Gánh nước thuê: Nghề chỉ còn ở Hội An

Gánh nước thuê: Nghề chỉ còn ở Hội An

Cao Nguyên 2015-01-02 16:06
- Vất vả và cực nhọc, thu nhập ít ỏi nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề gánh nước thuê hàng chục năm trời giữa lòng Hội An.

Nước giếng cổ mát trong là một phần không thể thiếu để chế biến nên những đặc sản của đất Hội An, trong đó có cả cao lầu. Cũng chính nhờ giếng cổ ấy, một nghề đặc biệt mà đến nay chỉ còn có ở Hội An là nghề gánh nước thuê. Có nhiều mảnh đời gắn bó với nghề gánh nước thuê mấy chục năm trời, thậm chí nhiều người phụ nữ ròng rã trải qua bao nắng mưa vẫn tần tảo mưu sinh cùng hai gàu nước rảo bước khắp phố Hội.

Nghề chỉ còn ở Hội An

Ai đã từng đến Hội An, dạo bước trên từng con phố nhỏ, thưởng thức nét tinh túy trong ẩm thực, ngắm các kiến trúc cổ sẽ cảm nhận những nét riêng biệt chỉ có nơi đây. Nghề gánh nước thuê với đôi vai kĩu kịt đã đi vào nếp sống để trở thành một phần đặc trưng của không gian phố Hội.

Nghề gánh nước giếng cổ này không phải chỉ mới xuất hiện những năm gần đây, tuổi nghề của vài người cũng ngót 50 năm. Ghé Hội An khi trời tờ mờ sáng, chúng tôi đã thấy hàng chục người gánh nước thuê đang đứng quanh chiếc giếng cổ Ba Lễ.

Gặp chị Nguyễn Thị Lai (48 tuổi, phường Minh An, Tp. Hội An) đang gồng mình múc những gàu nước, khi chúng tôi hỏi về công việc vất vả này, chị kể: "Tôi gánh nước đã hơn 10 năm nay. Nghề này cực nhọc lắm".

Phần lớn những người gắn bó với nghề gánh nước đều có gia cảnh rất nghèo khó, chị Lai cũng không ngoại lệ. Theo lời chị Lai, chồng của chị bị tàn tật không có khả năng lao động. Hai vợ chồng có 1 đứa con đang học lớp 9. Tất cả chi phí ăn học của con, sinh hoạt của gia đình đều dựa vào đôi vai gánh nước của chị.

Để có thể bám trụ với nghề hàng chục năm, mỗi người gánh nước phải có sức khỏe và sự bền bỉ, kiên trì. Với dáng người nhỏ bé, chị Lai ròng rã trải qua bao nắng mưa gánh nước suốt 10 năm. Chừng đó thời gian lấy đi biết bao sức khỏe và mồ hôi nhưng chị vẫn tiếp tục. Cuộc sống mưu sinh đã bắt buộc chị Lai phải kiên trì bằng tất cả sự cố gắng. Và dường như cái yếu ớt cũng tan biến, đôi vai gầy giờ đây chẳng quản gì cực nhọc, vẫn tần tảo mưu sinh cùng thu nhập ít ỏi.

Gánh nước thuê khó nhọc là vậy nhưng cuộc sống của những người làm nghề này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng giếng cổ ở Hội An ngày càng ít, trong khi mỗi gánh nước thuê chỉ được trả công với giá 2.000 đồng không kể quãng đường xa hay gần. Chính vì vậy, để kiếm được tiền đủ nuôi con ăn học, có bữa cơm qua ngày, những người gánh nước lại gồng mình gánh nhiều hơn.

Gánh nước vất vả, chờ đợi lấy nước rồi đưa đến từng địa chỉ rất kỳ công nên cố gắng bao nhiêu chị Lai cũng chỉ gánh được nhiều nhất 20 gánh nước mỗi ngày. Gánh 1-2 thùng nước là chuyện có thể không quá vất vả những nếu chứng kiến người phụ nữ nhỏ bé bước nhanh thoăn thoắt, trên vai cả chục thùng nước mỗi ngày mới thấu hiểu hết được phần nào sự khó nhọc của người trong cuộc.

Chị Lai nói: "Mỗi gánh nước chỉ được trả công vài ngàn đồng. Cố gắng cũng chỉ đủ ăn chứ không thể nói chuyện khá giả được".

Ngoài sự kiên trì, chịu khó, người gánh nước cũng cần cẩn thận, tỉ mỉ. Bởi vì, nếu không cẩn thận, có thể bị ngã, nước đổ hết ra ngoài. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 năm đã qua, chị Lai vẫn tần tảo gánh nước, ngày khỏe mạnh còn đỡ, có những ngày ốm muốn được nghỉ ngơi nhưng khi nghĩ đến con và chồng, chị Lai lại quảy gánh ra đường.

