Thích câu like, check in và ‘hóng biến’: 'Bệnh vô cảm' ngày càng không có thuốc chữa!
Tin liên quan
Thời gian qua, mạng xã hội xuất hiện với tần suất dày đặc các clip đánh ghen, tai nạn giao thông, trẻ bị bạo hành… Bên cạnh mặt tích cực, nhiều vụ việc đau lòng đó còn được nhiều người chia sẻ đi, chia sẻ lại trên facebook như một thú vui câu like hoặc để chứng thực đang “check in” ở địa điểm nóng và “hóng biến” từ A-Z.
Lạ thay, có những vụ đánh ghen giữa ban ngày xảy ra ở trên phố lớn đông nghịt người. Có nhiều người bu lại, đen kịt như kiến cỏ chỉ để hùa vào dăm ba câu chửi kiểu “cho chừa thói lăng loàn”, “xinh thế mà cướp chồng người khác”, “vợ đẹp con khôn còn cặp bồ”… Họ còn hùa theo đám đông để “vùi dập” người bị nạn.
Đành rằng, chuyện quan hệ “ngoài luồng” đáng lên án và những nhân vật chính trong đó phải trả giá. Nhưng khi chúng ta sống trong xã hội thượng tôn pháp luật thì cần có công lý phân xử.
Ai đúng, ai sai sẽ bị pháp luật trừng phạt thích đáng. Nhưng không phải vì thế mà đám đông khoanh tay đứng nhìn một người phụ nữ bị đám đông “xử” theo kiểu xã hội đen. Thử hỏi, sự bàng quan, vô cảm có đang làm lấn át đi tình người?
Có nhiều người bu lại, đen kịt như kiến cỏ chỉ để hùa vào dăm ba câu chửi kiểu “cho chừa thói lăng loàn”, “xinh thế mà cướp chồng người khác”, “vợ đẹp con khôn còn cặp bồ”… Ảnh minh họa.
Đáng sợ hơn, khi không can ngăn những hành động mang tính “tội ác” đó, nhiều người còn thích thú đứng chụp ảnh, quay clip để tung lên mạng mua vui. Quả thực, đây là thái độ, là cách sống vô cảm và tiêu cực đáng phê phán.
Không chỉ dừng lại ở những vụ đánh ghen, chắc hẳn nhiều người không quá xa lạ với hình ảnh xúm đông xúm đỏ đen mỗi khi xảy ra các vụ va chạm hay tai nạn giao thông trên đường.
Hàng chục người vây quanh nạn nhân chỉ trỏ, bình luận nhưng không ai đứng ra gọi xe cấp cứu, gọi cơ quan chức năng hay hỏi thăm, kiểm tra tình trạng sức khỏe của nạn nhân.
Chính sự hiếu kỳ, thờ ơ không đáng có đôi khi làm ảnh hưởng đến công tác cứu giúp các nạn nhân và là nguyên nhân gây ra các vụ ùn tắc giao thông, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Nhiều trường hợp, nạn nhân kêu gọi sự giúp đỡ nhưng vì tâm lý sợ trách nhiệm, ngại liên quan nên nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, lảng tránh. Trong khi một số cá nhân lại sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm, có thể gây ra những rắc rối không đáng có. Vậy nên, mỗi người lại tặc lưỡi rời đi nhanh chóng khi nghĩ “mặc kệ, không liên quan đến mình”!
Mới đây (ngày 11/4), một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa container và ô tô con xảy ra tại TP. Nam Định, tỉnh Nam Định. Vụ tai nạn kinh hoàng trên làm ít nhất 2 người tử vong khiến nhiều người thương cảm.
Thế nhưng, cũng có những người lại hành xử một cách thiếu văn hóa, vô cảm đến tột cùng. Thay vì giúp đỡ nạn nhân ra khỏi chiếc ô tô 7 chỗ bị thùng hàng container đè trúng, biến dạng trong lúc chờ lực lượng chức năng đến giải quyết vụ việc thương tâm thì có một người phụ nữ lao tới từ quán làm tóc gần đó và dùng chiếc điện thoại của mình, liên tục dí sát vào nạn nhân để quay phim, chụp ảnh.
Sau khi đoạn clip về vụ tai nạn được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ trước hành động quay phim cận cảnh vụ tai nạn của người phụ nữ ham “check in” đến vô cảm này.
Phải chăng cùng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống vật chất thì biểu hiện của truyền thống tốt đẹp cứu người, giúp người lại mai một dần? Phải chăng cúng ta đang phải đối mặt với một căn bệnh tinh thần đáng sợ? Đó là “bệnh vô cảm” hay còn gọi là “makeno”.
Nhiều người đã tỏ ra phẫn nộ trước hành động quay phim cận cảnh vụ tai nạn của người phụ nữ ham “check in” đến vô cảm này.
Chẳng phải không có lý khi nhiều chuyên gia phải thốt lên rằng “vô cảm” như một bệnh dịch lây lan toàn xã hội và rất nhiều người mắc phải, không nặng thì nhẹ. Vô cảm là thái độ thờ ơ, không có cảm xúc gì trước các sự vật, hiện tượng xung quanh, trước nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác…
Đó cũng chính là lý do vì sao nhiều người thích thú chia sẻ nỗi đau của người khác trên mạng như thể chỉ có một mình họ biết về công nghệ số. Công nghệ đó tương xứng với độ vô cảm ở “level max”?
Có thể nói, bệnh vô cảm vốn là một trạng thái tâm lí, nhưng hiện nay nó đã trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Nhiều người còn cho, nó như một thứ “vi rút” nguy hiểm. Và nguy hiểm của căn bệnh này là đã và đang xâm nhập vào tất cả các tầng lớp, lứa tuổi mà tập trung nhiều nhất là ở các thành phố lớn có lối sống hiện đại.
Làm thế nào để có phương thuốc đặc biệt chữa trị “bệnh vô cảm"? Trước hết vẫn phụ thuộc vào chính mỗi cá nhân. Hãy sống có lí tưởng, mục đích đúng đắn, sống tử tế và hãy luôn nhớ mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình đều phải xuất phát từ lòng nhân ái.
Diệp Chi
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất