Chị Minh chia sẻ: "Cảm giác của mình khá bình tĩnh, coi như đón Tết năm nay bớt đi chơi, bớt sắm sửa cũng hay".
Mặc dù đã xác định sẵn tâm lý nhưng chị Thanh Minh vẫn thấy bất tiện nhất là làm sao để bé vốn hiếu động có thể vui chơi trong không gian hẹp, khi con gái lớn cách ly thì em trai cũng sẽ bị tách ra gây nhiều bất tiện cho 2 bé. Tuy nhiên, mọi thứ đều được sắp xếp ổn thoả, tinh thần là sức khoẻ đặt lên trên hết. Ban quản lý chung cư hỗ trợ chuyển đồ của người nhà gửi đến.
Hiện tại, con của chị Minh đã âm tính, cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, những ngày Tết ở trong nhà cũng là trải nghiệm lần đàu trong đời, cả nhà được quây quần bên nhau. Nhờ chồng đảm đang nên mấy ngày chăm con, chị đã được đỡ đần phần nào chuyện bếp núc. Đó cũng là chỗ dựa vững chắc để chị đồng hành cùng con vượt qua những ngày F0.
Trước đây, cả mùa Tết, gia đình chị Minh du xuân ở nhiều nơi thì năm nay không gian chỉ có 70m2. Vì vậy, các F1 cũng phải tự tìm thú vui riêng.
"Cậu em 1 tuổi thì đam mê quét và lau nhà, ngày nào cũng đôi lần thể hiện sự chăm chỉ cho cả nhà chiêm ngưỡng. Chị cả thì cắt dán thủ công, hát một mình, sáng tạo sản phẩm, xem iPad. Ông xã chọn tiêu khiển bằng việc cho cá ăn, kiên nhẫn đến mức sắp thành bình luận viên chuyên nghiệp bể cá nhà mình", chị Minh hóm hỉnh kể.
Trong khi đó, bà mẹ 2 con lại có thời gian rảnh rỗi chăm sóc cho cây cối ở ban công để "giết" thời gian. Mấy năm trước, ngoài mua sắm thực phẩm, cả nhà cũng tốn một khoản mua trang phục du xuân. Năm nay, hoàn toàn tiết kiệm được khoản này. Có lẽ năm sau gia đình chị Minh cũng sẽ áp dụng như vậy, Tết đến cảm giác nhàn nhã.
Tết đến, năm nào chị Minh cũng tính chuyện trang trí sao cho thật đậm chất Tết, nhưng năm nay việc trang trí đơn giản nên nhà trông gọn gàng hơn.
Chăm sóc con bị F0 cần chú ý gì?
"Khi gia đình có F0 thì phải thay đổi cuộc sống bằng cách áp dụng các nguyên tắc. Ví dụ khi chăm bé phải mặc bảo hộ, xịt sát khuẩn, mở cửa thông thoáng, ăn bát đĩa dùng 1 lần .Tuy nhiên thời gian tiếp xúc em bé lúc đêm chắc là mình bị lây. Vì em bé có thể tự lập cả ngày nhưng đêm vẫn sợ nên cần có người dỗ ngủ và theo dõi các triệu chứng nếu có", chị Minh chia sẻ.
Bất cứ gia đình nào có F0 thì nên mua đồ bảo hộ để tránh lây nhiễm. Khi vào phòng của con, chị Minh đều đeo kính, đeo khẩu trang, đi găng tay, thay bộ quần áo khác. Sau khi bước ra khỏi phòng, cởi bỏ quần áo và xịt khuẩn.
"Với các bé thì ăn theo sở thích, con muốn ăn gì thì mình sẽ mua cho bé ăn. Ngoài ra, bổ sung thêm nhiều hoa quả. Bé lười ăn hoa quả thì bổ sung vitamin C cho bé. Trộm vía các bé có vẻ triệu chứng nhẹ không như người lớn nên cơ bản ăn chơi ngoan. Mình nghĩ tốt nhất là cứ để cho bé ăn cái gì bé muốn, chứ mình nghĩ không nhất thiết cứ phải đồ thật bổ", chị Thanh Minh chia sẻ kinh nghiệm.
Tết Nhâm Dần có lẽ là cái Tết đáng nhớ nhất của gia đình. Chị Minh nghĩ rằng, không đi đâu không phải là không có niềm vui mà cố gắng tìm thấy giây phút hạnh phúc ngay trong tổ ấm nhỏ. Để mùa Tết sau lại cùng ngồi thủ thỉ cho nhau nghe vê cái Tết đơn giản đong đầy kỷ niệm này.
Anh Minh