Trầm cảm sau sinh vì 'sưởi than giữa trời 37 độ'
Tin liên quan
ctv_dinhChị Loan quê Thái Bình, lấy chồng Hà Tĩnh. Chồng là con một, bố đã mất nên anh chị đón mẹ chồng ra Hà Nội ở cùng sau khi cưới. Sinh con đầu lòng xong, chị Loan lần đầu mới hiểu cách kiêng cữ mà mẹ chồng chị áp dụng từ khi sinh chồng chị cách đây hơn 30 năm.
Bà lấy than củi thổi hhồng lên, để dưới gầm giường chị Loan nằm "để giữ ấm không khí", tránh nhiễm lạnh cho thai phụ. Khi than hơi tàn, bà quạt lấy quạt để nhằm khuếch tán hơi nóng.
Giữa tháng 7 nắng nóng như thiêu đốt, chị Loan không chịu nổi chiêu kiêng cữ này. Gọi cho mẹ đẻ khóc lóc, chị chỉ được mẹ đẻ "răn": "Người ta toàn làm vậy không ai làm sao thì con cố chịu, đừng làm mất lòng mẹ chồng" khiến chị càng stress nặng.
Chưa hết, chị luôn được mẹ chồng bắt mặc 2 áo dài kín tay để tránh lạnh, "sởn da gà". Cái nóng vì thế nhân đôi, nhân ba khiến chị ngộp thở và sợ hãi mỗi khi có ý định đẻ tiếp.
Không những vậy, chị còn lo cho sức khoẻ con vì than có thể gây độc.
Thời gian kiêng cữ khắc nghiệt, chị Loan thấy mình như thể trầm cảm vì chán, cáu gắt, không cảm thấy hạnh phúc khi sinh con. Cũng may chồng chị chỉ "chiều" mẹ đẻ thời gian đầu, sau đó chị kêu quá, anh đã đứng ra "dẹp" hình thức kiêng cữ này với những lý do chính đáng, thuyết phục.
Phòng ngủ thành cấm cung, 2 tháng không đổi món
Nhiều chị em phụ nữ chung cảnh kiêng cữ vô lý còn kể ra những quan niệm được cho là sai lầm của nhiều bà mẹ thế hệ trước.
Chị Ngân sống khá Tây nên khi sinh con rồi bị mẹ chồng ép kiêng theo cách của bà, chị phản ứng khá gay gắt.
Thay vì mở cửa phòng cho thông thoáng, mát mẻ thì mẹ chồng chị Ngân bắt đóng cửa kín mít, thậm chí cho rằng phòng không có ánh sáng, gió tự nhiên sẽ tốt, tránh nhiễm lạnh, "gió độc" cho cả mẹ lẫn con
Chưa hết, bà không cho cháu bé tắm nắng sớm theo lời khuyên của bác sỹ. Lý do rất đơn giản: Cháu còn non, cho cháu ra ngoài mà có nắng hay ánh sáng ban ngày mạnh sẽ làm cháu chói mắt, dễ dẫn tới hiếng (lác) sau này!
Thế là phòng ngủ của chị Ngân như "cấm cung". Không những vậy, chị Ngân bị mẹ chồng bắt nhét bông vào tai cả ngày, luôn bị nhắc nhở "không được nói leo tránh nhịu về sau", vv...
Chịu không nổi cảnh này, chị Ngân phản ứng bằng cách cho mẹ chồng xem nhiều sách báo, gọi điện cho bác sỹ để nghe tư vấn. Nhưng vẫn không lay chuyển được bà. Cuối cùng chị phải gây sức ép lên chồng để có biện pháp mạnh, chấm dứt tình trạng "kiêng kinh hoàng" mà chị cho là cực kì vô lý.
Đó là chưa kể đến chuyện suốt gần 2 tháng trời chị Ngân được mẹ chồng cho ăn hầu như một món: Thịt nạc thăn lợn kho nghệ, rau ngót nấu nước xương hầm. Nhớ lại cảnh đó, chị Ngân nhăn mặt: "Ăn đến hết một tháng thì tôi không có cảm giác về thức ăn nữa, nhai thịt như nhai rơm. Nhiều khi thèm thịt bò, thịt gà, tôm, tôi phải nín nhịn vì sợ mẹ chồng phật ý. Bà đã chịu thua cái khoản kiêng khem kín mít mà giờ tôi gây căng thẳng tiếp thì khó ăn ở". Đổi lại, chồng chị thường xuyên đề nghị bà đổi món cho cả nhà rồi "tranh thủ" cho vợ ăn cùng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trước đây, người mẹ sau khi sinh thường áp dụng chế độ kiêng khem khắt khe như chỉ ăn cơm trắng với muối hay chỉ ăn duy nhất thịt heo nạc kho mặn, kiêng ăn rau... Phương pháp này không tốt bởi không cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé. Người mẹ sau sinh cũng cần chú ý tới việc uống nhiều nước hàng ngày (2- 3 lít) vì nước là thành phần chính tạo nên sữa cho con bú.
Cẩn thận phản tác dụng
Lương y Nguyễn Xuân Hướng cho rằng những cách kiêng cữ nêu trên thường được áp dụng theo thói quen, tập quán, không phải cách nào cũng dựa trên căn cứ khoa học.
Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Ngân cho biết phụ nữ sau sinh rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Những cách kiêng cữ - nếu tốt cho sức khoẻ nhưng gây ức chế tinh thần sẽ dễ làm tâm lý sản phụ xấu đi.
Do đó, chăm sản phụ, kiêng cữ sau sinh cần phải chú ý vấn đề này để đảm bảo đời sống bình thường cho sản phụ, giúp họ cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm và cả sự hạnh phúc, thoải mái. Đặc biệt người chồng cần chia sẻ bằng cách tìm hiểu, giải thích để người chăm hiểu, tránh xung đột mẹ chồng con dâu trong thời điểm nhạy cảm này.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho sản phụ sau sinh
Trả lời trên báo SKĐS, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết chế độ dinh dưỡng của mẹ trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú rất quan trọng, vì có ảnh hưởng rất lớp tới sức khỏe của cả mẹ lẫn con.
Người mẹ nên có một chế độ dinh dưỡng khoa học bằng cách ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và chú ý những điểm sau đây:
- Hạn chế đồ ăn chiên, xào, đồ ngọt, thức ăn nhanh... Thay vào đó hãy chọn thức ăn nhiều protein nhưng ít mỡ, nên dùng dầu thực vật trong chế biến thức ăn.
- Nên duy trì uống sữa dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú để đảm bảo đủ chất mà không bị tăng cân, chọn loại sữa có bổ sung FOS (chất xơ) tốt cho hệ tiêu hóa, giúp tăng khả năng hấp thụ của mẹ, vì sau khi sinh nở, hệ tiêu hóa của người mẹ thường bị yếu, khó khăn hơn trong việc hấp thụ dinh dưỡng, đặc biệt là những chất khó tiêu như đạm.
- Ngoài ra, dinh dưỡng khoa học rất quan trọng để làm giàu các dưỡng chất cung cấp cho bé qua sữa mẹ - đặc biệt là nucleotides - rất cần thiết cho trẻ sơ sinh để hỗ trợ tăng cường miễn dịch vì trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ phát triển chưa hoàn chỉnh.
- Ăn sáng vừa phải, đều đặn giúp người mẹ tránh tình trạng ăn uống quá độ trong ngày cũng là một cách hạn chế tăng cân hợp lý.
Đình Vũ
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất