Hoang tưởng mất con, mẹ trầm cảm nặng
Tin liên quan
Trầm cảm sau sinh vì áp lực
Quá trình mang thai và “vượt cạn” khiến cho phụ nữ sau sinh dễ bị suy nhược cơ thể. Không ít những trường hợp sản phụ sau sinh bị thất vọng, mệt mỏi tăng dần dễ dẫn tới trầm cảm.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I từng tiếp nhận và chữa trị thành công cho rất nhiều trường hợp trầm cảm sau sinh. Mỗi một bệnh nhân trầm cảm sau sinh tới đây chữa trị đều có một câu chuyện khiến người khác nhói lòng.
Hai lần sinh con đều là con gái, lần mang thai thứ 3 của chị L. mang trong mình áp lực vô cùng lớn. Sau bao hi vọng và chờ mong, chị vẫn tiếp tục sinh con gái. Nỗi buồn chán, thất vọng kèm theo sự mệt mỏi chăm con sau sinh càng khiến cảm giác đau khổ xuất hiện ngày càng nhiều.
Bản thân chị L. luôn có cảm giác bị chồng, gia đình và mọi người bỏ rơi. Chị L. thờ ơ với cuộc sống và cả tuần chị không muốn tắm rửa, chải chuốt và trau diện cho bản thân. Tới mức những đầu ngón tay cáu bẩn, cơ thể bốc mùi hồi thối chị bị người nhà ép đi tắm. Nhưng chỉ mới bước chân vào nhà tắm là chị hoảng loạn, cầu xin chồng cho ra.
Những dấu hiệu của chị càng lạ hơn khi mẹ chồng đưa con cho chị bế và cho bú chị từ chối. Có đôi lúc khi nhìn thấy đứa trẻ chị lại hét lên hốt hoảng cho rằng đứa trẻ đang muốn làm hại mình.
Khi người thân nhận thấy chị L. có những bất thường và hành động kỳ quặc như cố gắng làm cho bản thân đau đớn, gia đình đã đưa tới bệnh viện để điều trị.
Bệnh nhân trầm cảm sau sinh đang được các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chăm sóc (Ảnh tư liệu Bệnh viện cung cấp)
Còn trường hợp của chị M đau đớn hơn khi đã từng liên tiếp sảy thai nhiều lần. Cho nên, vợ chồng chị quyết định thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau một thời gian chờ đợi, chị đã được cấy thành công hai phôi. Để giữ an toàn cho con, chị đã quyết định nghỉ việc ở nhà và nằm treo chân suốt 9 tháng. Trong suốt quá trình mang thai, chị thường bồn chồn, lo lắng và luôn mang cảm giác mất con. May mắn là vợ chồng chị đã chào đón 2 con khỏe mạnh chào đời.
Sau sinh, những áp lực và vất vả chăm 2 đứa trẻ cùng một lúc cộng thêm không đủ sữa cho con bú khiến chị stress nặng. Áp lực chồng chất áp lực, tiếng khóc của con mỗi đêm càng khiến chị M. mất ngủ thường xuyên hơn. Người mẹ trẻ không còn hứng thú chăm sóc 2 con dù trước đó là niềm mơ ước của chị. Trong cơn cùng quẫn, chị đã từng tự tử bằng thuốc nhưng được người nhà kịp thời phát hiện để cấp cứu và sau đó được đưa đi chữa trị tâm lý.
TS.BS Tô Thanh Phương đang thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm N.T.H.
Mới đây, tại khoa Cấp Tính Nữ, Bệnh viện Tâm thần trung ương I, đã tiếp nhận bệnh nhân chị N.T.H (sinh năm 1989, tại Nam Định) bị trầm cảm sau sinh lần thứ 2. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy nhược cơ thể nặng từ 57kg chỉ còn 24kg.
