Chán nản vì mẹ chồng "quản" chặt kinh tế

Chán nản vì mẹ chồng "quản" chặt kinh tế

- Em mang tiếng vợ mà từ ngày lấy anh đến nay chưa từng được cầm và quản lý tiền nong thu nhập của cả hai. Nghĩ mà em buồn quá!
Em và chồng năm nay 26 tuổi và chúng em mới kết hôn được hơn 1 năm. Chồng em là con một nên kết hôn xong, mặc nhiên em phải sống chung với bố mẹ chồng. Bố chồng em là người xuề xòa thì không vấn đề gì nhưng mẹ chồng thì vô cùng kỹ và “chắc” tính. Em mang tiếng vợ nhưng chưa từng được cầm và quản lý tiền nong thu nhập của cả hai vì cứ đến tháng lĩnh lương hay thưởng đều đưa cho mẹ giữ giúp. Em có nói chuyện với chồng về vấn đề này nhiều rồi nhưng anh nói, mẹ quản lý tiền thì có vấn đề gì đâu, trước sau gì tất cả cũng đều là vợ chồng em hưởng, bây giờ nói với mẹ, mẹ lại giận lại buồn… 
 
Nghe anh nói, em buồn vì thấy mình chẳng có vị trí gì trong mắt anh cả. Hơn nữa, mang tiếng đi làm mà cứ muốn mua món gì giá trị một chút là lại phải hỏi mẹ chồng, em rất ngại. Tiền của mình kiếm đấy nhưng hỏi thì không phải được luôn, sẽ bị mẹ chồng vặn vẹo là mua làm gì hoặc đồ cũ còn dùng được thì cứ dùng tạm đã… Em nên làm gì đây?
 
Tâm sự của độc giả hoangthoa..@...
 
Em mang tiếng vợ mà từ ngày lấy anh đến nay chưa từng được cầm và quản lý tiền nong thu nhập của cả hai. Nghĩ mà em buồn quá!
 
Chào bạn.
 
Chồng bạn hồi yêu đương, tìm hiểu, mỗi lần đi chơi hay muốn mua quà tặng bạn, chắc bạn phải xin tiền mẹ? Trước khi cưới, mình tìm hiểu cũng cẩn thận mà lại “quên” chi tiết ấy, giờ khó xử quá.
 
Nhưng, hoàn cảnh như bạn cũng không phải là duy nhất đâu. Nhiều bà mẹ vất vả, đảm đang nuôi con khôn lớn, con lại ngoan, thương mẹ, được mẹ chăm lo bao bọc từ bé nên quen rồi, lớn lên đi làm được bao nhiêu tiền về đưa hết cho mẹ, mẹ lo từ “trong ra ngoài”, cuộc sống bình yên trôi đi, chẳng phải lo nghĩ gì. Khi lập gia đình, thêm thành viên mới, cách sống khác nhau, quan điểm không “giống như thế”, bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn.
 
Nếu gia đình chồng có điều kiện, mẹ chồng luôn là người “tay hòm chìa khóa”, là chủ gia đình, mọi thành viên đều sống theo “chỉ đạo, sắp đặt” của mẹ, thu nhập của các thành viên không quan trọng lắm với mẹ, thì bạn sống sẽ “dễ” hơn, chỉ cần bạn ngoan, có trách nhiệm, quan tâm và giúp mẹ thế là mẹ vui rồi.
 
Nếu bạn “vào” gia đình mà mẹ cũng vẫn là người quan trọng, là “chủ tài khoản” nhưng mẹ quản lý tất cả thu nhập của mọi thành viên, phải sống theo ý mẹ, làm như mẹ muốn, thực hiện các việc (các mối quan hệ, chăm sóc, nuôi dạy con cái, ăn uống, sinh hoạt..) theo “chỉ đạo” của mẹ, bất đồng sẽ nảy sinh, nhất là với các thành viên “mới” như bạn. Chồng bạn lại không cùng quan điểm với bạn, sợ sự thay đổi làm mẹ buồn, cho rằng “đang sướng” thế này lại tự làm khổ mình làm gì. Lúc nào cũng “bé nhỏ” trong vòng tay của mẹ, cũng chẳng có ý định “làm chủ” gia đình, khi nào bố mẹ già không lo được hẵng hay. Thêm nữa, mẹ lại là người tiết kiệm, chi tiêu tằn tiện, hay tiếc tiền, không hay nghĩ đến nhu cầu cá nhân thì bạn lại càng “khó”.
 
