'35 tuổi mà vẫn nghèo' cũng không sao cả, đừng gò ép cuộc đời mình vào những định kiến chung
Tin liên quan
Bắt đầu từ một câu nói của tỷ phú Jack Ma: “35 tuổi còn nghèo là lỗi của bạn”, rất nhiều fanpage, trang tin đã viral câu nói này và coi 35 tuổi là cột mốc đánh dấu sự giàu có, thành đạt. Điều này cũng giống như định kiến 30 tuổi phải kết hôn, sinh con mới được coi là ổn định, viên mãn. Trong khi quan điểm này có vẻ đã trở nên không hợp thời và gây ra nhiều tranh cãi.
Jack Ma bị chỉ trích vì cổ xúy cho văn hóa làm việc 996 gây tranh cãi.
Nhiều người cho rằng: “Người giàu nói cái gì cũng đúng”. Jack Ma có nhiều câu nói viral, câu chuyện truyền cảm hứng về thành công, làm giàu nhưng ông cũng bị chỉ trích vì cổ xúy văn hóa làm việc “996” ở Trung Quốc, được coi là địa ngục, là một hình thức “tra tấn”, “bóc lột” với người lao động nước này. Văn hóa làm việc 996 nghĩa là làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trên một tuần, và được các ông chủ tư bản coi là sự đam mê, nhiệt huyết trong công việc. Tuy nhiên điều này gây mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc của người lao động, gây ra những hệ lụy về sức khỏe, cả thể chất lẫn tinh thần. Lời của người giàu có trọng lượng hơn, nhưng không phải lúc nào cũng là chân lý tuyệt đối.
Vậy thì sau 35 tuổi chưa giàu thì đã làm sao? Đó đâu phải là dấu chấm hết cho cuộc đời? Những câu có vẻ truyền cảm hứng dạng như “Sau 35 tuổi vẫn nghèo là lỗi của bạn” hay “Sinh ra trong nghèo khó không phải lỗi của bạn, nhưng chết đi trong nghèo khó là lỗi của bạn” nó giống như một sự tích cực độc hại (toxic positivity). Đổ lỗi lên một cá nhân, người ta đã phủ nhận tác động của cả một hệ thống chính trị, xã hội lên cuộc đời họ. Cuộc sống này không công bằng, có người sinh ra đã phải đi lùi mới về được vạch đích, có người lại phải chịu cảnh bất hạnh như nghèo đói, bất công xã hội, khiếm khuyết về thân thể. Thế nên, những cái deadline cuộc đời, nó không phù hợp cho tất cả mọi người.
Xã hội này có nhiều kiểu người hơn mô hình “kim tứ đồ” mà Robert Kiyosaki đề xướng, theo đó ông “gom” cả xã hội lành thành 4 nhóm người: người làm thuê, người làm chủ, người làm tự do, nhà đầu tư. Trong khi đó, dường như những ông chủ tư bản đã gạt phăng đi vai trò của những người làm công tác xã hội và những lĩnh vực ngành nghề khác để đảm bảo cho xã hội vận hành và phát triển ổn định. Những công việc đó, nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã khắc họa trong lời bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Như những nhân viên y tế, tình nguyện viên và các lực lượng công an, quân đội đã không ngại gian khó, không màng hy sinh để ra tuyến đầu chống dịch.
Cuộc sống này không chỉ được nhìn qua lăng kính ai kiếm được nhiều tiền, ai thành công hơn mà mỗi người đều có những lẽ sống, những vai trò khác nhau. Có những người coi sự cống hiến là ý nghĩa cuộc đời mình, cũng có những người chọn một cuộc sống thanh bạch như những vị tu sĩ, họ an nhiên, tự tại. Dù làm gì, kiếm được bao nhiêu thì điều quan trọng là họ được sống một cuộc đời đáng sống, họ cảm thấy hạnh phúc, thỏa mãn và đóng góp những giá trị tích cực cho xã hội.
Nếu ai cũng chăm chăm làm giàu cho bản thân, ai sẽ làm những công tác xã hội?
Còn trong trường hợp mục đích sống của họ là làm giàu nhưng quá 35 tuổi vẫn chưa giàu, câu nói trên có tác dụng gì ngoài việc xoáy sâu vào sự thất vọng, nuối tiếc, muốn buông xuôi của họ? Chẳng ai có thể gò ép cuộc đời của tất cả mọi người vào những khuôn mẫu, định kiến chung. Mỗi người có một thời điểm để thành công, Barack Obama ngoài 50 đã về hưu, Donald Trump ngoài 70 mới lên làm tổng thống.
Tôi cũng đem những trăn trở về tiền bạc để tâm sự với bố, hỏi xem ngày xưa bố mẹ đã làm thế nào để vượt qua khó khăn. Bố tôi bảo năm 30 tuổi tổng tài sản, cả vật nuôi chỉ vỏn vẹn có 10 triệu đồng, mà còn thất bại trắng tay tới 2 lần. Đến ngoài 50 bố mẹ tôi mới xây nhà cao cửa rộng để ở, sau khi đã nuôi 2 con học xong đại học.
Đại dịch đã đẩy rất nhiều người vào cảnh thất nghiệp, trắng tay, phá sản. Bạn tôi từng kiếm được rất nhiều tiền vào những năm tháng hai mươi, nhưng giờ đây cậu ấy phá sản và nợ hàng tỷ đồng. Cậu ấy vẫn tin rằng không phải vì mình kém cỏi, chỉ vì hoàn cảnh bất khả kháng thôi. Không suy sụp, cậu ấy còn cảm thấy may mắn vì mình trắng tay năm 30 tuổi, chứ nếu nó xảy ra vào năm 40, 50 tuổi thì càng có ít thời gian để làm lại.
Vậy nên, nếu ngoài 35 tuổi mà vẫn chưa giàu thì cũng đừng quá ám ảnh vì điều đó. Chúng ta xuất hiện trên đời đều có một lý do và sống vì những mục đích khác nhau, kiếm tiền, làm giàu chỉ là một khía cạnh trong đó mà thôi.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất