"Tử thần" rình rập sau thói quen tự ý điều trị bệnh tiểu đường
Tin liên quan
Biến chứng khôn lường từ việc tự uống thuốc trên mạng
Gần đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch do tự ý chữa tiểu đường.
Một trường hợp là bệnh nhân nam 66 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, phát hiện đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2 cách đây 10 năm. Người bệnh không điều trị bằng thuốc tây y mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”.
Viên "tiểu đường hoàn" mạo danh Đông y - sát thủ với người bệnh tiểu đường. Ảnh: BVCC
Một trường hợp tương tự là bệnh nhân 57 tuổi ở Lạng Sơn, cũng điều trị bằng “tiểu đường hoàn” theo lời mách của người quen. Khi chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đã có dấu hiệu suy đa tạng, toan chuyển hóa nặng.
Hai người bệnh này đều tử vong sau một vài ngày điều trị. Chỉ duy nhất một bệnh nhân nam 70 tuổi tại Hà Nội cũng uống tiểu đường hoàn được thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Tiếp nhận, giằng co với tử thần để giành lại sự sống cho những bệnh nhân này, Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai cho biết, cả 3 bệnh nhân trên đều có chung chẩn đoán toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/ Đái tháo đường tuýp 2 và tự ý sử dụng tiểu đường hoàn.
Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết. Tuy nhiên, phenformin cũng gây nhiều tác dụng phụ và những biến chứng khôn lường cho người bệnh nên chất này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, người sản xuất đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y, bán tràn lan trên mạng để "hốt bạc".
Mất chân vì tự ý giảm tê bì ở chân
Tự ý chữa bệnh bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, chờm nóng, uống thuốc theo lời truyền miệng là chuyện không hề hiếm ở bệnh nhân tiểu đường do họ muốn giảm cảm giác tê bì ở bàn chân.
Tuy nhiên, những trường hợp phải cắt cụt chân do thói quen đắp lá, chờm nóng là hồi chuông cảnh báo tới người bệnh.
Trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tiểu đường, Ths.Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện (Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân – Bệnh viện Nội tiết Trung ương) đã gặp không ít người bị bỏng do tự ý đắp lá, ngâm chân bằng nước nóng.
Theo đó, trung bình mỗi tháng, khoa Chăm sóc bàn chân tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Đặc biệt có trường hợp người bệnh tiểu đường đã phải cắt bỏ toàn bộ bàn chân tới giữa cẳng bàn chân do biến chứng bỏng quá nặng, chân hoại tử sâu không thể hồi phục. Khi bị hoại tử, ngoài hậu quả cắt bỏ chi, người bệnh còn có nguy cơ nhiễm trùng máu toàn thân, dẫn đến tử vong rất cao.
Tốt nhất, người bệnh đái tháo đường cần uống thuốc, thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, căn bệnh tiểu đường có thể biến một người bình thường thành tàn phế chỉ vì thói quen tự chữa bệnh.
"Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì phải đi khám ngay. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân, tiền đề cho loét chân sau đó. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà mà dẫn tới mất mạng", Bác sĩ Thiện khuyến cáo.
Theo các bác sĩ, tiểu đường là bệnh mạn tính, bên cạnh việc khám khi có bất thường, người bệnh cần có có ý thức kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng bằng cách tuân thủ điều trị, có chế độ ăn uống khoa học và rèn luyện thể lực theo chỉ định của bác sĩ.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất