Nhiều năm qua, bất kể nắng mưa, người đi đường đã quá quen với hình ảnh ông Trần Viết Hùng (48 tuổi, trú P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), hành nghề bơm vá xe ở góc đường Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập. Mặc dù phải “chạy ăn” từng bữa nhưng ông Hùng vẫn dành tấm lòng thảo thơm của mình cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tấm bảng thông báo: Bơm, sửa xe miễn phí cho người khuyết tật và học sinh của ông khiến nhiều người qua đây không khỏi xúc động.
Hơn 10 năm bơm vá xe miễn phí
Chúng tôi tìm đến tiệm sửa xe của ông Hùng vào một buổi chiều đầu thu. Gọi là tiệm cho oai chứ thật ra toàn bộ gia tài hành nghề của ông chỉ là một chiếc xe máy ba bánh tự chế dùng để chở máy bơm và một thùng đồ nghề cũ kỹ. Không có tiền thuê mặt bằng, ông Hùng xin “ké” góc vỉa hè của một công ty, nhưng chỉ được làm việc từ khoảng 17 giờ chiều đến 12 giờ khuya.
Tuy công việc là bỏ công làm lãi, cái ăn cái mặc còn túng thiếu đủ bề, thế nhưng xuất phát từ tấm lòng muốn được chia sẻ, giúp đỡ người khác mà hơn 10 năm qua ông vẫn thầm lặng giúp đỡ biết bao nhiêu người có hoàn cảnh khó khăn…
Tiệm sửa xe vỉa hè của ông Hùng với tấm biển giúp đỡ cho học sinh và người khuyết tật...
Ông Hùng cho biết, chuyện bơm vá miễn phí cho người khuyết tật và học sinh đã được ông âm thầm thực hiện ngay từ khi bước chân vào nghề. Tuy nhiên, mãi sau này, khi một người bạn đạp xích lô gợi ý nên có một dòng chữ để mọi người nhìn thấy, ông mới viết tấm bảng trên và đặt bên cạnh dàn máy móc, đồ nghề của mình.
Từ ngày có tấm bảng, người khuyết tật và học sinh biết và lui đến nhiều hơn, khiến ông rất vui. Tuy tấm biển ghi là “học sinh – người tàn tật miễn phí”, nhưng thật ra những người buôn bán nhỏ, người già hay những ai đi xe đạp ghé lại bơm ông đều không lấy tiền.
Do thời gian làm việc hạn chế nên mỗi ngày thu nhập từ công việc bơm vá xe của ông Hùng cũng chẳng được bao đồng. Trung bình mỗi ngày ông kiếm được khoảng 70-80 ngàn, ngày nào đắt khách lắm thì tầm 100-130 ngàn.
Hơn 10 năm qua, ông Hùng đã bơm vá xe cho hàng ngàn học sinh và người khuyết tật... mà không lấy một đồng nào.
Nhà ông Hùng cũng từng có tên trong danh sách hộ nghèo ở địa phương. Ba đứa con của ông lại đang tuổi ăn học nên mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu trông chờ vào gánh bún của vợ. Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng là ông Hùng dậy phụ nấu nồi bún và dọn hàng giúp vợ, rồi đến 4 giờ chiều, ông lại ra tiệm bắt đầu công việc bơm vá xe của mình.
Nhà cửa cũng chưa có, nên hiện vợ chồng ông Hùng cùng 3 đứa con phải sống nhờ trong căn hộ nhỏ của mẹ ruột cùng người em. Dù khó khăn là vậy nhưng chẳng bao giờ ông có suy nghĩ dẹp tấm biển vá – sửa xe miễn phí để có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Cảm động hơn khi biết, gánh bún rong của chị Hoàng Thị Phượng (vợ anh Hùng_PV) cũng thường hay bán miễn phí cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong xóm.
Cái tình, cái nghĩa là trên hết!
Đến bây giờ, ông Hùng cũng không nhớ mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu người lỡ bị hỏng xe. Chỉ biết mỗi tháng có trên trăm lượt học sinh và người khuyết tật ghé tiệm của ông để được bơm, vá xe miễn phí và “tiền công” họ gửi ông là những nụ cười và lời cảm ơn.
Hỏi tại sao lại làm như vậy, ông Hùng thật thà tâm sự: “Mình cũng đâu có giàu có, nhưng dù sao cũng may mắn hơn nhiều người nên giúp được họ cái gì thì giúp. Chỉ tốn công mình chút xíu, chứ có hao hụt bao nhiêu đâu. Tui xem mấy đứa học sinh cũng như con mình vậy. Trừ khi tụi nhỏ thay lốp hay cái gì đó mắc tiền thì tui mới lấy, còn lại tui cho hết. Mình thương, mình giúp người ta, sau này con mình ra đường cũng gặp được người tốt giúp đỡ lại. Tiền bạc mình chẳng có, nhưng sống tình cảm thì đời luôn vui tươi bởi với tui cái tình, cái nghĩa mới là trên hết!”.
Ông luôn tự nhủ với lòng "tuy mình không giàu, nhưng dù sao cũng may mắn hơn nhiều người nên giúp được cho họ cái gì thì giúp, thấy mọi người vui vẻ thì mình cũng hạnh phúc”
Biết ông Hùng làm việc thiện, nhiều người xung quanh cũng hăng hái phụ ông bơm xe cho học sinh, người tàn tật khi tiệm đông khách. Nhất là những ngày trong năm học, cứ tan học là học sinh ghé vào bơm xe tới tấp. Ông Hùng một tay bơm vá xe không xuể, các ông bạn xích lô, xe ôm gần đó cũng xắn tay phụ ông bơm xe cho các cháu học sinh mà không lấy một đồng nào.
“Chú Hùng tốt lắm! Cứ mỗi lần xe chúng em bị hỏng dắt ra nhờ chú bơm vá giúp là chú lại không chịu lấy tiền. Chú ấy còn bảo bọn mày đi học ba mẹ cho có mấy đồng ăn quà vặt thì tiền đâu mà trả cho tao, với lại có lấy thêm của tụi mày mấy đồng thì tao cũng có giàu được đâu! Bọn cháu quý chú ấy lắm!”, – em Nguyễn Tấn Tài, học sinh lớp 11, trường THTP Thái Phiên, chia sẻ.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn luôn giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng của mình.
Ngồi trò chuyện với ông Hùng, tôi cảm nhận được sự hiền lành ánh lên trong đôi mắt, cử chỉ và giọng nói của người đàn ông tưởng chừng khá bụi bặm, sương gió ấy. Thấy ông có vẻ “mắc cỡ” khi tôi đưa máy ảnh lên chụp, tôi vui miệng nói đùa: “Chú Hùng được lên báo miết chắc bữa ni nổi tiếng rồi nhé!”.
Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn là vậy, thế nhưng chưa bao giờ ông Hùng nản chí, ông luôn giúp đỡ người khác bằng cả tấm lòng mình. Trong cuộc sống với muôn vàn mặt trái, bộn bề lo toan nhưng đâu đó vẫn có những con người sống bằng cái tình, cái nghĩa như ông Hùng khiến tôi thật sự cảm phục.
Khương Mỹ - Ly Na
(Theo Congluan)
Tuyệt chiêu bảo vệ thiết bị điện trong nhà vào mùa mưa