Tết đậm chất xưa cũ của GIA ĐÌNH TỨ ĐẠI ĐỒNG ĐƯỜNG giữa lòng Hà Nội
Tin liên quan
Nhà ông Nguyễn Hào Hùng nằm trên phố Nguyễn Khuyến (Hà Nội) là một căn nhà rộng khoảng 200m2. Căn nhà ngói mát rượi, yên tĩnh và đầm ấn này nằm lọt thỏm giữa khu phố đầy nhà tầng hiện đại xung quanh.
Mặc dù căn nhà đã cũ và quá cổ xưa nhưng các thành viên trong đại gia đình tứ đại đồng đường này đều không muốn phá bỏ nhà này đi để xây mới. Họ muốn giữ lại căn nhà ấy như một nhân chứng chứng kiến tất cả những thăng trầm, những vui buồn mà cả gia đình 4 thế hệ này đã cùng nhau trải qua.
Cụ Quỳ dù tuổi đã cao nhưng vẫn nhớ những kỷ niệm ngày xưa.
Tiếp chuyện với chúng tôi, cụ Lê Thị Quỳ luôn ánh lên niềm tự hào về truyền thống của cả gia đình cụ được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Mặc dù trí nhớ đã giảm sút thế nhưng những ký ức về thời xa xưa cụ Quỳ vẫn nhớ như in.
Cụ Quỳ năm nay đã gần 90 tuổi nhưng cách ứng xử hàng ngày của cụ vẫn toát lên vẻ đẹp, cốt cách của người phụ nữ Tràng An. Cụ có tất cả 6 người con, 5 trai, 1 gái. Tất cả những người con của cụ đều có địa vị nhất định trong xã hội.
Theo lời của cụ Quỳ chia sẻ, người con trai cả của cụ nguyên là bác sĩ Quân y viện 103. Con trai thứ 2 nguyên là Cán bộ nghiên cứu Viện nghiên cứu Đông Nam Á và từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á. Con gái cụ nguyên là cán bộ Hội nhà Báo Việt Nam, người con trai thứ tư nguyên là cán bộ trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Con trai thứ 5 và thứ 6 hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hào Hùng - người con trai thứ 2 của cụ Quỳ cho biết: “Ngày xưa gia đình tôi ở tập trung nên đông người lắm. Nhưng bây giờ vì hoàn cảnh công việc khác nhau nên chỉ còn ba hộ ở chung với nhau. Tổng 3 hộ có khoảng 17 người”.
Cứ mỗi dịp lễ Tết là cả gia đình tứ đại đồng đường này mới được sum họp cùng nhau.
Theo ông Hùng chia sẻ, trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình tứ đại đồng đường cũng gặp phải không ít sự bất tiện. Bởi vì nhà vệ sinh chỉ có một, bếp nấu nướng cũng chỉ có một. Dần dần, bếp ăn, nhà vệ sinh mới được tách riêng ra. Và những dịp lễ thì họ lại ăn chung tập thể cùng nhau.
"Ngày xưa gia đình đông người lắm và càng đông đúc hơn mỗi dịp lễ Tết. Tết đến, các anh chị em trong nhà lại xúm cùng nhau làm cỗ, cùng nhau trò chuyện râm ran những câu chuyện trải qua trong một năm. Được sum họp như vậy, ai nấy cũng đều cảm thấy hạnh phúc", người đàn ông này kể.
Nhớ về những ngày Tết đoàn viên của gia đình, ông Hùng cho biết không khí Tết Hà Nội ngày xưa vui hơn nhiều. Khi ấy nhà nhà người người nô nức chuẩn bị mua sắm những thực phẩm ngày Tết, chuẩn bị những câu đối đỏ, tranh đông hồ. Bố của ông cũng thích pháo nên hay chuẩn bị sẵn những bánh pháo để đốt đêm giao thừa.
Ban thờ tổ tiên của gia đình cụ Quỳ ngày Tết.
“Nhà chúng tôi đông người, bao nhiêu người con trai là thêm bấy nhiêu người con dâu rồi thêm các cháu. Mặc dù vậy, trong sinh hoạt hàng ngày chúng tôi ít va chạm nhau bởi đã có quy tắc riêng bất thành văn của gia đình.
Ví dụ như ngày Tết các con cháu cùng giúp nhau làm cỗ mời tổ tiên về ăn Tết, tổng vệ sinh nhà cửa. Điều quan trọng nữa là rửa sạch lư đồng mà tổ tiên để lại với hy vọng xin tổ tiên phù hộ, ban phúc lộc cho gia đình”, ông Hào Hùng nói thêm.
Với ông Hào Hùng, được sống trong ngôi nhà có truyền thống hạnh phúc gia đình đã giúp ông cũng như những anh chị em trong nhà hiểu được và trân quý những giá trị thuộc về tình cảm gia đình.
“Tôi có hai người con, con trai cả sinh năm 1980 hiện đang bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Úc và sinh sống với vợ con bên đó. Còn con gái hiện đang công tác tại Bộ Tài nguyên Môi trường. Dù đều công tác bên ngoài nhưng khi về nhà, vợ chồng tôi đều chỉ bảo, truyền lại cho con những giá trị truyền thống cốt lõi”, ông Hùng bộc bạch.
Dù đi đâu về đâu đại gia đình luôn nhớ bữa cơm có đông đủ các thành viên.
Điều mà ông Hùng trăn trở nhất đó chính là người cháu nội 8 tuổi hiện đang sinh sống cùng người con trai cả tại Úc sẽ ít hiểu được những hoài niệm của quê hương, nên việc giữ lại truyền thống sẽ bị hạn chế.
Ông Hào Hùng chia sẻ với PV về ngày Tết của gia đình.
“Dù rất muốn các cháu biết được những phong tục ngày xưa thời ông bà, bố mẹ của chúng từng biết, thế nhưng vì cuộc sống khiến chúng không còn hào hứng với những điều cổ xưa.
Duy chỉ có tôi, những ký ức của ngày xưa vẫn in hằn trong trái tim không thể nào quên được dù cuộc sống có nhiều đổi khác, bởi nó như một phần máu thịt ngấm vào người”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Đại gia đình của cụ Quỳ.
Ở gia đình tứ đại đồng đường này, đêm giao thừa cũng được mỗi thành viên coi là thời khắc thiêng liêng nhất: “Trong đêm giao thừa mới thấy rõ được vai trò của mẹ. Mẹ tôi hồi còn khỏe năm nào cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời. Mẹ đại diện cho cả nhà báo cáo tổ tiên, thần linh về ăn Tết. Lúc đó tôi thấy Tết Việt đẹp và ý nghĩa đến lạ thường”.
Mâm cỗ cúng đêm giao thừa.
Món bún thang cũng được coi là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của đại gia đình ông Hào Hùng.
Và Tết đến, trong mâm cỗ Tết của gia đình 4 thế hệ này năm nào cũng không thể thiếu giò thủ tự kẹp, bún thang tự làm, nem chua...
"Đây là những món ăn cổ truyền đã đi sâu vào tiềm thức mỗi thế hệ của gia đình tôi. Nếu không có những món đó thì không phải là Tết của gia đình", ông Hào Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho biết, Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 này con trai và con dâu ông không về Việt Nam ăn Tết cùng gia đình được. Ông cũng cảm thấy buồn nhưng vẫn luôn nhắc nhở các con dù đang ở trời Tây song không được quên chuẩn bị cho các cháu những món ăn đặc trưng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Ngọc Bích
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất