Trải qua 2 cuộc kháng chiến cứu nước, người dân Việt Nam đã phải trải qua nhiều sự mất mát, hi sinh. Hòa bình lập lại, có người may mắn trở về, đoàn tụ với gia đình nhưng cũng có nhiều người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, máu xương chôn vùi dưới lòng đất mẹ. Câu chuyện ngày trở về nơi chôn nhau cắt rốn của nữ thương binh Nguyễn Thị Ân (SN 1942), sau hơn nửa thế kỷ được công nhận là liệt sĩ khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, xúc động…
“Liệt sĩ” trở về sau 50 mất tích
Những ngày qua, ngôi nhà của bà Ngô Thị Phán (SN 1942, em dâu bà Ân), ở thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vốn vắng vẻ bỗng trở nên tấp nập người vào ra. Không chỉ bà con mà toàn thể dân làng ai ai cũng cố gắng đến để xem bà Nguyễn Thị Ân – “nữ liệt sĩ” bằng xương bằng thịt vừa đột ngột trở về sau gần 50 năm tham gia chiến đấu rồi mất tích.
"Nữ liệt sĩ" Nguyễn Thị Ân trở về đoàn tụ với gia đình sau 50 năm lưu lạc. (Ảnh gia đình cung cấp)
Lần theo thông tin của người dân, chúng tôi tìm đến thăm bà Ân và cũng để tìm hiểu tường tận hơn về câu chuyện đoàn tụ đầy cảm động này. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn lụp xụp nhưng tràn ngập tiếng cười, bà Phán vui mừng cho biết: “Vui quá mấy chú ơi! Mấy chục năm nay gia đình cứ tưởng bà ấy chết rồi. Nay đùng một cái bà trở về đoàn viên với gia đình thật là điều may mắn và hạnh phúc khôn xiết”.
Bà Ân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha, anh trai và em gái đều đã anh dũng hi sinh trong những trận đánh lớn. Mẹ bà Ân là cụ Đinh Thị Nhiễu cũng đã vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng.
Theo truyền thống gia đình, bà Ân cũng tham gia hoạt động cách mạng từ nhỏ. Giữa năm 1965, bà Ân được điều làm cán bộ ở Ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà. Cuối năm 1965, giặc Mỹ tổ chức các cuộc càn quét, bà Ân theo các cơ sở cách mạng chuyển lên núi hoạt động bí mật và sau đó bị trúng đạn trọng thương. Cũng từ đó bà mất dần liên lạc với gia đình ở quê nhà.
Nhà nước truy tặng Bằng Tổ Quốc ghi công công nhận liệt sĩ của cụ Ân năm 2006.
Năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhiều gia đình hân hoan chào đón người thân trở về đoàn tụ. Trong khi đó, dù gia đình đã tìm kiếm bằng nhiều cách nhưng bà Ân vẫn “bặt vô âm tín”.
Mãi sau này, gia đình bà Phán gặp được người đồng đội cùng công tác trong đơn vị cũ của bà Ân. Người này cho biết trong một trận đánh lớn, bà Ân trúng đạn của địch và có thể đã hy sinh vì bị thương rất nặng.
Sau những năm tháng tìm kiếm trong vô vọng, cuối năm 2006, bà Ân được nhà nước công nhận là liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng từ đó, gia đình lập bàn thờ và hằng năm lấy ngày 27/7 (ngày thương binh liệt sĩ) làm ngày giỗ cho bà Ân.
Hạnh phúc ngày đoàn tụ
Trải qua hàng chục lần đám giỗ cho bà, gia đình ai nấy cũng đều tin là bà đã mất, thế rồi bỗng một ngày cuối tháng 6/2015, gia đình được ông Nguyễn Ba (trú huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) báo tin là bà Ân vẫn còn sống và hiện đang hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất thuộc Bộ LĐ-TB&XH (huyện Long Biên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Bà Ân lúc này sống đời sống thực vật, sức khỏe rất yếu, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.
Sau khi biết tin, gia đình bà Phán đã lập tức đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nhận người thân đã thất lạc gần 50 năm nay. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng thời chiến tranh nên bây giờ sức khỏe của bà Ân rất yếu, chỉ nằm một chỗ và không còn nhận thức được gì. Sau khi hoàn tất các thủ tục, ngày 11/7, “nữ liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân đã được đưa về quê hương trong sự vui mừng, chào đón của người thân và bà con làng xóm.
Giấy chứng nhận bệnh binh của cụ Ân
Từ ngày đón em chồng trở về, bà Phán cũng vui vẻ hẳn lên. Dù năm nay cũng đã tuổi cao sức yếu, nhưng những ngày qua, bà Phán luôn quanh quẩn bên chiếc giường để chăm sóc cho cụ Ân từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân.
“Tôi vui quá, bấy lâu nay tôi luôn mong ước có một ngày sẽ được gặp lại em chồng, để gia đình được đoàn tụ. Bây giờ ước mong đã thành sự thật, tôi có chết cũng yên lòng rồi”, bà Phán cười mãn nguyện.
Anh Nguyễn Nhứt (cháu bà Ân) vui mừng khi gia đình đã tìm lại được người cô ruột sau hàng chục năm thất lạc.
Vừa đi giặt khăn để mẹ lau cho bà Ân xong, anh Nguyễn Nhứt (SN 1968, cháu gọi cụ Ân bằng cô ruột) hào hứng chia sẻ: “Không ngờ sau bao nhiêu cái đám giỗ thì cô tôi lại bất ngờ trở về. Dù đang đi làm bên Lào nhưng khi nghe mẹ gọi điện báo đã có tin tức của cô. Tôi liền bỏ hết công việc tức tốc về nước để ra xác nhận thông tin và đón cô về nhà để chăm sóc. Ngày cô tham gia cách mạng cũng là lúc tôi mới được sinh ra. Lâu nay gia đình tôi vẫn luôn tìm kiếm tung tích của cô nhưng tất cả đều vô vọng. Đến khi mọi người đành bỏ cuộc thì cô lại bất ngờ trở về khiến ai đều vỡ òa trong niềm vui vô bờ bến. Đúng là chẳng có gì hạnh phúc hơn máu mủ tình thân cả…”
Trao đổi với PV, ông Đinh Ngọc Thiên ,Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, cho biết: “Sau khi biết chuyện bà Ân được người thân đưa về nhà chăm sóc, chính quyền địa phương đã đến nhà thăm hỏi và chia vui cùng gia đình. Hiện chúng tôi đã báo cáo trường hợp của cụ tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng để trả lại danh hiệu liệt sĩ và xét chế độ thương binh cho cụ”.
Khương Mỹ
(Theo Congluan)
3 kiểu đồ len được gái Hàn lăng xê nhiều nhất vào mùa lạnh, học ngay Rosé, Park Min Young để sắm cho kịp