"Khỏe thì gánh nhiều, ít thì gánh đủ lo bữa cơm qua ngày", chị Lai chia sẻ. Ẩn trong làn da rám nắng, đôi tay chai sần, thân hình nhỏ bé là cả sự hi sinh thầm lặng vì chồng con, gia đình.

Lau vội những giọt mồ hôi nhễ nhại đang chảy ròng ròng theo những kẽ tóc, chị Lai nói thêm: "Từ 4h sáng, tôi đã ra giếng để lấy nước rồi. Trời mùa đông này hay mưa, lạnh nhưng làm riết rồi cũng quen. Chủ yếu gánh cho các tiểu thương trong chợ. Những nhà gần thì đỡ mệt, nhà xa dù mệt cũng gắng mà gánh".

Nếu 1 lần đến Hội An, dường như ai cũng biết đến tiếng của ông Nguyễn Đường và vợ là bà Nguyễn Thị Mỹ. Bởi vì, 2 ông bà đã bó với nghề này suốt 50 năm trời để mưu sinh và nuôi đứa con bị tâm thần. Bao nhiêu năm, vợ chồng ông vẫn chung thủy với công việc này. Đó thực sự là hành trình dài bền bỉ, nhọc nhằn mưu sinh với gánh nước.

Ông Đường, bà Mỹ không nhớ đã đến với nghề gánh nước chính xác từ khi nào. Nhớ lại những ngày đầu tiên, lúc đó bà Mỹ thấy nhiều người ở Hội An thích dùng nước của giếng Ba Lễ để pha trà, nấu cao lầu...Từ đó, bà Mỹ sắm đôi quang gánh bắt đầu nghề gánh nước.

Từ ông Đường, bà Mỹ, cậu con trai bị tâm thần cũng tiếp nối công việc này theo cha mẹ gồng gánh những thùng nước đến các địa chỉ trong lòng Hội An.

Nước giếng cổ làm nên những món ăn nức tiếng

Quần thể giếng cổ ở Hội An được xem là quần thể kiến trúc tâm linh trong đời sống sinh hoạt của người dân Hội An. Giếng cổ Hội An hiện nay còn khoảng 80 cái, rải rác khắp nơi, phân bố tập trung ở vùng ven thuộc thôn 5, 6 xã Cẩm Thanh, khối 4 phố Thanh Hà, số còn lại nằm ở khu phố cổ, các giếng này nằm gần các di tích tín ngưỡng như hội quán, miếu, nhà thờ tộc…

Giếng cổ tùy theo niên đại, tùy từng thời điểm và nền văn hóa mà có hình dáng khác nhau. Giếng ở vùng ven phổ biến có dáng hình tròn, giếng trong phố cổ có hình vuông và trên tròn dưới vuông. Chất liệu xây giếng từ gạch, đá và dùng cả khung gỗ lim ở dưới cùng để bảo vệ thành giếng khỏi sụt lún. Nhiều thế kỉ nay, giếng cổ vẫn tồn tại mặc cho mưa gió thời gian.

Điều đặc biệt là những giếng cổ tuy nằm ven sông nhưng nước lại mát ngọt tự nhiên, ngay cả những ngày nắng hạn, mực nước vẫn luôn cao và ổn định. Nhưng đáng buồn thay, giờ đây hầu hết tất cả các giếng nước không còn dùng được do tình trạng nước bị ô nhiễm nặng, duy chỉ có giếng nước cổ Ba Lễ vẫn giữ được sự trong mát hàng trăm năm.

Theo tương truyền trong dân gian, nước giếng cổ trong tựa nước suối, nếu dùng nước giếng cổ nấu ăn, pha trà thì những món ăn ấy sẽ đậm đà hơn khi dùng nước máy. Ai đến Hội An mà chưa thưởng thức Cao Lầu hay chè xí thì chưa gọi là trọn vẹn. Hai đặc sản nức tiếng này được chế biến từ nước giếng cổ mát ngọt này. Nếm thử một tô Cao Lầu ở đây mà được nấu từ nước giếng cổ sẽ thấy được cái vị đậm đà.

Bên cạnh những người gắn bó với nghề, không ít người đã phải bỏ nghề vì nước giếng cổ càng ngày càng ít hơn. Từ cả trăm người làm nghề gánh nước, nay chỉ còn tầm vài chục người. Những phận nghèo mưu sinh như chị Lai, ông bà Đường – Mỹ… phải sống ra sao nếu không có nghề gánh nước giếng, bởi số lượng giếng nước cổ đang ngày càng ít đi...

Cao Nguyên
(Theo congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Nhan sắc 'tứ tiểu hoa đán' thế hệ genz: Quan Hiểu Đồng vẫn là 'quốc dân khuê nữ', Trương Tử Phong được khen là 'Châu Tấn thứ 2'

Đọc nhiều nhất