Nhưng, có lẽ vẫn phải nói chuyện và xin phép mẹ. Giờ các bạn chưa có con, đang “rỗi”, sống còn đơn giản, “việc” chưa nhiều, bố mẹ hai bên còn khỏe nên thấy cuộc sống chưa phức tạp. Vài năm nữa, nhiều vấn đề phát sinh, cứ thế này các bạn không chủ động về kinh tế, chồng (và có thể cả bạn nữa) không nỗ lực lao động, phấn đấu, trách nhiệm cũng hạn chế, hạnh phúc gia đình sẽ bị ảnh hưởng bạn ạ.
 
Bạn nên tâm sự những băn khoăn, suy nghĩ của mình với mẹ chồng. Mong muốn được trưởng thành, cả hai vợ chồng cùng phấn đấu nỗ lực vì gia đình. Lo lắng chồng sẽ “chủ quan” dựa dẫm, ỷ lại, không có chí tiến thủ, thậm chí còn “hư” nữa. Xin ý kiến mẹ về cách sử dụng, quản lý tiền có hiệu quả (như gia đình mình hiện nay). Bàn với chồng về khoản tiền vẫn gửi mẹ hàng tháng để đảm bảo sinh hoạt gia đình (chú ý không được làm xáo trộn cuộc sống). Luôn tôn trọng mẹ, coi mẹ “là duy nhất”, là “tổng chỉ huy”, là “kho kinh nghiệm”, thường xuyên tâm sự, chia sẻ, báo cáo với mẹ, các vấn đề lớn trong gia đình phải phải bàn bạc thống nhất. Không được làm mẹ cảm thấy mình “thất thế”, mấy “uy” trong nhà.
 
Trên nhất, bạn cần phải chân thành, thể hiện sự trân trọng, khiêm tốn, muốn học hỏi, biết “mình là ai”, biết kìm chế khi mẹ “chỉ đạo” trái ý mình, biết lựa lời không “làm khó” chồng mình, giữ không khí trong nhà luôn vui vẻ, yên ấm, gia đình chồng thấy “con trai mình thật tinh mắt”, chọn được vợ “vàng” chứ không phải lấy vợ về “phá gia đình”. Quan tâm, chăm sóc bố mẹ chồng. Thể hiện sự biết ơn qua những món quà không quá đắt tiền nhưng cần thiết, đúng ý mẹ thích. Luôn có ý “đầu tư”, xây dựng gia đình phát triển chứ không ích kỷ, “bo bo” cất tiền, tính toán quá chi li, rành rọt. Sử dụng tiền trong các mối quan hệ hai bên cũng phải tế nhị, khéo léo.
 
Khó đấy, nhưng nếu bạn làm những điều này từ “tâm” mình, bạn sẽ làm được. Nếu không có kế hoạch gì quá quan trọng, các bạn cũng nên tính chuyện có con. Em bé sẽ là “thành viên” kéo mọi người lại gần nhau nhất. Chồng bạn mới thấy mình cần phải là “chủ” gia đình nhỏ. Ông bà cũng sẽ thấy “con mình đã lớn rồi”, có “vị trí” mới rồi, nó cần phải trưởng thành, các bạn cũng có “độ tin cậy”, ông bà rồi sẽ già, có nhu cầu riêng, cần thời gian bên nhau nhiều hơn, tự ông bà sẽ “trao quyền” cho gia đình bạn. 
 
Thế bạn nhé. "Bài thuốc" chân thành + yêu thương + kiên nhẫn kết hợp với có “tâm” sẽ giúp bạn vượt qua được mọi khó khăn mà.
 
>>> Mời bạn xem thêm bài viết được quan tâm:
 
 
 
 
 
 
 
Bác sĩ Hoàng Thúy Hải 
(Theo congluan.vn)
 
 
Bạn đang gặp rắc rối trong hôn nhân và tình yêu... muốn được chia sẻ? Hãy gửi thư về địa chỉ email: giadinh@emdep.vn, bác sĩ Hoàng Thúy Hải, nguyên chuyên gia tư vấn của chương trình Cửa số tình yêu, Đài Tiếng nói Việt Nam, sẽ tư vấn cho bạn trong thời gian sớm nhất. 

 
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bí quyết phối đồ 'hack' thêm vài tuổi cho nàng U30

Đọc nhiều nhất