Thực hư chuyện bị liệt người sau khi ăn tiết canh chó

Thực hư chuyện bị liệt người sau khi ăn tiết canh chó

2017-10-27 06:45
- Thông tin đồn đại bệnh nhân bị liệt người sau khi ăn tiết canh chó do bị nhiễm giun đũa khiến xôn xao cư dân mạng.

Thường xuyên ăn tiết canh chó bị nhiễm ấu trùng giun?

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một người đàn 61 tuổi tại Thái Bình được chẩn đoán bị bệnh Parkinson nhưng qua xét nghiệm, chụp chiếu, bác sĩ xác định ông mắc giun đũa do ăn tiết canh chó.

Cụ thể thông tin được chị sẻ trên mạng xã hội như sau, “Ngày 25/10 bệnh nhân nam 61 tuổi ở Thái Bình bị đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, run toàn thân, liệt chân tay...

Bệnh nhân trên thoạt đầu được chẩn đoán mắc Parkinson. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm giun đũa có tên Toxocara (thường có trong ruột của chó, mèo).

Bệnh nhân cho biết, do nhà có bán thịt chó nên thường xuyên điểm tâm sáng bằng bát tiết canh chó.

Được biết bệnh nhân trên nhập và điều trị tại Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện E Trung ương, nguyên nhân dẫn đến nhiễm giun đũa Toxocara có thể qua tiếp xúc với chó, mèo; ăn tiết canh chó hoặc ăn thực phẩm có chứa ấu trùng từ phóng uế của chó, mèo phát tán ra môi trường”.

Thực hư chuyện bị liệt người sau khi ăn tiết canh chó

Thông tin bệnh nhân bị liệt do ăn tiết canh chó được chia sẻ trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, theo xác nhận thông tin của phóng viên từ Bệnh viện E, ngày 25/10, khoa Nội Thần kinh không tiếp nhận bệnh nhân điều trị như trường hợp nêu trên.

Ăn tiết canh có nguy cơ gì?

Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Phạm Nhật An, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, trong quá trình nhiều năm làm trong ngành truyền nhiễm vị giáo sư này chưa từng gặp bệnh nhân nào ăn tiết canh chó bị nhiễm giun đũa. Tuy nhiên, về nguyên lý khi ăn tiết canh chó không thể nhiễm giun đũa nhưng có thể bị nhiễm ấu trùng giun.

Khả năng nhiễm ấu trùng giun đũa cao khi tiếp xúc với phân chó mèo. Vì trứng giun đũa thường theo phân ra ngoài môi trường, có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng.

Thông thường đối tượng dễ nhiễm giun đũa thường là trẻ con do thói quen chơi đùa với chó mèo, đùa nghịch với đất cát (nơi phóng ế của chó mèo).

Sau khi, nuốt phải trứng giun, các ấu trùng sẽ đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Ở các cơ quan này, ấu trùng giun có thể sống sót trong cơ thể người một thời gian dài mà không có triệu chứng. Khi ấu trùng phát triển tới một số lượng lớn, có thể làm tổn thương tại các mô, cơ thể sẽ có phản ứng viêm để tiêu diệt các ấu trùng di chuyển.

GS.TS Phạm Nhật An cho hay, chẩn đoán bệnh giun đũa chó, mèo là một việc khó, vì thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc không đặc hiệu. Ấu trùng giun có thể phân tán rộng trong cơ thể và không phải lúc nào làm sinh thiết cũng phát hiện được ấu trùng.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, không nên ăn tiết canh động vật sống nói chung và chó mèo nói riêng vì nguy cơ nhiễm ấu trùng giun. Ngoài ra, ăn tiết canh sống có nguy cơ nhiễm vi sinh vật gây ra rối loại tiêu hóa, ngộ độc cấp.

Gia đình có nuôi chó mèo hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm ngủ, cần phải quản lý phân chó mèo tốt bằng cách chôn lấp hoặc cho phân vào túi bỏ thùng rác. Không cho trẻ chơi cạnh chỗ phế thải có phân chó mèo. Trẻ sau khi chơi với chó phải rửa tay sạch với xà phòng. Cần tẩy giun định kỳ cho chó, mèo từ 3-6 tháng/lần.

Cách phòng giun đũa cho trẻ nhỏ

- Dạy trẻ thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi chơi và đi đi đại tiện

- Cắt móng tay sạch sẽ cho trẻ

- Không để trẻ đi chân đất và ngồi lê trên nền đất

- Thực hiện ăn chín uống sôi

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ

- Tẩy giun 6 tháng/lần

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vừa sang Mỹ, Chi Pu xuất hiện hoành tráng trên poster, 'vượt mặt' Bằng Kiều, Mạnh Quỳnh

Đọc nhiều nhất