Tết nhà cầu thủ Công Phượng: Sáng mùng 1 Tết, cả gia đình sum họp, chiều khách đông như trẩy hội
Tin liên quan
Trong năm 2018, cầu thủ Đội tuyển Việt Nam đã trở thành một “cơn sốt” trong lòng người hâm mộ. Biết bao lần người hâm mộ được đổ ra đường ăn mừng, chào đón cầu thủ trở về trong niềm hân hoan.
Niềm hạnh phúc đã vỡ òa khi Đội tuyển Việt Nam được nâng cao cúp vô địch AFF Suzuki Cup 2018 tại “chảo lửa” Mỹ Đình. Trong thời khắc lịch sử đó, nhiều người bật khóc vì quá hạnh phúc! Bởi chúng ta đã chờ đợi lâu lắm rồi, giấc mơ vô địch 10 năm trước đã được tái hiện.
Người hâm mộ đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi với dư âm chiến thắng vô địch AFF Suzuki Cup 2018. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Thế hệ “cầu thủ vàng” không chỉ làm những bàn thắng trên sân cỏ mà còn “ghi điểm” trong lòng người hâm mộ bởi lối sống vô cùng tình cảm, trong sáng. Nhiều người trong số đó xuất thân từ gia cảnh nghèo khó đến thắt lòng.
Nhưng bằng quyết tâm, ý chí nghị lực, họ đã viết nên một trang mới cho cuộc đời của mình cũng như lịch sử bóng đá nước nhà. Không ai khác, chính họ đã thổi tình yêu bóng đá cuồng nhiệt vào trái tim người hâm mộ Việt Nam.
Tết của cầu thủ sẽ ngắn ngủi hơn so với người bình thường. Nhưng ở đó người ta vẫn thấy tình cảm của bố mẹ, gia đình cũng như người hâm mộ dành cho họ vẫn luôn nối dài.
Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Emdep.vn trân trọng thực hiện tuyến bài “Ăn Tết cùng gia đình cầu thủ Việt Nam”. Với tuyến bài viết này, chúng tôi gửi một lời tri ân sâu sắc tới những cống hiến của các chàng trai chiến binh áo đỏ dành cho người hâm mộ trong suốt một năm qua.
Đi suốt cả năm, Tết chỉ ở nhà 2 ngày
Biết tin cầu thủ Công Phượng về thăm nhà là bà con lối xóm lại kéo đến đông như trẩy hội. Cả năm, chỉ có duy nhất sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, gia đình tiền đạo 9x này mới được sum họp đúng nghĩa.
Bác Nguyễn Công Bảy, bố của tiền đạo Công Phượng bồi hồi nhớ lại: “Chiều 28 Tết năm 2018, Phượng vẫn đá trận cuối cùng. Chiều 29 Tết, em nó mới về nhà. Ở nhà được vài ngày, đến chiều mùng 3 Tết lại đi.
Mỗi lần tiễn con đi, bố mẹ nhớ lắm. Tết ở quê ngày rộng tháng dài, kéo dài đến ngày mùng 10. . Mình không vào nghề nghiệp này thì cuộc sống của mình đã khác.
Nhưng con giờ đã là người của câu lạc bộ, đã mang nghề nghiệp thì gia đình luôn động viên con phải cố gắng. Con cũng nhớ nhà nhưng con có đồng đội, có bạn bè cũng quên đi nỗi nhớ để tập luyện cho tốt”.
Năm 2018 là một năm đáng nhớ với cầu thủ Công Phượng. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Bác Bảy cho biết trong suốt 1 năm, Phượng chỉ được về quê hai lần. Đó là vào dịp hè và ngày Tết Nguyên đán. Chính vì thế, mỗi lần Phượng về là nhà lại “có hội”. Người hâm mộ nghe tin và đổ xô về xin chụp ảnh.
“Về được hai ba ngày nhưng bận rộn, cả nhà ăn bữa cơm với nhau cũng khó, thậm chí muốn nói chuyện với nhau cũng rất khó khăn. Vừa bưng bát cơm lên lại có người đến.
Chiều 30 Tết vẫn có người đến chơi, 22h đêm khách mới ra về. Đến sáng mùng 1 Tết, bố mẹ, con cái mới có thời gian sum họp thực sự bên nhau. Đến chiều mùng 1, khách lại tới chơi nhà đông lắm”, bác Bảy vui vẻ nói.
Con đi xa, chỉ có tấm bánh đa làm quà Tết
Tết năm nay, gia đình bác Bảy đón Phượng về thăm nhà với hai niềm vui lớn. Ông Bảy hồ hởi bảo Tết năm nay, ông cảm thấy vui trọn vẹn nhất trong hơn 10 năm qua.
Bởi năm vừa qua quả thực là một năm quá đáng nhớ với Công Phượng. Từ chiến trường U23, qua Asiad rực lửa và kết lại bằng một mùa giải AFF Cup mạnh mẽ, tất cả đã giúp Phượng có được những trải nghiệm mới mẻ, phi thường.
Mỗi khi Công Phượng được tung vào sân, người hâm mộ lại cháy lên hy vọng. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Niềm vui thứ hai gia đình bác Bảy đón nhận là có được căn nhà mới khang trang. Trước kia, cứ mỗi lần bão lớn về, nhà dột nát tứ bề, cả nhà phải đi sơ tán.
Phượng lo thấp thỏm, thường gọi điện về, thủ thỉ: “Làm sao để con xây được cái nhà cho bố mẹ yên tâm. Cuộc đời bố mẹ vất vả từ lâu, giờ con chắt chiu từng đồng để xây nhà cho bố mẹ”.
Nghe con nói qua điện thoại, ông Bảy rơm rớm nước mắt vì thương con. Vậy là từ sự hỗ trợ của câu lạc bộ và những ngày tháng chắt chiu, dành dụm tiền thưởng của cầu thủ Công Phượng, căn nhà “giấc mơ” đã thành hiện thực. Những ngày sơ tán khi có bão lớn đã lùi về phía sau. Điều này cũng khiến Phượng yên tâm tập luyện, thi đấu trên sân cỏ.
Bóng đá không chỉ là những bàn thắng mà còn là tình đồng đội. Ảnh: Nguyễn Khánh.
Với gia đình ông Bảy, Tết này, cả gia đình, anh em cùng quây quần, ăn một bữa Tết thật vui. Ông chỉ có mong mỏi tột bậc là con luôn được khỏe mạnh, phấn đấu làm sao đem lại vinh quang cho nền bóng đá nước nhà. Và sau tất cả, ông cũng mong có thời gian nói chuyện với con nhiều hơn.
Hết mùng 3 Tết, Phượng lại khăn gói về câu lạc bộ, món quà quê bố mẹ gửi theo là tấm bánh đa – đặc sản của miền quê Đô Lương. Còn tại vùng đất cày lên sỏi đá, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An, hành trình thành công của Phượng vẫn được người dân nhắc lại như một câu chuyện cổ tích.
Thu Hà
Hà Đức Chinh cũng là một cầu thủ được nhắc đến nhiều lần trong năm 2018. Gia cảnh nghèo khó, cậu bé Chinh "đen" người Phú Thọ đã từng bước khẳng định mình trong màu áo của đội tuyển trẻ Việt Nam. Tết của "cây hài" Hà Đức Chinh năm nay có gì đặc biệt? Mời độc giả Em Đẹp đón đọc kỳ tiếp theo.
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất