Cổ tích tình yêu của cụ bà thắp sáng nghị lực cho người chồng khiếm thị

Cổ tích tình yêu của cụ bà thắp sáng nghị lực cho người chồng khiếm thị

Khương Mỹ 2015-05-14 08:32
- Suốt 55 năm qua, bà chính là đôi mắt, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người chồng mù cảm nhận được ánh sáng cuộc đời.
Hơn nửa thế kỷ làm "đôi mắt" cho chồng
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Nguyễn Cộ (83 tuổi) và bà Trương Thị Bé (82 tuổi), ở phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Tp.Đà Nẵng vào một buổi trưa đầu hè tiết trời nóng nực. Tại đây, chúng tôi thật sự xúc động khi được nghe câu chuyện tình giữa ông Cộ và bà Bé.
Câu chuyện ấy được tô đẹp bởi trái tim không trầy xước, vẹn nguyên một tấm lòng yêu thương, cảm thông của người vợ dành trọn cuộc đời cho người chồng đui mù hiền lành và giàu nghị lực.

Vốn sinh ra trong một gia đình “nghèo rách mồng tơi” nên từ nhỏ ông Cộ đã phải chịu khổ cực. Lớn lên, ông tham gia kháng chiến. Sau kháng chiến, ông trở về đoàn tụ với gia đình nhưng đôi mắt ông đã bị mù, kể từ đó ông đâm ra tự ti, mặc cảm không dám mong cuộc sống bình thường như bao người khác, cũng chưa bao giờ dám mơ ước hạnh phúc bên cô gái nào...

Cổ tích tình yêu của bà lão hơn nửa thế kỳ làm “đôi mắt” cho chồng

Gần 55 năm qua, bà Bé đã làm "đôi mắt" cho chồng trên chặng đường mưu sinh (Ảnh: Khương Mỹ).

Thế nhưng, như một sự sắp đặt của định mệnh, sau ngày về Đà Nẵng sinh sống, ông tình cờ gặp được bà Bé, một cô thôn nữ xinh đẹp, đảm đang. Từ khi gặp ông Cộ, một chàng thương binh mù hiền lành, chất phác, bà Bé bỗng thấy rung động và cảm thương với số phận của ông Cộ. Và rồi nghị lực cùng sự dễ mến của ông Cộ khiến bà Bé dành tình cảm cho ông ngày càng nhiều hơn. Cứ thế, tình yêu đến với họ từ lúc nào không hay...
Đầu năm 1960, một đám cưới tràn ngập niềm vui và hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đã trở thành cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường dài vượt qua những nghịch cảnh để vẽ nên một câu chuyện cổ tích đời thường. Chứng kiến cảnh chú rể dò dẫm từng bước dẫn cô dâu lên hôn trường khiến ai cũng phải rơm rớm nước mắt vì cảm động.

Từ khi đôi mắt bị đui, tui cứ nghĩ là cuộc đời mình thế là kết thúc rồi. Tui tự giày vò mình, sống khép kín và trốn tránh mọi người xung quanh. Cuộc sống cứ thế trôi đi vô nghĩa cho đến một ngày tui gặp được bà ấy... Tui phải cảm ơn bà ấy nhiều lắm, suốt mấy chục năm qua dù phải chăm sóc kẻ mù như tui mà bà ấy vẫn không một lời oán trách”, ông Cộ xúc động chia sẻ

Cổ tích tình yêu của bà lão hơn nửa thế kỳ làm “đôi mắt” cho chồng

Cuộc sống tuy khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc (Ảnh: Khương Mỹ)

Nhìn đôi vợ chồng già bệnh tật đang chăm sóc lẫn nhau trong căn nhà trống hơ trống hoác khiến tôi bất chợt nghĩ đến hai từ “số phận”. Có lẽ số phận đã an bài cho họ một cuộc sống khổ cực, nhưng may thay lại sắp đặt cho họ được đến với nhau, chăm sóc, đùm bọc nhau suốt quãng đời còn lại.
Hạnh phúc giản đơn
Từ ngày cưới nhau về, mặc dù cuộc sống nghèo khổ, vất vả nhưng hai vợ chồng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Thế nhưng, hạnh phúc đâu phải dễ dàng mà có được, vì đôi mắt đã mất hết thị lực nên ông Cộ dường như không thể tự mình làm được việc gì, mọi gánh nặng cơm áo gạo tiền đều đổ dồn lên đôi vai bà Bé.
Không chỉ vậy, 4 người con lần lượt ra đời nhưng trớ trêu thay cả 3 người con đầu của ông bà đều bệnh tật, chỉ có cô con gái út may mắn khỏe mạnh thì khi lấy chồng cũng gặp nhiều khó khăn nên chẳng giúp được gì cho cha mẹ.
Giờ đây, ngày qua ngày vẫn chỉ có hai thân già lặn lội khắp các nẻo đường để mưu sinh. Suốt 55 năm qua, bà Bé vẫn luôn bên cạnh ân cần chăm sóc, lo lắng và trở thành “đôi mắt” của chồng. Cứ thế, 5 giờ mỗi buổi sáng, hai vợ chồng lại lật đật vác bó chổi đi khắp thành phố bán.
Bà cầm cây gậy đi trước dẫn đường, còn ông bám phía sau, vác một bó chổi đót nặng trĩu, vừa đi vừa rao “Chổi đây, ai mua chổi không…”. Hai người cứ đi như thế khắp các hang cùng ngõ hẻm, có hôm đi bộ từ Nam Ô xuống tận Hòa Khánh, có lúc còn đến tận sân bay Đà Nẵng. “Ở mô chứ Đà Nẵng thì chưa có chỗ nào mà vợ chồng tui chưa qua. Tính ra kilomet thì không biết bao nhiêu", ông Cộ mỉm cười nói.
Cổ tích tình yêu của bà lão hơn nửa thế kỳ làm “đôi mắt” cho chồng

Ông Cộ khóc vì xúc động khi nói về tình yêu của bà Bé dành cho mình (Ảnh: Khương Mỹ).

Chổi ông bà bán có giá từ 30.000- 35.000 đồng, lời lãi chỉ được vài ngàn đồng mỗi cây. Trung bình một ngày ông bà bán được khoảng 15 cây, tiền lời chưa tới một trăm ngàn đồng, có những hôm hàng ế, ông bà đành chia nhau gói mì tôm ăn sống để cầm đói qua ngày

Mấy năm nay do sức khỏe yếu dần, cụ bà lại mắc bệnh xương khớp nên một tuần ông bà chỉ đi bán được vài ngày. “Có những hôm đi nhiều quá, tui bị chuột rút, đi xíu lại té, bà con thấy thương dắt tui vào nhà xoa dầu cho, nghỉ ngơi một lúc rồi mới đi bán tiếp được”, ông Cộ thật thà cho biết.
Nhìn ngôi nhà nhỏ hạnh phúc của đôi vợ chồng già ấy khiến chúng tôi thực sự cảm phục. Chính họ đã giúp tôi nhận ra rằng, khi đời sống con người bị cuốn vào những mưu toan của cơ chế thị trường, thì ở đâu đó vẫn còn những con người, bằng tình yêu thương vô bờ bến của mình, họ đã cùng nhau xây đắp nên hạnh phúc trọn vẹn mà không hề cần đến hai từ "vật chất"...
"Là phụ nữ ai cũng muốn được chồng che chở, bao bọc, nhưng khi đã quyết định gắn bó với người chồng tàn tật thì phải biết vượt qua mong muốn đó. Ngó vậy thôi chứ ổng cũng thương tui lắm. Số kiếp đã như thế thì đành chấp nhận và dựa vào nhau để sống thôi. Dù nghèo khổ nhưng tui vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc lắm, điều mà không phải người phụ nữ nào cũng may mắn có được", bà Bé nói với vẻ mặt hạnh phúc.
Chia tay gia đình ông Cộ, rời xa mái nhà xập xệ mà chúng tôi không khỏi cảm phục và mến mộ biết bao về tình yêu mà hai con người ấy đã dành cho nhau, cùng nhau đối mặt với nghịch cảnh cuộc đời. Chính tình yêu đã giúp họ vượt qua định kiến của xã hội, rào cản gia đình và không bị cuốn theo vật chất hay hình thức để từ đó viết nên câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống đời thường. Tình cảm, sự hy sinh vì nhau của họ, như thứ ánh sáng dẫn lối tình yêu hạnh phúc được trọn vẹn đến cuối con đường.
Bài, ảnh: Khương Mỹ
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Gom đủ thất vọng rồi sẽ buông tay

Đọc nhiều nhất