Được biết sau lần sinh đầu, chị N.T.H có những biểu hiện rất lạ như nói chuyện một mình, không muốn ăn uống, tắm rửa cơ thể. Nhưng do chị vẫn yêu thương chồng và chăm con nên gia đình không để ý. Tới lần sinh con thứ 2, những biểu hiện lạ của chị N.T.H càng tăng. Đặc biệt chị không chịu ăn uống, khi bị đình ép ăn thì tỏ ra sợ hãi và nghi ngờ nhà chồng muốn hãm hại. Biểu hiện này nặng tới mức này người nhà chị phải đưa chị đi viện điều trị.
Phó giám đốc, Trưởng khoa Cấp tính nữ, TS.BSCC Tô Thanh Phương cho biết: “Bệnh nhân N.T.H nhập viện trong tình trạng trầm cảm điển hình và có trạng thái chống đối: không ăn, không giao tiếp, không hợp tác điều trị. Lúc mới nhập viện bệnh nhân được cho ăn bằng đường xông, thuốc uống phải nghiện nhỏ và trộn vào sữa. Sau vài ngày điều trị bệnh nhân đã chịu hợp tác và hiện nay đã không phải dùng thuốc chỉ kích từ, tiên lượng rất khả quan”.
Cần phải can thiệp sớm
Bác sĩ Nguyễn Thị Vân, Phó Trưởng khoa Tâm thần Nhi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: "Phụ nữ sau sinh gặp những khó khăn khi chăm sóc con, sinh con không đúng ý muốn… là nguyên nhân khởi phát gây nên trầm cảm. Sau sinh, phụ nữ sẽ có những suy nhược về thể chất và thay đổi về nội tiết. Những thay đổi về huyết áp, lượng máu, miễn dịch và chuyển hóa làm cho sản phụ dễ thay đổi về cảm xúc và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Bệnh trầm cảm cũng có liên quan tới yếu tố di truyền, như trong nhà có bố mẹ, chị em gái bị thì nguy cơ mắc cao hơn".
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân, triệu chứng sớm của trầm cảm sau sinh là những rối loạn về giấc ngủ. Người bị trầm cảm thường cảm thấy khó ngủ, thậm chí chỉ ngủ được 1-2 tiếng hoặc thức trắng nhiều ngày, có những trường hợp còn gặp áp mộng khi ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân buồn chán không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, mất hết những thú vui trước đây, cảm giác mệt mỏi không có năng lượng sống, luôn có cảm giác lo lắng, mệt mỏi và căng thẳng…
Trầm cảm nhẹ và vừa bệnh nhân sẽ cảm thấy chán sống. Ở mức độ nặng, bệnh nhân sẽ tìm cách để tự sát. Một số bệnh nhân trầm cảm loạn thần có cảm giác hoang tưởng như bị ai hãm hại và mang dao đâm chính con hoặc người thân của mình.
“Đa phần những bệnh nhân trầm cảm đều bỏ qua những triệu chứng sớm như: mất ngủ, lo âu, căng thẳng...Vì mọi người thường nghĩ sau sinh và chăm con mệt mỏi nên mất ngủ là chuyện bình thường. Chính vì suy nghĩ đơn giản đó nên nhiều trường hợp phát hiện bệnh muộn và đã có rất nhiều tình huống đáng tiếc đã xảy ra”, bác sĩ Nguyễn Thị Vân chia sẻ.
Bác sĩ Vân cũng lưu ý bệnh nhân sau khi điều trị tại bệnh viện, khi về nhà vẫn phải dùng thuốc ít nhất 6 tháng và nên đi khám mỗi tháng một lần. Khi bị bệnh, mọi người thường mặc cảm, ngại uống thuốc do cho rằng đó là thuốc tâm thần đây là quan niệm sai lầm. Khi có bệnh cần phải điều trị dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ mới mong hết bệnh.
“Người bị trầm cảm thường là người có thần kinh yếu cho nên sức chịu đựng sẽ kém hơn. Gia đình và người chồng nên thông cảm cho bệnh nhân”, bác sĩ Vân nói.
Đối tượng dễ mắc trầm cảm sau sinh
- Sinh con không theo mong muốn
- Thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình đặc biệt là chồng
- Sảy thai liên tiếp, lưu thai
- Mâu thuẫn vợ chồng, mẹ chồng
- Người sinh con so, thiếu kỹ năng kiến thức chăm con
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất