Nhiều trẻ nhập viện vì mắc tay chân miệng ở Tp.HCM
Tin liên quan
Theo ghi nhận tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số lượng bệnh nhi bị tay chân miệng nhập viện tăng lên mỗi ngày. Vì vậy nhiều giường bệnh cũng trở nên quá tải, một số phụ huynh không có chỗ nghỉ đành phải ôm con ra hành lang để nằm tạm.
Cũng theo một số phụ huynh, hiện tại mỗi phòng có 8 giường bệnh, nhưng mỗi giường bệnh nằm từ 3 đến 4 bé. “Dù đã cố chen nhau vào để các bé chỗ nằm, nhưng hiện tại theo tôi thấy thì vẫn còn nhiều bé nằm ngoài hành lang vì thiếu giường bệnh”, một phụ huynh cho biết.
Chị Phạm Thị Tin (SN 1986, ngụ Bình Tân) cho biết, con trai chị nhập viện đã được hơn hai ngày. Ngày mới nhập viện, bé sốt và bị lở loét ở miệng nên không ăn uống được gì. “Mới đầu thấy bé bị sốt, tôi chỉ nghĩ là bị bệnh thông thường, nào ngờ ít ngày sau cả người bé nổi nhiều nốt đỏ, khi đưa vào mới biết mắc bệnh tay - chân - miệng”.
Chi Hoa (quê Tây Ninh) chia sẻ, con gái chị nhập viện đến nay đã được bốn ngày, nhờ phát hiện sớm nên được điều trị kịp thời và sức khỏe nhanh hồi phục hơn các bé bị nặng khác. “Ít ngày nữa con bé đã được xuất viện rồi, nhờ vợ chồng phát hiện sớm nên bé không có nổi các nốt đỏ như những bé khác, vì vậy điều trị cũng nhanh hơn và bé cũng sắp được xuất viện”.
Nhưng hiện tại, vì đang vào mùa dịch nên số lượng các em nhỏ bị mắc tay chân miệng bỗng tăng nhanh đáng kể. Đặc biệt, những ngày gần đây, mỗi ngày khoa Nhiễm – Thần Kinh tiếp nhận từ 60 đến 80 bé bị bệnh.
Lý giải về điều này, bác sĩ Khanh nói: “Mùa dịch tay chân miệng bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11 khi thời tiết có sự thay đổi nên vi rút rất dễ phát triển. Bên cạnh đó, các em nhỏ đã bước vào năm học mới và trường học là nơi dễ lây lan nhất, khiến cho tình trạng mắc bệnh tay chân miệng cao đến vậy”.
Để phòng bệnh cho các em nhỏ, bác sĩ Khanh khuyến cáo, phụ huynh nên thường xuyên rửa tay bằng xà bông cho các em nhỏ, vệ sinh đồ chơi, quần áo…Đặc biệt, phải thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe của các em để đưa đến bệnh viện thăm khám.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh
Sốt, nhức đầu, ói mửa, mệt mỏi, khó chịu, đau họng, thương tổn đau rát ở răng và miệng là triệu chứng của bệnh. Phát ban không ngứa toàn thân, kèm theo đó là nhiều nốt mụn trên lòng bàn tay và lòng bàn chân cũng cần lưu ý.
Ngoài ra, bệnh còn gây loét miệng, mụn lở và rộp da trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi sẽ gây nên cảm giác khó chịu, biếng ăn và hay tiêu chảy.
Thời kỳ ủ bệnh thường thấy (thời gian từ khi nhiễm bệnh và bắt đầu có triệu chứng) là 3-7 ngày. Triệu chứng ban đầu là sốt kèm theo một cơn đau họng, chán ăn và khó chịu. Từ một đến hai ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở đau rát (tổn thương) có thể xuất hiện trong miệng hoặc cổ họng. Chứng phát ban có thể nhìn thấy rõ ràng trên bàn tay, bàn chân, miệng, lưỡi, bên trong má, và đôi khi cũng gặp ở mông.
Thành Đạt
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất