Ăn tiệc ở hành lang chung cư: Chưa ăn đừng sợ nhếch nhác
Tin liên quan
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao bức ảnh chia sẻ về tổ chức tiệc ở hành lang chung cư mừng ngày 20/10. Bức ảnh đơn giản tưởng như là niềm vui của chị em lại trở thành chủ đề gây ra nhiều bàn cãi, thậm chí không ít ý kiến phản đối. Bởi có nhiều người cho rằng, đừng để chung cư là nơi văn minh lại bị biến tướng thành cảnh nhếch nhác, lộn xộn và cũng có người lên tiếng rằng dám chắc 100% người sống ở chung cư muốn tổ chức tiệc hay không hay chỉ là tham gia cho có phong trào.
Trong mấy năm gần đây, các chung cư mọc lên như nấm sau mưa ở Hà Nội và một số đô thị lớn. Điều này đã đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đông đảo người dân, đặc biệt là những người ngoại tỉnh về thành phố làm việc. Kéo theo sự phát triển đó là sự thay đổi về tập quán sinh sống của nhiều người. Từ bao đời nay, văn hóa làng xã với những nếp nhà riêng đã ăn sâu vào tâm trí người Việt. Và sau này cũng vậy, khi các thành phố đô thị hóa nhanh, nhiều cư dân về thành phố làm ăn cũng cố gắng mua được cái nhà riêng mà tập trung chí thú kiếm tiền.
Nhiều người vẫn không thích ở chung cư nhưng cũng có người phải chọn giải pháp này vì đó là cách hữu hiệu phù hợp với túi tiền và hoàn cảnh. Dù sống ở chung cư nhưng đâu đó lối suy nghĩ, nếp sống của văn hóa làng cũng len lỏi vào chung cư. Nếu như ở một số nước phương Tây, lối sống chỉ theo cá nhân, khép kín nên khi ở chung cư cũng vậy. Họ xem bốn bức tường là không gian riêng và ít khi giao tiếp với hàng xóm. Tình trạng này ở chung cư Việt Nam không phải là không có nhưng cũng không khó bắt gặp những hộ dân chung cư vẫn qua lại, nói chuyện, hỏi han, thăm hỏi nhau khi có chuyện vui cũng như có chuyện buồn. Bởi đó là một phần của nét văn hóa người Việt, sống có sự gắn kết cộng đồng, chia sẻ và quan tâm nhau.
Còn quá sớm để nói đến văn hóa chung cư, bởi loại hình nhà ở này chỉ mới phát triển 5-10 năm trở lại đây. Nhưng những nét văn hóa cộng đồng, gắn kết tình thân theo phương châm "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của người Việt nên được phát huy. Tất nhiên, ở chung cư cũng đang có nhiều vấn đề đau đầu. Có người vô ý thức xả rác bừa bãi, có người ăn uống thâu đêm suốt sáng, mở nhạc quá to hay không có ý thức khi đi thang máy... nhưng có lẽ đó chỉ là con số nhỏ. Trên thực tế, tinh thần cộng đồng, gắn kết của nhiều chung cư vẫn là điểm sáng đáng được nói đến.
Và trong tinh thần đó, nhiều năm gần đây, các hộ dân chung cư cùng tầng vẫn thường tổ chức những hoạt động ăn uống, đi chơi cùng nhau. Điều đó cho thấy sức sống cố kết làng xã vẫn được người Việt giữ gìn dù cuộc sống có hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa.
Đừng vội nghĩ chuyện nhếch nhác
Nếu như ai đó cố gắng phản đối những kiểu ăn uống ở hành lang chung cư gây mất mỹ quan hay nhếch nhác... có lẽ họ cũng nên suy nghĩ lại. Bởi, không phải ngày nào trong năm, tuần nào trong năm hay hàng ngày, cư dân chung cư mới có đủ thời gian để ngồi bên nhau ăn một mâm cơm, hàn huyên trò chuyện. Chính cuộc sống, lao động, học tập, nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn chúng ta đi mãi.
Việc tổ chức những bữa tiệc nho nhỏ ở hành lang chung cư như vậy cũng là cách để gắn kết cộng đồng. Hãy xem đó là giây phút cùng hiểu hơn về hàng xóm cạnh nhà, biết hơn về hoàn cảnh của mỗi một gia đình, chia sẻ cho nhau những chuyện vui, kinh nghiệm sống hữu ích. Để rồi từ những bữa tiệc nhỏ ấy mà nhân lên tinh thần cộng đồng lớn.
Có những người chưa trò chuyện hay quen biết nhau nhưng khi tham gia những bữa tiệc như vậy sẽ nói chuyện, làm quen và từ đó sẽ hiểu hơn cũng như xích lại gần nhau.
Dám chắc rằng, không phải ai cũng hoàn toàn hào hứng nếu như mọi người không cùng tổ chức một bữa ăn. Nhưng cuộc sống ai dám nói sẽ tự sống được một mình, có tiền và có đầy đủ trong nhà là hạnh phúc. Bởi, cuộc sống có những điều không ai lường trước được. Ở chung cư có thể dịch vụ phục vụ tận răng nhưng đổi lại có những tình huống oái ăm cũng cần sự giúp đỡ của hàng xóm. Khi đó mới thấu hiểu hết được rằng tình làng xóm, láng giềng quan trọng vô cùng.
Để có được tình làng xóm, láng giềng ấy, không phải hàng ngày cho nhau bát canh, miếng cơm, khoanh thịt mà hoàn toàn có thể xây dựng được từ những bữa tiệc chung ở hành lang chung cư.
Nhiều người sống ở chung cư cũng không hiểu vì sao những bữa tiệc nhỏ, năm có vài ba lần mà có thể gây nhếch nhác. Sự nhếch nhác chỉ biểu hiện ở việc tự làm những chiếc chuồng cọp mà cơi nới diện tích, phơi quần áo không đúng chỗ, đổ rác không đúng nơi quy định, viết vẽ bậy lên hành lang hay tự để đồ đạc của gia đình ra khu vực sinh hoạt chung....
Hãy khoan vội bàn đến sự nhếch nhác, mà hãy nhìn vào tác dụng của những hoạt động này. Dám chắc rằng, số người muốn chung cư bẩn thỉu là rất ít mà mọi người đa số đều có ý thức bảo vệ môi trường. Và sau những bữa tiệc đó, tất cả cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ để trả lại không gian chung như chưa bao giờ có bữa tiệc nào diễn ra.
Cuộc sống ngày nay đã khác, kinh tế cũng không quá khó khăn để mỗi gia đình không chi nổi một bữa ăn ở nhà hàng. Nhưng đó chỉ là cuộc sống đơn lẻ, "một mình mình biết, một mình mình hay". Những cuộc vui nho nhỏ như vậy hẳn sẽ thay đổi suy nghĩ về lối sống chỉ nghĩ cho riêng mình. Tất cả chung tay vì một mâm cơm cũng là cách để cùng chung tay làm những việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho hàng xóm và cả cộng đồng.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Gõ Kiến
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất