Đeo khẩu trang vẫn mắc sốt xuất huyết... ngớ người vì không biết sự thật quan trọng này
Tin liên quan
Đang có người nhà mắc sốt xuất huyết, chị Nga (Hà Đông, Hà Nội) hết sức lo lắng. Điều chị sợ là các con chị có thể bị lây bệnh sẽ ảnh hưởng đến việc học. Cho nên những ngày này, chị Nga và các con thường xuyên đeo khẩu trang và tăng cường ngủ màn để không bị muỗi đốt.
"Tôi nghe mọi người nói, sốt xuất huyết có thể lây qua đường hô hấp nên bắt buộc các con phải đeo khẩu trang để đề phòng. Nhưng không ngờ bệnh này không lây qua đường hô hấp mà lây qua muỗi cắn", chị Nga cho hay.
Cũng mang tâm lý lo lắng do có chồng bị sốt xuất huyết, chị P. (Hà Nội) và 2 con chú ý hết sức đeo khẩu trang đầy đủ, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Tuy nhiên, bản thân lại không chú ý đến việc ngủ màn. Cho nên nguồn lây bệnh từ muỗi mang virus gây bệnh sốt xuất huyết vẫn tồn tại trong nhà và xung quanh môi trường sống của gia đình.
"Tôi đề phòng kỹ vậy nhưng sau khi chồng khỏi, tôi lại bị sốt xuất huyết. Cứ suy nghĩ mãi không biết do đâu dù đã đeo khẩu trang đầy đủ. Nhưng điều quan trọng là con muỗi mang mầm bệnh đang quanh quẩn trong nhà thì tôi lại không tiêu diệt, ngủ màn không thường xuyên hay không chú ý phun thuốc diệt muỗi", chị P. cho hay.
Đeo khẩu trang không giúp phòng bệnh
Bác sĩ đa khoa Văn Giàu cho hay sốt xuất huyết là bệnh không lây qua đường hô hấp. Từ lâu nhiều người vẫn quan niệm, sốt xuất huyết lây từ người này sang người khác do tiếp xúc khi chăm sóc bệnh nhân hoặc do ở chung phòng hay trong nhà, khi đến thăm bệnh nhân ở bệnh viện. Không chỉ vậy, các dịch tiết của người bệnh như nước tiểu, phân, nước bọt cũng không truyền bệnh như các bệnh khác.
"Nhưng nguyên nhân truyền bệnh là do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó mang virus và truyền qua người lành khi đốt. Do đó, khi trong nhà có người mắc bệnh thì phải hết sức đề phòng, tránh để muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng thuốc diệt muỗi.
Chính vì quan niệm sai lầm nói trên mà có người đeo khẩu trang, giữ vệ sinh nhưng vẫn bị mắc khi có người nhà mắc sốt xuất huyết. Lúc đó mới tá hỏa tìm hiểu và không hề biết là mầm bệnh sẽ ở những con muỗi lẩn trốn ngay trong nhà chứ không phải qua đường hô hấp", bác sĩ Giàu cho hay.
Tuy nhiên, không phải cứ dùng đến phun thuốc diệt muỗi là hoàn toàn phòng được bệnh. Việc phun thuốc diệt muỗi chỉ với lượng nhỏ, đơn lẻ thì sau đó sẽ bị khuyếch tán vào không khí. Do đó, song song với việc phun thuốc diệt muỗi cần phải dọn dẹp các xô chậu, bình hoa, nước đọng xung quanh nhà để tránh muỗi đẻ trứng khiến loăng quăng phát triển.
Theo bác sĩ Giàu, bên cạnh đó, muốn việc phun thuốc diệt muỗi hiệu quả nhất thì các gia đình xung quanh cũng cần phải phun thuốc diệt muỗi nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi, dọn dẹp các lùm cây, dọn dẹp môi trường sống thường xuyên.
Loại muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết hoạt động nhiều nhất lúc trời xẩm tối hoặc buổi sáng sớm. Đây là thời điểm chúng tìm thức ăn là hút máu. Ngoài ra, nhiều thời điểm ban ngày cũng có thể bị muỗi cắn. Địa điểm ưa thích của chúng là lốp xe hỏng, bình hoa, chum vại hay xô chậu dự trữ nước lâu ngày không sử dụng, các đoạn nước đọng quanh nhà
"Thời gian chúng thường hút máu vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm và cả lúc chập tối. Chúng thường đẻ trứng ở nước sạch như nước lọ cắm hoa, ở chum vại dự trữ nước sinh hoạt, ở các lốp xe hỏng có đọng nước, máng nước, các hồ, ao tù, nước đọng.
Lỗi sai nghiêm trọng mà nhiều người mắc là chỉ ngủ màn ban đêm. Trong khi có những thời điểm ngủ như trưa hay giữa chiều lại không mắc màn vì nghĩ muỗi không hoạt động những thời điểm này. Chính vì quan niệm này nên muỗi dễ tấn công và truyền bệnh", bác sĩ nhấn mạnh.
Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có thể nhận dạng là chân có các đốm trắng, dân gian hay gọi là muỗi vằn. Virus tồn tại trong cơ thể muỗi vằn rồi truyền lên nước bọt. Khi chúng đốt người khỏe thì nước bọt này truyền qua người khỏe dẫn đến mắc bệnh.
Đông Phong
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất