Mùa tuyển sinh: Áp lực thi cử có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

Mùa tuyển sinh: Áp lực thi cử có thể ảnh hưởng sức khỏe tâm thần

2015-04-08 06:47
- Cứ mỗi mùa tuyển sinh, hàng ngàn thí sinh lại căng sức học tập để vượt Vũ Môn. Điều này khiến không ít em bị stress, căng thẳng, thậm chí ảnh hưởng sức khỏe tâm thần.

Cứ đến mùa tuyển sinh Đại học, áp lực phải ôn luyện thật tốt, thi đỗ đại học lại đổ dồn lên đầu thí sinh. Hệ quả là cứ gần đến kỳ thi đại học, tỷ lệ sỹ tử nhập viện điều trị tâm thần lại tăng.

Ôn luyện căng thẳng nên rối loạn tâm thần

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngày càng có nhiều học sinh phải điều trị các chứng bệnh tâm thần do áp lực học hành, thi cử. Đặc biệt, trước kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH, số lượng học sinh nhập viện lại tăng.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng

 

Từng có một sỹ tử tên B., quê Hưng Yên đăng ký thi một trường đại học lớn, mong mỏi được theo học ở ngôi trường này. B. có thể trạng yếu, người gầy gò, nhưng em vẫn miệt mài “cày cuốc đêm ngày” ôn luyện.

Kết quả cho nỗ lực của B. là em thường xuyên nôn nao, lo lắng, mất ngủ triền miên, cơ thể càng gầy rộc, xanh xao. Gia đình thấy B. như vậy cảm thấy rất lo lắng, đưa con đi khám. B. được chỉ định nhập viện để điều trị chứng rối loạn tâm thần. Giấc mơ trở thành sinh viên đại học đã trở nên dang dở...

Lại có trường hợp sỹ tử học lực trung bình, nhưng vì kỳ vọng của gia đình, nên cũng ôn luyện tích cực nhằm có được "tấm vé" vào đại học. Bố mẹ sỹ tử này thấy con chăm chỉ ôn luyện, ngày nào cũng đóng cửa phòng học tập, dậy từ sớm, khuya mới đi ngủ thì mừng lắm. Được chừng một tháng, sỹ tử này bỗng nhiên hay cáu bẳn vô cớ, bỏ bữa, chỉ thích giam mình trong phòng đèn sách chứ không đi chơi đâu, cũng chẳng gặp gỡ bạn bè như trước kia. Cơ thể của sỹ tử này suy nhược quá nhiều khiến bố mẹ hoảng hồn, đưa con đi khám thì biết là con bị rối loạn cảm xúc.

Còn T. bị bố mẹ bắt ép học đêm học ngày để đỗ bằng được đại học. Vì áp lực lớn nên T. bắt đầu phát bệnh với các dấu hiệu như căng thẳng, mệt mỏi, giấc ngủ không sâu. Thế nhưng bố mẹ T. lại cho rằng đó chỉ là stress do ôn luyện nên chỉ cho T. uống các loại thuốc bổ. Chỉ đến khi T. mất ngủ hàng tuần liên, có dấu hiệu hoang tưởng thì mới được bố mẹ đưa đi viện khám xét cẩn thận.

Bác sỹ Dũng từng điều trị cho một sỹ tử quê ở Tuyên Quang. Gia đình em này rất khá giả. Em này có học lực tốt, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Trong mắt bố mẹ, bạn bè và cả thầy cô, em là một "ngôi sao sáng", mọi người luôn cho rằng, với học lực kia, em chắc chắn sẽ đỗ đại học. Chính vì những áp lực vô hình đó, mà trong phòng thi, khi không làm được một câu hỏi trong đề bài, em đã nôn ói rồi ngất xỉu, chẩn đoán là rối loạn tâm thần.

Theo bác sỹ Dũng, ngoài việc có những em học sinh do áp lực học tập, thi cử quá lớn dẫn đến rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần thì còn có em giả vờ nôn ói, co giật. Sau khi gia đình đưa các em này đến viện khám, các bác sỹ kết luận sức khỏe các em hoàn toàn bình thường. Đây là những trường hợp "tâm thần giả" để không phải tham gia thi đại học.

Thấy sỹ tử có biểu hiện lạ, cần đưa đi khám bệnh sớm

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỹ tử nhập viện điều trị tâm thần. Nhiều em chịu áp lực thi cử lớn, ăn uống không đều đặn, đầy đủ dẫn đến suy nhược cơ thể, rồi việc ôn luyện quá căng thẳng, mệt mỏi nên phát bệnh. Có sỹ tử thì đã tiềm ẩn sẵn bệnh, khi có tác động về tâm lý, va chạm với bạn bè, thầy cô, cha mẹ thì bệnh bộc phát ra.

Những người mắc bệnh tâm thần đều có những dấu hiệu ban đầu như thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, chán ăn, mất ngủ hoặc giấc ngủ không sâu. Nếu gia đình quan tâm, để ý, thấy con mình có những biểu hiện trên thì cần đưa con đi thăm khám sớm. Bệnh càng phát hiện sớm thì càng dễ điều trị.

Kỳ thi đại học là một bước ngoặt đối với mỗi em học sinh. Cha mẹ nào cũng đều có những kỳ vọng vào con cái mình. Tuy nhiên, thay vì bắt ép con học hành, ôn luyện cật lực, cha mẹ nên tạo tâm lý thoải mái cho con em mình.

Đừng coi con mình là "ngôi sao sáng" rồi đặt lên vai con những áp lực khổng lồ. Các sỹ tử đang trong tuổi trưởng thành, chưa hoàn thiện tâm sinh lý, dễ căng thẳng, khi bị tác động mạnh bởi tâm lý thì rất dễ sinh bệnh.

Trong giai đoạn mùa tuyển sinh đại học đang cận kề, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và những dấu hiệu tâm lý của con em mình. Động viên các em ăn uống đúng giờ, đủ chất, ngủ đủ giấc, không lao lực quá vào việc học hành, chính là cách tốt nhất để các em có đủ tự tin và một sức khỏe tốt để "vượt vũ môn".

Thanh Thu
(Theo Congluan.vn)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập đơn giản trong 5 phút giúp bạn gái có được đôi chân bút chì thon gọn như IU

Đọc nhiều nhất