Cuộc đời cụ bà gắn bó gánh hàng rong nuôi 8 đứa con nên người
Tin liên quan
Tuổi thơ bất hạnh và nghị lực phi thường của người phụ nữ
7 tuổi mất mẹ, kết hôn thì bị chồng phụ bạc, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng bằng nghị lực và tình thương, bà đã vượt qua tất cả để nuôi dưỡng tám người con trở thành những giáo sư, bác sĩ, cử nhân kinh tế. Thậm chí giờ đây bà còn trở thành tỷ phú nổi tiếng ở Tp.HCM.
Người phụ nữ phi thường đó chính là bà Đỗ Thị Lan (SN 1930, quê ở Đà Nẵng). Nhắc đến cuộc đời mình, những giọt lệ hạnh phúc pha lẫn nỗi đau quá khứ lại rơi xuống. Tuổi thơ của bà Lan là chuỗi ngày thống khổ, cơ cực, không một ngày bình yên và kèm theo những trận đòn roi từ người mẹ kế mà cho đến bây giờ khi nhắc đến bà vẫn còn rùng mình và ám ảnh. Hậu quả của những trận đòn chí mạng đó, khiến bà bây giờ lúc nhớ lúc quên và tai không còn nghe rõ được nữa.
Trải qua hơn nửa đời đầy đau khổ, cơ cực, giờ đây bà Lan đã có cuộc sống thực sự viên mãn khi các con của bà đều đã thành tài, hiếu thảo. Bà nói khi xưa nghèo khổ bà rất muốn có thật nhiều tiền, vì có tiền bà mới lo được cho các con của mình, nhưng giờ cho bà bao nhiêu tiền bà cũng không đánh đổi tình thương của các con dành cho bà.
Nhớ lại chuyện ngày xưa, bà kể, lúc mới lên 7 tuổi, mẹ bà lâm bệnh mất đi. Lúc này, cha của bà đi bước nữa. Còn nhỏ đã thiếu hơi ấm của mẹ, bà hi vọng có được sự che chở của người mẹ kế. Thế nhưng, tuổi thơ đầy sóng gió của bà bắt đầu từ đây, khi mà 4h sáng bà Lan phải dậy gánh đủ 6 đôi nước cho cả nhà sử dụng. Tiếp đó, bà phải gánh rau, gánh củ, bánh... đi bán. Những lần bán ế, hay mệt quá ngủ quên thì bà lại nhận đòn roi từ người mẹ kế giáng xuống người.
Khi lớn lên, bà thèm đi học, thèm được đến trường như bao đứa trẻ khác, nhưng mẹ kế nói rằng: "Con gái học nhiều chỉ để biên thư cho trai chứ làm gì", rồi từ đó ước mơ về những con chữ của bà đành phải dang dở.
Thế là ngày ngày, bà Lan cố gắng dậy thật sớm làm việc nhà và tranh thủ nhìn những đứa bạn đến trường, nhìn mọi người nô đùa, cùng nhau chạy nhảy đến trường cho đến khi chúng khuất dạng rồi lại lủi thủi gánh hàng đi bán. Hôm nào bán hết sớm, bà lại chạy vù đến ngôi trường gần đó và trốn bên bờ rào để nghe lỏm thầy dạy học rồi lẩm bẩm đọc theo.
Năm 12 tuổi, sau một trận đánh thừa chết thiếu sống của mẹ kế, người cô ruột nghèo khó đưa bà về nhà nuôi. Thoát khỏi ngày tháng sóng gió, bà Lan vẫn tiếp tục những công việc không tên đến khi lấy chồng.
Năm 1956, bà theo chồng cùng tám người con vào Buôn Ma Thuột công tác và sinh sống. Đến 1960, sau một thời gian sinh sống ở mảnh đất Tây Nguyên, gia đình bà xuống Sài Gòn để tìm kiếm công việc mới.
