Cứu sống bệnh nhân ung thư máu ở VN nhờ ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng

Cứu sống bệnh nhân ung thư máu ở VN nhờ ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng

Thủy Nguyên 2015-04-03 07:12
- Sau 90 ngày ghép tế bào gốc máu cuống rốn, hiện tại, các chỉ số của bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh - bệnh nhân ung thư máu - gần như ổn định hoàn toàn.
Có mặt tại buổi lễ công bố thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh (SN 1986, quê Quảng Bình) tỏ ra khá vui vẻ dù sức khỏe của Linh chưa hoàn toàn bình phục.
Tháng 9/2014 Linh phát hiện mình bị ung thư máu. Linh vốn là cán bộ nhân viên y tế làm việc tại phòng tài chính Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba nên hiểu khá rõ về căn bệnh mình mắc phải.
Trước thông tin đó, các thành viên trong gia đình, đặc biệt là Linh cảm thấy suy sụp tinh thần. Cánh cửa của sự sống dường như đã khép lại với cô gái sinh năm 1986 này.
 
Bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh và mẹ
Tuy nhiên, sau khi hội chẩn, các bác sỹ tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương nhận định phương pháp điều trị tối ưu nhất với người bệnh là thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại.
Ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho phù hợp về HLA (kháng nguyên bạch cầu), người cho chủ yếu là cùng huyết thống.
Và người hiến tế bào gốc là em trai của Linh. Tuy nhiên giữa 2 chị em lại không phù hợp về HLA.
Tất cả hi vọng của bệnh nhân giờ chỉ còn trông chờ vào việc tìm nguồn tế bào gốc phù hợp trong ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.
Trung tâm Tế bào gốc đã tiến hành đọ chéo kết quả HLA của bệnh nhân với các mẫu tế bào gốc được lưu trữ trong ngân hàng. Kết quả đã tìm được 6 mẫu hòa hợp.
Với kết quả ấy viện đã quyết định ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Linh từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng (khác huyết thống) vào ngày 31/12/2014.
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tặng hoa cho Linh
GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cũng chia sẻ về những khó khăn có thể gặp phải mà các chuyên gia, y, bác sỹ của bệnh viện tiên lượng được trước khi tiến hành ghép. Gồm: Thứ nhất, đây là bệnh nhân ung thư máu thuộc nhóm tiên lượng xấu nên cần phải ghép sớm nếu không có thể bệnh nhân sẽ mất đi cơ hội sống, Đây là ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn không cùng huyết thống đầu tiên được thực hiện tại viện, Hòa hợp HLA chỉ đạt mức tối thiểu 4/6 chỉ số. Bất đồng nhóm máu dễ gây chậm mọc mảnh ghép. Thời gian mọc mảnh ghép kéo dài nên nguy cơ nhiễm trùng và xuất huyết cao.
Tuy nhiên sau 90 ngày ghép tế bào gốc máu cuống rốn, hiện tại, các chỉ số của bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh gần như ổn định hoàn toàn.
Hiện tại các chỉ số máu tương đối bình thường không phải truyền máu, các chỉ số đánh giá của bệnh nhân thể hiện qua tủy cũng đã lui bệnh. 
Tế bào gốc đã chính thức mọc thay thế toàn bộ tế bào gốc bệnh lý của bệnh nhân và gen tiên lượng bệnh rất xấu của bệnh nhân ngay sau ghép 1 tháng đã hoàn toàn âm tính.
Linh đang nằm nghỉ ngơi trong buồng bệnh
“Trên phương diện nhà khoa học, tôi tin rằng bệnh nhân này là thành công rất lớn. Về lâm sàng bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, có thể tự phục vụ đi lại được và dự định tuần sau sẽ xuất viện” – GS. Nguyễn Anh Trí khẳng định.
Theo Th.s, Bác sỹ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa ghép Tế bào gốc cho hay:
“Chi phí trường hợp này rất lớn khoảng gần 1 tỉ đồng. Bảo hiểm chi trả khoảng 50%. Vì đây là ca đầu tiên nên dây rốn của ngân hàng cộng đồng được tặng miễn phí cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh.
Chỉ định ghép tế bào gốc được áp dụng cho các bệnh nhân ung thư máu ác tính, lành tính, suy tủy xương”.
Ở bệnh nhân Linh có 1 gen thuộc yếu tố nguy cơ cao, nếu bệnh nhân không được ghép tế bào gốc mà chỉ điều trị thông thường, sẽ tái phát sớm và thời gian sống của bệnh nhân sẽ rút ngắn hơn nhiều.
“Khi chúng tôi thực hiện ghép tế bào gốc cho bệnh nhân sớm thì thời gian sống cho bệnh nhân hy vọng sẽ gấp đôi so với không ghép tế bào gốc.
Trong ung thư cũng như ung thư trong huyết học, nếu 1 bệnh nhân cơ thể ở tình trạng ổn định bệnh hoàn toàn trên 5 năm mà không có vấn đề gì tái phát có thể coi là chữa khỏi.
Bệnh nhân sau khi ghép vẫn phải theo dõi nhiều vấn đề như biến chứng liên quan tới ghép, tái phát bệnh trong thời điểm năm đầu tiên. Sau đó chúng tôi sẽ có những kế hoạch theo dõi lâu dài hơn” – một bác sỹ của bệnh viện cho biết.
Nhân viên của Viện đang làm việc tại ngân hàng tế bào gốc
Từ năm 2006, viện đã triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu và đến cuối năm 2014, viện đã thực hiện được 150 ca ghép, bao gồm ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại từ người cho cùng huyết thống.
“Tôi rất vui khi ca ghép này rất thành công. Và đây là thành công chung về chiến lược, tầm nhìn, cách tổ chức về đội ngũ cán bộ triển khai.
Với bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh, nếu trước đây chưa có ngân hàng tế bào gốc cộng đồng thì cơ hội được ghép tế bào gốc gần như không có. Ngân hàng đã mở ra cánh cửa tưởng chừng như đã khép lại với rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại.
Kết quả thành công này cho phép tin tưởng có thể xây dựng được 1 ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng ở Việt Nam bằng máu dây rốn hiến tặng, phục vụ cho cả cộng đồng – những người có nhu cầu, ở mọi lứa tuổi, mọi cân nặng, đem lại hi vọng và cơ hội cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh máu mà không có người hiến tế bào gốc được trở về với cuộc sống bình thường” – GS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.
Thuỷ Nguyên
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Những điều cần lưu ý khi tắm vào mùa lạnh

Đọc nhiều nhất