Lặn lội “thân cò” ăn đêm
Đà Thành những ngày giữa tháng 5 đang yên giấc nồng, 3 giờ sáng, khoác vội chiếc áo gió, chúng tôi theo chân bốn nữ phu nước ra bãi biển thuộc bán đảo Sơn Trà để hòa vào cuộc sống mưu sinh của những "thân cò" lặn lội "ăn đêm".
Chứng kiến một buổi làm việc của các phu nước ấy, chúng tôi cũng phần nào hiểu được sự vất vả, nhọc nhằn của cái nghề này. Mỗi phu nước là một hoàn cảnh và những câu chuyện đời riêng nhưng tất cả họ đều gánh nặng trên đôi vai cả gia đình và miếng cơm, manh áo hằng ngày.
Sống bằng nghề gánh nước thuê, nên những "thân cò" ấy chẳng bao giờ quản ngại chuyện nắng mưa, khó nhọc. Bởi không đơn giản như gánh thuê những thứ khác, công việc của họ luôn bắt đầu vào lúc giữa khuya mãi cho đến tận 10 giờ sáng hôm sau..
Những phu nước làm việc từ lúc giữa khuya cho đến tận 11 giờ trưa hôm sau (Ảnh: Khương Mỹ)
Với bộ quần áo lao động cũ kỹ, xờn màu, ướt sũng vì nước biển cùng bộ đồ nghề chỉ vỏn vẹn là đôi quang gánh nhẵn thin và hai chiếc thùng được cắt ra từ những chiếc can cũ, thế nhưng bất kể nắng mưa những “thân cò” ấy vẫn miệt mài với công việc của mình. Chỉ với 1000 đồng/lượt, nhưng nghề gánh nước biển thuê từ bao giờ đã trở thành cái nghiệp của những phụ nữ làng chài Thọ Quang.
Bà Ngô Thị Á (57 tuổi), là một trong những phu nước có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà có 5 người con và chồng bị tai biến nằm liệt giường nhiều năm. Dù gia đình được hỗ trợ tiền hộ nghèo hàng tháng nhưng cũng không giúp bà Á thoát khỏi cảnh đói khát.
Một gánh nước được 1000 đồng (Ảnh: Khương Mỹ)
Cứ mỗi lần chồng lên cơn đau, bà lại chạy vạy vay mượn khắp nơi để lo thuốc thang cho chồng. Cũng nhờ vào những gánh nước thuê, mà hơn 20 năm qua, bà Á đã thay chồng nuôi nấng được đàn con thơ nên người. "Đời tôi đã khổ cực nhiều rồi, chỉ mong sao con cái ăn học thành tài để sau này thoát khỏi cái kiếp vạn chài này", bà Á tâm sự.
Cũng chẳng khấm khá hơn hoàn cảnh bà Á là mấy, cuộc sống của phu nước Nguyễn Thị Học (SN 1956) cũng chồng chất khó khăn. Suốt 19 năm nay, bà ở góa nuôi con khi người chồng đi biển gặp nạn và chọn nghề gánh nước thuê để trang trải cuộc sống. Bà Học nghẹn ngào kể “Ngày trước chồng tôi cũng là dân vạn đò. Nhưng không may ổng mất khi đi biển. Để kiếm tiền nuôi con ăn học, tôi chọn nghề gánh nước này để mưu sinh mấy chục năm ni rồi. Công việc ni tuy nặng nhọc thật nhưng làm miết, vai chai hết nên giờ cũng quen rồi".
Sống bằng nghề gánh nước thuê nên những “thân cò” ấy chẳng bao giờ ngại chuyện nắng mưa, khó nhọc (Ảnh: Khương Mỹ)
Quanh năm suốt tháng, bất kể mùa mưa hay mùa nắng, những "thân cò" ấy vẫn tất bật ngược xuôi, lấy bến cảng nồng mùi cá này để kiếm sống. Có người bám víu ở đây cả đời, cho đến khi sức cùng lực tận, rồi con cái họ lại tiếp bước theo nghề... Và cứ thế, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn như một vòng tròn nghiệt ngã cứ từng ngày gieo lên những mái đầu đã bạc trắng vì sương gió ấy.
Giấc ngủ cũng là ước mơ
Tấm lưng còng vì năm tháng gắn với chiếc đồng gánh nhẵn thin nhưng đôi chân bà Nguyễn Thị Côi (SN 1956, trú P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà) vẫn nhanh thoăn thoắt trên bãi cát. Bà tự nhận mình là người có "thâm niên" gắn bó với cái nghiệp gánh nước thuê lâu nhất ở cái đất Đà Thành này. Cảnh mẹ góa con côi từ sớm, đứa con lớn lại không được khôn, làm đâu hỏng đó nên người mẹ ấy dù đã gần bước sang cái tuổi U60 nhưng vẫn phải lo toan mọi việc.
"Quãng đường gánh nước từ biển lên đến chợ chừng hơn 20m. Trung bình mỗi ngày mỗi người chúng tôi gánh được khoảng 50 đến 60 gánh, nếu hết người thuê gánh nước thì chúng tôi lại tranh thủ đi nhặt hải sản giúp các tiểu thương để kiếm thêm được vài ngàn nữa...", bà Côi cho biết.
Quanh năm suốt tháng, bất kể nắng mưa, những nữ phu nước vẫn bám bến cảng nồng nặc mùi cá để mưu sinh (Ảnh: Khương Mỹ)
Còn phu nước Ngô Thị Nhứt (SN 1954, trú tổ 6E) thì số phận cũng đầy éo le, khó nhọc. Thời tuổi trẻ, bà Nhứt cũng khá xinh đẹp và giỏi giang, nhưng vì mãi bộn bề với cuộc sống mưu sinh nên đến khi tuổi quá lứa lỡ thì bà cũng chưa kiếm được một tấm chồng. Đành ngậm đắng nuốt cay, bà liều đi xin con để mong có chỗ nương tựa lúc về già, nhưng rồi cuộc sống hiện tại của con bà cũng khó khăn, chẳng giúp đỡ được gì cho mẹ.
Thế nên dù nay tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu dần vì đang mang trong mình 2 căn bệnh đau khớp và tiểu đường, thế nhưng hằng ngày bà vẫn thức dậy từ 2 giờ sáng, 3 giờ sáng để mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống thường nhật.
Có lẽ, với những người phụ nữ mưu sinh bằng cái nghiệp phu nước này thì dường như khái niệm ngày và đêm không tồn tại và giấc ngủ cũng là một điều để mà mơ. Cuộc sống khốn khó với bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền cứ xoay vòng theo kim đồng hồ và hạnh phúc nhỏ nhoi với họ có chăng chỉ giản đơn là được nhìn thấy con cái ngày càng trưởng thành.
"Cái nghề ni cực gê lắm! Mỗi ngày chúng tui chỉ kiếm được từ 60 đến 70 ngàn thôi. Biết là vất vả, nặng nhọc nhưng cũng đành phải cắn răng mà làm thôi, vì không làm thì biết lấy chi ăn đây. Nghề ni mùa khô còn đỡ chứ mùa bão lũ thì đói lắm. Mấy hôm ni trời mưa suốt, tàu cá ít ra khơi được nên chúng tui thu nhập cũng chẳng đủ ăn...", bà Nhứt giải bày.
Niềm vui của họ đôi khi chỉ giản đơn là lúc nhận được vài đồng tiền lẻ từ gánh nước thuê cho các tiểu thương (Ảnh: Khương Mỹ)
Chứng kiến cảnh những phụ nữ với bộ quần áo ướt sũng, nồng nặng mùi hôi tanh mới thấy được sự khó nhọc và cái giá mà họ phải đánh đổi để kiếm được đồng tiền từ công sức lao động của mình. Cuộc đời của họ luôn gắn liền với những đôi chân trần lặng lẽ bước từng bước nặng nhọc trên bãi cát, thế nhưng, đôi lúc chúng tôi vẫn bắt gặp nụ cười trên những khuôn mặt nhăn nheo, đầy vết chân chim ấy, cho dù cuộc sống của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Chúng tôi rời cảng cá Thọ Quang khi mặt trời đã lên quá đỉnh đầu, thế nhưng bốn người phụ nữ ấy vẫn đang cần mẫn với công việc quen thuộc của mình. Chợt nao lòng khi nghĩ tới những ngày biển đói, những chiếc quang gánh buông lơi trên vai họ và những nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền cứ luôn thường trực, đeo bám lấy những "thân cò" ấy.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan.vn)
Phụ nữ thuộc 3 mệnh này là người hiền lương, số mệnh có nhiều cát khí, lấy được người chồng tốt, tương lai con cái đầy hứa hẹn