Nghề giáo viên đủ áp lực lại còn khổ sở như việc “dỗ” học sinh tiểu học ăn, ngủ trưa

Nghề giáo viên đủ áp lực lại còn khổ sở như việc “dỗ” học sinh tiểu học ăn, ngủ trưa

Thu Hà 2018-12-01 15:34
- Chăm sóc bán trú cho học sinh tiểu học là công việc không phải ai cũng làm được. Hãy nghe tâm sự của chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, một người phụ nữ ở Hà Nội từng làm công việc này, các bậc phụ huynh sẽ thấy nó vất vả nhường nào.

Ngày nào cũng “rát cổ bỏng họng”

“Tuyển nhân viên chăm sóc bán trú cho học sinh Tiểu học. Công việc bao gồm quản lý vệ sinh, chăm sóc học sinh ăn các bữa sáng, phụ sáng, trưa, xế chiều; cho học sinh ngủ trưa, vệ sinh dụng cụ đồ dùng bán trú.

Hỗ trợ các công việc khác khi có yêu cầu của nhà trường. Yêu cầu nữ giới độ tuổi 18 tuổi trở lên, có kinh nghiệm chăm sóc học sinh bán trú ở các lứa tuổi mầm non, tiểu học. Lương 5 – 7 triệu đồng”.

Đó là mức thu nhập dành cho nhân viên chăm sóc bán trú tại một trường tiểu học “hạng sang” tại Hà Nội.

Còn với trường công lập, mức lương dành cho người làm công việc chăm sóc bán trú đa phần cực thấp.

Chị Nguyễn Thị Nga, người từng nhận công việc chăm sóc học sinh bán trú tại trường tiểu học gần nhà qua sự giới thiệu của người quen. Vậy mà chỉ sau vài tháng, chị phải “chạy mất dép”.

Cực như nghề “ru” học sinh tiểu học ngủ trưa

Việc cho mấy chục đứa trẻ bán trú ăn ngủ cùng lúc không hề đơn giản. Ảnh minh họa.

Công việc chăm sóc bán trú cho học sinh tiểu học bắt đầu lúc 10h trưa và kết thúc lúc14h chiều.

Tất cả chỉ gói gọn trong một buổi trưa nhưng nó có thể khiến người làm bị “khủng hoảng” vì hàng tỉ thứ việc “không tên”.  

Dọn vệ sinh phòng học, phân chia đồ ăn, bảo ban bọn trẻ ăn cho hết suất, giặt khăn lau miệng và thậm chí có hôm chị Nga kiêm luôn cả việc…lau miệng cho học sinh, xử lý khi có cháu chẳng may nôn trớ.

Sau bữa ăn, chị Nga lại sắp xếp chỗ ngủ cho bọn trẻ. Chỉ đến khi bọn trẻ ngủ dậy, bước vào giờ học chiều chị mới kết thúc công việc.

"Đến giờ ăn, học sinh ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Nhốn nháo, nghịch ngợm, nói chuyện như pháo rang. Ăn xong lại chạy nhảy, nghịch ngợm, phải hò hét mãi mới chịu đi ngủ. Ngày nào đi làm cũng rát cổ bỏng họng”, chị Nga kể.

Chạnh lòng vì những câu nói xúc phạm của con trẻ

Chị Nga tâm sự, đôi khi chị rất muốn bỏ cuộc nhưng vì cô giáo tha thiết nhờ chị phụ giúp nên chị lại cố gắng làm.

Theo cảm nhận của chị, chăm sóc bán trú mỗi lớp có một cái khó riêng. Lớp 1 dễ bảo hơn, không “mỏi mồm” nhưng vất vả hơn rất nhiều vì các cháu chưa đi vào nề nếp.

Ngược lại, lớp lớn các cháu đã tự lập nhưng ương bướng, nghịch ngợm, dễ xảy ra cảnh “đấu mồm” với bác chăm sóc bán trú.

Có cháu nghịch ngợm quá, khi chị Nga nhắc nhở thì lập tức cãi: “Bà làm thì làm, không làm thì về”. Dù không chấp câu nói hỗn hào của trẻ nhưng chị cũng thấy vô cùng chạnh lòng.

“Trẻ quá nghịch ngợm, hiếu động, nên không thể tránh khỏi việc phải nhắc nhở, thậm chí quát thì trẻ mới nghe lời, đi vào nếp ăn ngủ.

Thế nhưng chỉ cần đụng tới là bọn trẻ mách cô giáo, mách phụ huynh. Lương thấp, công việc quá vất vả mà không được coi trọng.

Chỉ mong có sự thông cảm, thấu hiểu từ phía các phụ huynh cũng như chế độ thu nhập tốt để người làm chăm sóc trẻ bán trú không phải bỏ nghề”, chị Nga bộc bạch.

Quán xuyến chăm sóc trẻ bán trú vất vả là vậy nhưng mỗi tháng, chị Nga chỉ được nhận tiền công là 1.2 triệu đồng. Sau mấy tháng làm việc, chị đã xin nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực.

* Họ tên nhân vật đã được thay đổi

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hố không đáy trên thế giới - Cánh cổng địa ngục hay dấu hiệu tận thế

Đọc nhiều nhất