Từ Tết Nguyên đán 2022, cha mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng?
Tin liên quan
Giữ tiền lì xì của con, phụ huynh có thể bị phạt đến 30 triệu đồng?
Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP mới được Chính phủ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi bạo lực về kinh tế, thay thế cho Nghị định số 167/2013/NĐ-CP được áp dụng trước đó.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP nêu rõ:
Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình.
Theo đó, chỉ khi có hành vi “chiếm đoạt tài sản riêng” của thành viên trong gia đình (cha, mẹ, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em…) thì mới bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Mức phạt này đã tăng mạnh so với quy định cũ tại điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013/NĐ-CP (từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng).
Tuy nhiên để khẳng định cha mẹ giữ tiền lì xì của con có bị phạt đến 30 triệu đồng theo quy định trên hay không còn cần phải xem xét đây có phải là hành vi chiếm đoạt tài sản riêng. Bên cạnh đó mục đích cha mẹ giữ tiền lì xì của con thường là để con tiết kiệm tiền, không tiêu sai mục đích, không làm mất hoặc dùng chính số tiền đó để mua quần áo sắm sửa đồ dùng học tập cho con cái. Chính vì vậy, rất hiếm trường hợp giữ tiền lì xì của con vì muốn chiếm đoạt tài sản.
Có thể kết luận không phải tất cả trường hợp cha mẹ giữ tiền lì xì của con đều bị xử phạt 30 triệu đồng.
Trên thực tế con cái dù lớn hay nhỏ đều có quyền có tài sản riêng, nếu cha mẹ yêu cầu con cái đưa tiền lì xì cho mình, con không đồng ý mà vẫn lấy thì vẫn có thể bị xử phạt. Nếu muốn quản lý, giữ giúp tiền lì xì hoặc tài sản riêng của con, cha mẹ có thể cùng con trao đổi, thỏa thuận để quản lý hoặc sử dụng khoản tiền ấy một cách hợp lý. Vì vậy, điều khoản phạt tiền và xác định thế nào là "phạm luật" sẽ phải được phân định từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trẻ em có được tự giữ tiền lì xì Tết không?
Theo khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình:
Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
Đồng thời, theo Điều 76 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc quản lý tài sản riêng (tiền lì xì của con) được quy định như sau:
- Con từ đủ 15 tuổi trở lên được tự mình hoặc nhờ cha, mẹ giữ tài sản.
- Con dưới 15 tuổi sẽ do cha mẹ giữ tài sản. Khi còn đủ 15 tuổi trở lên, cha mẹ có thể đưa lại cho con hoặc có thể sử dụng vì lợi ích của con. Tuy nhiên, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì khi sử dụng tài sản của con, cha mẹ phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi được tự giữ và sử dụng tài sản của mình.
Như vậy, tùy vào độ tuổi của con để xem xét con có được giữ tiền lì xì của mình hay không.
Ni Trần (Tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất