơm chung, đấu tranh chung nhưng ngủ riêng để tránh tổn thất lực lượng khi bị địch tấn công.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Giao (95 tuổi)
Là địa bàn nằm trong lòng địch, nhiều lần bị càn quét nhưng bà con đã kiên cường đánh trả và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Tháng 10/1968, địch mở trận càn 21 ngày đêm vào Điện Bàn, bà con xóm Chín Chủ đã chăm sóc và bảo vệ an toàn cho hàng chục thương binh…”, ông Nuôi chia sẻ.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm là nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Giao. Mẹ Giao là người duy nhất trong 9 bà mẹ Việt Nam Anh Hùng ở xóm Chín Chủ còn sống. Mẹ có 10 người con, trong đó có 4 liệt sĩ và 1 thương binh…
Tuy đã bước sáng cái tuổi 95, nhưng mẹ còn rất minh mẫn. Khi nhắc về xóm nhỏ vang danh của mình, mẹ Giao rành rọt kể nhiều câu chuyện về thời lửa đạn. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, ban ngày, mẹ nuôi bộ đội dưới hầm, ban đêm một mình lặn lội chèo ghe vận chuyển lương thực. Nhiều lần bị địch bắt và tra tấn nhưng mẹ nhất quyết không chịu khai nơi nuôi giấu cán bộ…
Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, mẹ luôn miệng nhắc về người con gái đầu Lê Thị Khá. Mới 14 tuổi, Khá gia nhập du kích xã và rồi trong một trận đánh, chị anh dũng hy sinh. Đau đớn vì mất đi đứa con do mình đứt ruột sinh ra, nhưng vì Tổ quốc, mẹ vẫn động viên những đứa con còn lại của mình lên đường. Và rồi, họ cứ ra đi mãi mãi, chỉ có anh Lê Việt Hùng trở về nhưng lại với thân hình không lành lặn.
Hồi đó, cả xóm Chín Chủ nhà mô cũng rứa, ai cũng một lòng nguyện hy sinh cho cách mạng hết... Chỉ tội là các con tôi mất khi còn nhỏ quá, chưa đứa mô có vợ, có chồng cả”, mẹ Giao nghẹn ngào.
Chia tay mẹ Giao, chúng tôi tìm đến nhà bà Phan Thị Mai (SN 1943), một trong  9 gia đình của xóm Chín Chủ. Nhìn dãy huân chương, bằng khen treo dày trên vách tường mới thấy được chiến công oanh liệt của gia đình bà.
Nữ thương binh Phan Thị Mai bên những tấm bằng khen ghi công của gia đình mình
Bà Mai là con của mẹ VNAH Nguyễn Thị Cúc và cháu mẹ VNAH Nguyễn Thị Hoài. Năm 1962, bà Mai về làm dâu gia đình ông Hai Rựa, làm nhiệm vụ đưa bộ đội sang sông. Bây giờ, địa danh bến đò Hai Rựa đã nổi tiếng khắp tỉnh. Năm 1967, chồng bà là ông Lê Văn Ba lập được chiến công lớn khi dùng súng AK bắn rơi máy bay địch ngay tại lũy tre làng. Năm 1969, ông Ba hy sinh trong một trận càn của giặc.
Nói về cái chân phải khập khiễng của mình, bà Mai giọng sặc Quảng Nam: “Năm 1971, trong một lần đưa du kích sang sông, tui bị địch phục kích, chúng bắn đứt cái chân nên chừ mới cà thọt như ri đây”.
Dùng mưu trí đánh giặc
Lúc chúng tôi đến nhà bà Mai, có bà Lê Thị Nhã (SN 1940) và bà Đinh Thị Ái (SN 1941), cũng là người dân của xóm Chín Chủ, tới chơi. Thấy nhắc về xóm Chín Chủ, bà Nhã nói to: “Đây cũng là dân Chín Chủ chính gốc nè”. Hỏi ra mới biết, bà Nhã là con dâu của mẹ VNAH Trần Thị Môn, người được mệnh danh là mưu trí nhất xóm Chín Chủ. Mẹ đã nhiều lần bày mưu giải nguy cho bộ đội thoát khỏi sự truy sát của địch.
Bà Nhã cho biết, nhà bà có 5 người có công với cách mạng, trong đó có 3 liệt sỹ. Bản thân là thương binh và được trao tặng nhiều huân chương, trong đó có huân chương độc lập hạng nhất.
Kể về người mẹ chồng “nổi tiếng” của mình, bà Nhã tự hào: “Có lần du kích núp dưới hầm bí mật sau nhà tôi. Trưa đến, địch kéo vào phục kích. Trước tình thế nguy cấp, mẹ Môn chạy đến gặp tên thông dịch viên bảo cần đốn cây chuối cho heo ăn, nhờ nói với 3 tên lính Mỹ đi chỗ khác. Thế là mẹ vừa chặt chuối vừa dậm chân lên miệng hầm để báo hiệu cho du kích có địch, nhờ vậy mà họ mới thoát nạn được…”
Hai nữ du kích Lê Thị Nhã và Đinh Thị Ái đang ôn lại kỷ niệm về xóm Chín Chủ xưa
Nghe bà Nhã nói, bà Ái ngồi bên cũng tiếp lời: “Nói về xóm Chín Chủ thì kể cả ngày cũng không hết chuyện. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là đội du kích chăn trâu đánh giặc từ 10 đến 12 tuổi, làm nhiệm vụ vừa chăn trâu vừa theo dõi bọn địch để báo cáo cho cơ sở có kế hoạch đánh trả…”.
Được biết, bà Ái là con của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ôm. Gia đình có 2 liệt sỹ và 3 thương binh đều là người dân gốc Chín Chủ. Cả hai vợ chồng bà đang hưởng chế độ thương binh và được trao tặng nhiều huân chương cao quý.
Tạm biệt những nữ du kích dũng cảm ra về, chúng tôi đến nhà mẹ VNAH Trần Thị Lưỡng. Hơn 40 năm trôi qua, nhưng với thương binh Nguyễn Văn Hoành (SN 1934, con ruột mẹ Lưỡng) thì những ký ức về xóm Chín Chủ vẫn không bao giờ quên được.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, chứng kiến anh chị em lần lượt hy sinh nhưng ông Hoành không lo sợ. Mới 13 tuổi, ông làm liên lạc cho cán bộ nằm vùng và tham gia du kích. Năm 16 tuổi, ông nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh lớn, tiêu diệt được nhiều quân địch.
Gia đình ông Hoành có 7 đảng viên, 4 liệt sĩ và 1 thương binh, 2 người em của ông cũng tham gia cách mạng. Mẹ Lưỡng (mất năm 1968) là một trong những người được công nhận Bà mẹ VNAH đợt đầu tiên…

Khu di tích cánh mạng tại xóm Chín Chủ

Nhắc lại kỷ niệm thời kháng chiến, ông Hoành cho biết, có lần ông và đồng đội đóng quân ở bên kia sông La Thọ. Một hôm quân ngụy bất ngờ kéo về đánh phá phong trào. Sau 2 ngày lùng sục, chúng bắt người dân tra tấn nhưng không ai chịu khai.
Đến ngày thứ 3, chúng giả vờ rút lui và cử một đám quân ở lại phục kích. Lúc này, ông và đồng đội thấy địch rút nên định trời tối kéo vào xóm. Để cứu nguy, bà con Chín Chủ liền thả trâu bò ra rồi thắp đuốc đi tìm và hô to:“Tại mấy ông vác súng ống lỉnh kỉnh làm trâu bò sợ sổng chuồng”. Nhưng thực chất là ngầm ra hiệu cho du kích biết địch vẫn còn ở trong xóm, nhờ vậy mà mọi người mới thoát được.
Dẫn chúng tôi đến khu tưởng niệm, ghi nhớ công ơn những người dân xóm Chín Chủ đã hy sinh, ông Hoành xúc động nói: “Hồi trước xóm Chín Chủ nằm ở đây, sau năm 1975, được chuyển lên khu đất cao hơn là thôn Đông Hồ hiện nay. Vùng đất này đã cưu mang không biết bao nhiêu bộ đội ta trong những ngày chiến tranh ác liệt. Nếu không có bà con xóm Chín Chủ thì chúng tôi khó mà sống sót được trước quân địch ác ôn”.
Khương Mỹ
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Top 3 chòm sao có vẻ ngoài lạnh lùng như băng nhưng trái tim đa sầu, đa cảm

Đọc nhiều nhất