Cô giáo Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn cầu: Từng từ chối mức lương cao về quê nhà dạy học
Tin liên quan
Sáng nay 11/10/2020, ngành giáo dục Việt Nam và bản thân cô giáo Hà Ánh Phượng (Giáo viên tiếng Anh, trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ) đón nhận tin vui. Cô giáo Ánh Phượng lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020. Đây là giải thưởng do tổ chức Varkey Foundation trao. Tổ chức này là quỹ từ thiện toàn cầu tập trung phát triển giáo dục cho những em kém may mắn và do doanh nhân người Ấn Độ Sunny Varkey thành lập năm 2010.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Hà Ánh Phượng không giấu được niềm xúc động và tự hào khi được lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu năm 2020. Trước đây, hồi tháng 3/2020, cô giáo này đã lọt top 50 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Đây cũng là lần đầu tiên một giáo viên Việt Nam được giải thưởng này.
"Khi nhận được kết quả lọt top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, Phượng cảm thấy xúc động thì lần này bật khóc. Bởi, Phượng hiểu rằng kết quả này có ý nghĩa lớn. Không chỉ giải thưởng của cá nhân Phượng mà Việt Nam được xướng tên cùng với những quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ, Brazil... nên rất tự hào và hạnh phúc. Đây là giải thưởng để truyền cảm hứng cho tất cả các em học sinh, giáo viên trong đó có những học sinh dân tộc thiểu số không ngừng nỗ lực và cố gắng để đạt được những kết quả tốt trong học tập", cô giáo Phượng tâm sự.
Cô giáo Hà Ánh Phượng đã bật khóc vì tự hào sau khi biết tin lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020.
Được biết, cô Hà Ánh Phượng là người dân tộc Mường. Khi còn đi học, không có nhiều cơ hội học tập như bạn bè trang lứa ở thành phố. Tuy nhiên, Phượng không ngừng nỗ lực và đỗ vào Đại học Hà Nội (ngành Tiếng Anh) để thực hiện ước mơ từ năm lớp 7.
Để có được kết quả top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu hôm nay, ngoài giảng dạy, cô Phượng có rất nhiều sự sáng tạo và việc làm vì cộng đồng. Khi tham gia nhóm trao đổi nghiệp vụ với các thầy cô giáo trên thế giới, cô Phượng được mọi người khuyên nên nộp hồ sơ tham dự giải thưởng. Lúc đó, Ánh Phượng chưa suy nghĩ nhiều về việc sẽ nộp hồ sơ vì bản thân còn trẻ tuổi, phải trau dồi, cố gắng hơn nữa. Tuy nhiên, sau nhiều lần được mọi người động viện, Phượng đã mạnh dạn nộp hồ sơ cho ban tổ chức.
"Tôi bất ngờ khi nhận được sự ủng hộ của giáo viên ở 4 châu lục. Để có được kết quả top 10 hôm nay, ngoài chuẩn bị hồ sơ, còn phải trải qua rất nhiều vòng khắt khe. Ban tổ chức kiểm tra phương pháp dạy học, quá trình nghiên cứu và tự học của bản thân, sáng tạo trong giảng cũng như ý kiến của các học sinh ở địa phương", Ánh Phượng chia sẻ.
Sau khi lọt top 50 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu, cô giáo Hà Ánh Phượng vẫn tiếp tục công việc dạy học cũng như triển khai các dự án học tập hướng tới cộng đồng. Ngoài chương trình "lớp học xuyên biên giới", cô Phượng còn hỗ trợ các thầy cô giáo khác cách dạy học online, dạy học trên kênh YouTube để mọi người có thể tiếp cận và dạy học trên truyền hình...
"Tôi dự định tiếp tục các chương trình dạy học gắn với 17 mục tiêu bền vững của Liên hợp quốc, phát triển năng lực của học sinh trong thời đại 4.0 cũng như xây dựng các lớp học trực tuyến kết nối với lớp học trên thế giới", cô Phượng chia sẻ về dự định của mình.
Chương trình "Lớp học xuyên biên giới" do Hà Ánh Phượng thực hiện sau khi tham gia diễn đàn "Giáo dục sáng tạo" của Microsoft đã đưa lại hiệu quả tích cực. Trong buổi học theo hình thức này, lớp học tại Việt Nam sẽ được kết nối với một lớp học khác trên thế giới. Các em học sinh sẽ được học cách phát âm, đọc tiếng Anh cũng như tìm hiểu phong tục, văn hóa của đất nước đó...
Từ chối mức lương cao
Khi còn là sinh viên của Đại học Hà Nội, Hà Ánh Phượng đã tham gia công việc phiên dịch cho các công ty, sự kiện lớn. Cơ duyên của công việc phiên dịch đã giúp cô sinh viên được một công ty dược Pakistan mời làm trưởng văn phòng đại diện ở Việt Nam. Ngoài trách nhiệm lớn thì công việc này có thể đưa về cho Phượng mức lương cao và cơ hội tiếp xúc với nhiều người.
Thế nhưng, Phượng nói lời từ chối. Cô muốn trở về dạy học ở quê nhà để giúp các em học sinh dân tộc học tiếng Anh. Khi nói suy nghĩ này với bố mẹ, cô gái trẻ Hà Ánh Phượng nhận được sự đồng ý.
Cô giáo Hà Ánh Phượng sẽ tiếp tục nhiều dự án vì cộng đồng bên cạnh việc giảng dạy tiếng Anh ở trường.
"Phượng trở về quê hương để làm giáo viên sau khi học xong thạc sỹ. Tôi có quan niệm sống khác với nhiều người. Phượng không suy nghĩ rằng ở quê hay thành phố sẽ tốt hơn mà quan trọng là khi về quê được làm công việc mà mình yêu thích. Tôi cũng là người quan trọng chỉ số hạnh phúc của cuộc sống, khác với mọi người. Hằng ngày, tôi được dạy học, tiếp xúc với những học sinh dễ mến đó cũng là niềm hạnh phúc", Phượng trải lòng về quyết định làm giáo viên ở quê nhà.
Theo lời Phượng, cuộc sống ở quê nhà có thể bình dị, không khá giả như khi làm các công việc khác ở thành phố. Tuy nhiên, cô giáo trẻ vẫn luôn cảm nhận được sự yêu nghề của bản thân mỗi ngày và hạnh phúc khi nhìn học sinh tiếp thu những bài giảng tại lớp.
Hiện tại, cô giáo Hà Ánh Phượng đang công tác tại trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ. Đây là một ngôi trường nằm ở địa bàn miền núi, nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất hay điều kiện học tập ngoại ngữ chưa thể bằng học sinh ở các thành phố lớn, việc tiếp xúc với người nước ngoài không dễ dàng. Cho nên, chương trình "lớp học xuyên biên giới" mà cô giáo này đưa ra sẽ tiếp tục được thực hiện. Bởi đó là cách tạo môi trường cho các em trong lớp có thể có được môi trường học tập giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài.
Giải thưởng top 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu sẽ là động lực lớn để cô giáo Ánh Phượng tiếp tục những sáng tạo trong dạy học hướng đến học sinh trong thời gian tới. Cô giáo trẻ tâm niệm "Anh ngữ là sinh ngữ" nên cần môi trường để các em học sinh có thể giao tiếp và nâng cao các kỹ năng mỗi ngày.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất