Khi bị sốt xuất huyết mà làm việc này để bệnh nhân sớm khỏe cực kỳ nguy hiểm phải tránh xa

Khi bị sốt xuất huyết mà làm việc này để bệnh nhân sớm khỏe cực kỳ nguy hiểm phải tránh xa

Ngọc Minh 2017-07-12 06:42
- Từ đầu tháng 6/2017, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng. Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết có thể phòng tránh được bằng cách vệ sinh môi trường không cho muỗi phát triển.

Đừng chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Theo thông tin từ Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế)  trong tháng 6/2017, cả nước ghi nhận thêm 3.114 trường hợp mắc sốt xuất huyết, đã có 1 trường hợp tử vong ở Tiền Giang. Tính tới 6/7/2017, cả nước đã ghi nhận 48.898 trường hợp mắc sốt xuất huyết , trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với  cùng kỳ năm 2016, số trường hợp nhập viện tăng 0,3%.

Nhận định của Cục y tế dự phòng cho thấy, thời điểm hiện nay đang là mùa dịch, diễn biến số ca mắc tăng theo tuần.

Trao đổi với chúng tôi, Ths. BS Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết, hiện nay trung bình có khoảng 10 bệnh nhân vào khám và chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết ở Bệnh viện Xanh Pôn. Tỷ lệ bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tới điều trị năm nay đông hơn năm ngoái khoảng 2 lần.

Bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng người lớn và trẻ nhỏ không nên chủ quan

Số ca bệnh điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Xanh Pôn trong tháng 6 tăng gấp 4 lần tháng 5.

“Năm nay, bệnh sốt xuất huyết đến sớm hơn so với các năm. Nếu như những năm về trước, khoảng tháng 6 -7 chưa phải là mùa dịch bệnh, thông thường sốt xuất huyết thường bắt đầu có cao điểm ở miền Bắc vào tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, do những biến động của thời tiết cho nên năm nay gần như tháng nào cũng có sốt xuất huyết. Tháng 6/2017, số lượng bệnh nhân tới khám và điều trị do sốt xuất huyết tại Xanh Pôn tăng gấp 4 lần so với tháng 5”, bác sĩ Thường cho biết.

Khi nào cần nhập viện

Trong những ngày đầu, bệnh bệnh sốt xuất huyết thường dễ bị nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt vi rút cho nên người lớn dễ chủ quan. Bác sĩ Thường khuyến cáo khi có sốt cao đột ngột thì nên đi khám sớm để xác định sớm nguyên nhân do sốt xuất huyết. Không nên tự ý điều trị sốt xuất huyết tại nhà, đặc biệt khi có những triệu chứng sốt huyết niêm mạc (chảy máu mũi, chân răng), người bứt rứt khó chịu, chân tay tê lạnh… cần phải đưa bệnh nhân nhập viện ngay lập tức.

“Tuyệt đối không được cạo gió tại nhà khi bị sốt cao, đau đầu. Vì nếu bệnh nhân bị sốt cao do sốt xuất huyết mà cạo gió có thể dẫn tới bệnh nặng hơn, nguy cơ chảy máu không thể cầm được do tiểu cầu giảm. Dùng thuốc hạ sốt cần theo đúng chỉ định của thuốc, nếu dùng quá liều có thể gây hại cho gan và xuất huyết tiêu hóa ở trẻ nhỏ”, bác sĩ Thường nói.

Theo bác sĩ Thường, cách phòng chống dịch tốt nhất là người dân nên tích cực dọn dẹp vệ sinh tại nơi mình sinh sống, phát quang bờ bụi, lùm cỏ nếu có, không tích nước quá lâu dài để bọ gậy không có điều kiện phát triển. Buổi tối đi ngủ cần phải mắc màn. Khi sốt cao đột ngột thì cần phải đi khám sớm.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, theo thống kê của khoa Truyền nhiễm trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy, trong số 27 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết thì tháng 6 đã chiếm 13 ca.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), chỉ tính riêng tháng 6 số trẻ nhập viện do bệnh sốt xuất huyết tăng nhiều so với tháng trước. Sốt xuất huyết là căn bệnh rất nguy hiểm do muỗi đốt, biểu hiện bệnh thường không rõ ràng trong những ngày đầu nên cha mẹ dễ dàng bỏ qua.

Trẻ nhỏ mắc bệnh sốt xuất huyết thường sốt cao đột ngột khi đang còn khỏe mạnh. Bệnh nhi sốt kéo dài 2-7 ngày kèm theo các biểu hiện như đỏ mặt, xung huyết, nhức cơ, đau đầu, đau cơ. Một số trường hợp trẻ xuất hiện đau họng, buồn nôn, mệt mỏi. Ở trẻ nhũ nhi có thể kèm theo ho, sổ mũi, tiêu chảy nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Khi trẻ sốt cao cần phải được đưa đi khám ngay.

Theo dịch tễ bệnh, sau 2 ngày phát bệnh, bệnh nhi sẽ có thêm các biểu hiện rõ ràng hơn như chấm đỏ trên da, chảy máu lợi, chân răng, nôn ra máu, đại tiện ra máu. Từ ngày thứ 3-7, sốt sẽ hạ, bệnh nhi có thể xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, mệt mỏi, nôn nhiều, đau bụng, xuất huyết niêm mạc, gan to.

Chăm sóc cho trẻ sốt xuất huyết tại nhà cần tuân thủ nguyên tắc, hạ sốt đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và bù nước, nghỉ ngơi hợp lý, trẻ có những dấu hiệu bất thường cần đưa tới viện càng sớm càng tốt.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Học nữ chính 'Hạ cánh nơi anh' loại bỏ vai u thịt bắp với 5 bài tập đơn giản

Đọc nhiều nhất