Năm 37 tuổi, chồng bỏ bà theo người phụ nữ khác. Một thân một mình, lại một chữ cắn đôi không biết, với đàn con nheo nhóc, bà đã làm đủ việc để kiếm tiền nuôi con. Thấy người ta mở quán món Huế bán đắt, bà xin vào phụ quét nhà, rửa chén rồi học nghề. Học được cái nghề làm bánh bột lọc, bánh đúc bà xin nghỉ hẳn chuyển sang làm bánh bán. Luôn chiều khách, quan tâm đến cảm giác của họ nên dần dần gánh hàng của bà Lan nổi tiếng khắp nhà thờ Đức Bà. Sau 9 năm, bà có tiền mua một căn nhà nhỏ để mở quán bán cố định. Nhờ thế nên các con của bà đỡ cơ cực, chuyên tâm vào học hành hơn.
Nhắc đến các con, bà không khỏi tự hào: "Thời đó thiếu ăn, sáng con tôi đi học, tối về lại phụ mẹ làm việc. Cả gia đình tôi sống nhờ vào đồng lời ít ỏi của việc buôn bán, nên trong gia đình ai cũng phải tiết kiệm, ăn vừa đủ và mặc vừa gọn là được. Có lần vì quá thèm bánh, con tôi cầu cho trời mưa để tôi bán ế để còn bánh ăn, thế nhưng tôi tuyệt đối không cho chúng mà nói phải để đó bán cho khách, bán được mới có tiền mua sách cho chúng học, mua vải cho chúng ăn mặc lịch sự đến trường".
Vì gánh hàng đi bán quá nhiều, lưng bà giờ đây đã còng. Thế nhưng, hàng ngày bà miệt mài, chăm chỉ đến quán buôn bán như những ngày còn trẻ. Thấy bà như vậy, con bà không ngừng thuyết phục và yêu cầu bà nghỉ bán. Nhưng với niềm đam mê, bà vẫn đến quán vào ngày cuối tuần.
Yêu chữ và mến khách như người trong nhà
Vốn không được học hành, nên bà là người rất quý con chữ. Đối với bà, một rương vàng bạc để lâu cũng vậy, một con chữ nuôi cả đời người. Thế nên dù không cho con ăn một cái bánh, nhưng bà dám bỏ ra hết tất cả tiền tiết kiệm để mua sách vở, từ điển cho con.
Thấy mẹ cực khổ, các con bà cũng vừa học vừa làm, có chút tiền dư mọi người hồ hởi đưa cho bà. Thế nhưng lúc đó bà Lan nói với con rằng: “Mẹ không cần tiền, các con hãy cho mẹ những tấm bằng đại học”.
Biết ý mẹ, tám người con của bà không ngừng nỗ lực, phấn đấu để rồi người học ĐH Bách khoa, người trở thành cử nhân kinh tế, người là giáo sư, bác sĩ... Tám người, thì hai ở Mỹ, ba người sống ở Pháp, một người ở Đức, mỗi lần bà kêu nhớ các con điều sắp xếp trở về thăm.
Mỗi khi có khách hàng đến ăn, bà luôn tận tình thăm hỏi và ân cần như một người mẹ.
Vì buôn bán đã lâu, nên lượng khách ruột đến với bà tương đối đông. Nhưng điều khiến mọi người đến ăn luôn cảm thấy ấm lòng chính là sự ân cần của bà đối với khách hàng, giống như một người mẹ chăm con.
Anh Kiệt Nguyễn (35 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP. HCM) cho biết: "Tôi ăn tại quán cô Lan một tuần 2 lần, trước khi biết đến quán này tôi đã ăn ở nhiều nơi nhưng nơi đây ngoài món ăn ra thì người chủ rất tinh tế, luôn quan tâm đến khách hàng, quán cũng sạch và vệ sinh nên sáu năm nay tôi luôn chọn quán cô Lan khi muốn ăn bánh Huế".
Vì yêu nghề và nhớ khách, nên mỗi khi khách đến ăn bà luôn tiếp chuyện, hỏi thăm tận tình. Vì tuổi đã cao, nên hàng ngày bà di chuyển bằng xe taxi để đi đến quán. Chính vì vậy, mọi người bạn luôn gọi vui bà là tỷ phú “xế sang”. Đáp lại, bà chỉ nói: “Tôi là tỷ phú của tình yêu thương, các con của tôi hiếu thảo và mọi người rất thương tôi”.
Thành Đạt
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất