PGS.TS Nguyễn Huy Nga: 'Cần đánh giá khác, Hà Nội là vùng xanh, trẻ em được đi học'

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: 'Cần đánh giá khác, Hà Nội là vùng xanh, trẻ em được đi học'

2022-01-18 10:44
- PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, nên đánh giá cấp độ dịch dựa trên độ bao phủ vaccine, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và năng lực ngành Y tế. "Nếu như thế thành phố Hà Nội sẽ trở về vùng xanh, trẻ em được đi học", ông Nga nói

Đánh giá cấp độ dịch dựa trên số F0 không còn phù hợp

Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch; chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cần sớm được thay đổi để phù hợp với chiến lược "thích ứng Covid-19".

Thay vì chú trọng vào tỷ lệ ca mắc Covid-19 so với dân số, theo PGS Nga, nên đánh giá cấp độ dịch tập trung vào các tiêu chí: tỷ lệ số ca tử vong, số ca nặng; tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 và năng lực đáp ứng y tế.

Nếu đánh giá cấp độ dịch theo các tiêu chí kể trên, theo PGS Nga, Hà Nội cũng sẽ là "vùng xanh" tương tự như TPHCM.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga: 'Cần đánh giá khác, Hà Nội là vùng xanh, trẻ em được đi học'

"Số ca tử vong của Hà Nội so với số ca nhiễm là rất thấp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Hà Nội lại rất cao và đang tiến hành tiêm cả mũi bổ sung, đồng thời năng lực y tế của Hà Nội tốt", PGS Nga phân tích.

Ông nhận định, việc F0 ghi nhận mới của Hà Nội tăng cao không quá đáng ngại. Một phần nguyên nhân F0 tăng cao là vì Thủ đô đẩy mạnh công tác xét nghiệm, bên cạnh đó Hà Nội cũng sử dụng kết quả test nhanh để khẳng định F0. Phần lớn F0 ghi nhận mới không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, với diễn biến dịch tại Hà Nội, hiện không còn quá quan trọng số lượng bệnh nhân mắc mới.

Theo vị này, vấn đề mấu chốt là tập trung thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ, để giảm ca bệnh diễn biến nặng và ca tử vong.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện nhiều cơ quan ở Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gây ra nhiều sức ép cho cả chính quyền cơ sở và hàng quán kinh doanh, người dân. Đại diện UBND một phường ở quận Hoàng Mai cho biết, các lực lượng của phường đang căng sức trên nhiều mặt trận. Vừa phải lo công tác điều trị cho các trường hợp F0, vừa phải đảm bảo các nhiệm vụ thường xuyên, trong khi vẫn phải tổ chức lực lượng tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, xử lý việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng cấp độ 3 trên địa bàn. “Anh em làm không hết việc”, vị này nói.

Theo vị này, do cập nhật cấp độ dịch mỗi tuần một lần, các phương án cũng phải thay đổi liên tục, nếu được xác định ở cấp độ 2, hàng quán được mở bán tại chỗ, còn nếu ở cấp độ 3, phải chuyển trạng thái sang chỉ bán mang về. “Người dân, hộ kinh doanh cũng chấp hành thôi. Nhiệm vụ phòng, chống dịch luôn được đặt lên cao nhất, tuy nhiên, người dân, hộ kinh doanh cũng mệt mỏi, mà lực lượng chức năng cũng phải căng sức trong thời gian quá dài rồi”, vị này nói. Theo vị này, số lượng bệnh nhân ngày một tăng, nhưng hầu hết là triệu chứng nhẹ. Nếu có chỉ đạo mới, tiêu chí đánh giá cấp độ dịch theo hướng thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, sẽ giảm áp lực cho lực lượng chức năng ở cơ sở.

Lãnh đạo một quận trung tâm thành phố cho biết, quận đang tập trung nhiều giải pháp để giảm số ca mắc ngoài cộng đồng, với quyết tâm đưa quận trở về vùng 2.

“Chúng tôi làm rất nghiêm, nhưng cũng phải hiểu và thông cảm với người dân, doanh nghiệp, các hộ buôn bán. Cả năm họ vất vả vì dịch rồi. Cuối năm hàng hoá về nhiều, không buôn bán được dịp này thì càng khó khăn hơn”, vị này nói. Theo vị này, các quận, huyện, đơn vị thuộc thành phố đang chờ chỉ đạo mới nhất liên quan các tiêu chí cụ thể đánh giá cấp độ dịch.

“Tuy nhiên, cũng cần phải thận trọng, bởi hiện nay số ca mắc ở thành phố đang rất cao. Mấy ngày nay, người tử vong vì COVID-19 trên địa bàn thành phố đều trên chục ca. Đặc biệt, nhiều nước trên thế giới lại vẫn đang trở lại các biện pháp tái phong toả, áp đặt nhiều lệnh cấm. Chúng ta không nên chủ quan”, vị này nhận định. Theo vị này, nhiều trẻ em và người cao tuổi ở Hà Nội chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, lại đang ở mùa đông lạnh, nên cần thận trọng, đánh giá đúng tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhiều lần cho rằng, Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TPHCM trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu…

Theo vị chuyên gia này, dù mở cửa trở lại, nhưng số liệu công bố cho thấy, số ca mắc mới ở TPHCM đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với COVID-19.

Theo ông Nga, khi mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em; tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng. Còn người trẻ, thậm chí mắc COVID-19 cũng chủ yếu là triệu chứng nhẹ, không quá nguy hiểm vì đã được bảo vệ bởi vaccine./.

AM (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 cung hoàng đạo dễ bực mình, cáu gắt và hay chỉ trích người yêu, bạn đời

Đọc nhiều nhất