Phận đời số khổ của những người vừa chiến đấu với bệnh tật vừa mưu sinh cực nhọc giữa Thủ đô

Phận đời số khổ của những người vừa chiến đấu với bệnh tật vừa mưu sinh cực nhọc giữa Thủ đô

2017-05-30 14:00
- Cả cuộc đời của họ đã gắn liền với 4 chữ “sống chung với bệnh”. Nhưng họ vẫn đang phải bươn trải từng ngày để kiếm tiền mưu sinh và chữa bệnh.

Chạy xe ôm để có tiền chạy thận

Tới xóm chạy thận nằm trên trong ngõ cột cờ gần bệnh viện Bạch Mai mới hiểu được cuộc sống khốn khó của những bệnh nhân. Trong căn phòng chật chội chỉ tầm khoảng 10m2 chỉ đủ kê 2 tấm phản, không ai nghĩ đó là nơi ở cho những người đang mắc bệnh. Để có miếng ăn họ đã phải làm đủ mọi nghề từ đánh giày, bán nước, bán ngô, bán khoai, chạy xe ôm, cắt tóc…

Dắt chiếc xe máy lên khỏi con dốc của xóm chạy thận, không ai nghĩ một người đàn ông chạy thận 15 năm vẫn có sức khỏe để chạy xe ôm. Sự không may mắn của số phận đã lấy đi sức khỏe của anh Hoàng Văn Tuấn (quê ở Nam Định). Nhưng bệnh tật không thể quật ngã được lòng ham sống trong con người anh.

Anh Tuấn bị bệnh suy thận từ 2002. Thời điểm đó anh làm việc nặng thì thường xuyên thấy mệt mỏi, da có dấu hiệu xanh xao. Tới khi mệt quá không thể gắng sức làm việc nữa, anh Tuấn đi khám. Khi ấy, bác sĩ đã kết luận anh bị suy thận giai đoạn 3. Cầm kết quả suy thận trên tay, anh Tuấn không thể tin nổi một người khỏe mạnh như anh giờ sẽ phải gắn liền với bệnh viện.

Những phận đời bươn trải kiếm tiền để chiến đấu với bệnh tật

Anh Tuấn chuyển bị đi chạy xe ôm.

Anh Tuấn tâm sự: “Thời điểm đó mỗi lần chạy thận tương đương với 1 chỉ vàng (1 tuần chạy 3 lần). Để có tiền điều trị bệnh, anh Tuấn đã phải làm rất nhiều nghề từ bán nước chè dạo, đánh giày, xe ôm…”.

Thời gian đầu, điều trị bệnh anh Tuấn rất tuyệt vọng vì bệnh tật của mình. Nhưng sau đó anh cũng đả thông tư tưởng. Vì giờ anh không chỉ sống cho bản thân mà còn vì con (con anh Tuấn đang học lớp 4).

Anh muốn được nhìn thấy con lớn lên từng ngày, con khỏe mạnh, được đi học tới nơi tới chốn… Thoảng trong ánh mắt có một chút đượm buồn, anh Tuấn nói: “Chỉ biết sống ngày nào thì vẫn phải ăn, nên phải làm việc lo lắng như người bình thường. Tôi chỉ mong có một sức khỏe ổn định kiếm tiền điều trị bệnh và phụ giúp cho vợ con ở quê”.

Một ngày làm việc của anh Tuấn bắt đầu từ 8h sáng cho tới tối muộn. Những ngày phải chạy thận anh sẽ phải về sớm hơn. Khoảng 3 giờ chiều là anh nghỉ làm để về thu dọn đồ dùng vào viện chạy thận.

Nhờ lại thời điểm lần đầu tiên đi làm, cả ngày bán nước anh Tuấn chỉ kiếm được vài nghìn đồng. Nhưng thời điểm đó anh Tuấn chỉ xác định đi làm để có công việc quên đi bệnh tật.

Bán nước một thời gian thu nhập thất thường và không có chỗ ngồi nên anh Tuấn đã chuyển sang nghề đánh giày. Nhưng đánh giày chỉ được một mùa, mùa hè thường rất vắng khách nên anh Tuấn quyết định chuyển sang chạy xe ôm.

“Giờ sức khỏe khá hơn nên tôi quyết định đi chạy xe ôm. Chạy xe ôm thu nhập khá hơn nhưng cũng vất vả hơn. Trời cho mình sức khỏe tới đâu thì mình cố làm tới đó”, anh Tuấn nói.

Nhìn ảnh người đàn ông da đen cháy nắng với đôi mắt đượm buồn cứ ám ảnh trong tâm trí tôi. Tôi chia tay anh Tuấn để anh kịp giờ đi làm và tiếp tục với những câu chuyện, phận đời ở xóm chạy thận.

Khi không còn làm được đồng nghĩa với cái chết

Những phận đời bươn trải kiếm tiền để chiến đấu với bệnh tật

Bác Huyền tâm sự đôi mắt buồn khi nói về tương lai.

Không chồng con, gia đình, không chỗ để nhờ cậy đó là hoàn cảnh của bác Lương Thị Huyền (53 tuổi, Hải Dương). Bác Huyền đã có 10 năm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai.

Để có chỗ ở bác Huyền đã nhận trông và chăm sóc cho một bệnh nhân chạy thận lớn tuổi do con cái bận đi làm. Hàng ngày bác Huyền lo cơm nước giặt giũ cho bà cụ. Mỗi lần đưa bà cụ đi chạy thận bác Huyền nhận được công 70.000đ/lần. Số tiền ít ỏi đó đủ để cho bác Huyền có thể mua thêm tiền thuốc điều trị bệnh tật của mình. Có những lần không đủ tiền, bác Huyền chỉ dám mua một nửa tiền thuốc điều trị.

Bác Huyền chia sẻ: “Nếu đi chăm bệnh nhân cấp cứu một ngày có thể được 300-400 nghìn. Nhưng sức khỏe của tôi yếu không nâng nổi bệnh nhân thì ai dám thuê. Bệnh nhân chạy thận ở đây toàn người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi già yếu nên nhận đi trông bệnh nhân, thanh niên trẻ hơn có sức khỏe thường đi đánh giày, chạy xe ôm, bán nước dạo trong bệnh viện…”.

“Tới khi nào sức khỏe không thể đi làm được thì cuộc sống cũng như hạ màn không thể chạy chữa gì nữa”, bác Huyền buồn bã nói.

Những phận đời bươn trải kiếm tiền để chiến đấu với bệnh tật

Có nghề cắt tóc nên anh Chiến có thu nhập ổn định hơn mọi người trong xóm.

May mắn hơn anh Tuấn, bác Huyền đó là trường hợp của anh Phạm Văn Điều (42 tuổi Nam Đình) tên thường gọi khác là Chiến.

Anh Chiến có nghề cắt tóc từ khi còn trẻ cho nên khi mắc bệnh, anh vừa đi điều trị bệnh vừa mở thêm tiệm cắt tóc để kiếm thêm thu nhập. Tiệm cắt có của anh Chiến nằm sâu trong con hẻm tận dụng phần đất thừa. Đối tượng phục vụ của anh chủ yếu là bệnh nhân chạy thận và sinh viên.

“Dù được bảo hiểm miễn phí chạy thận nhưng tiền thuốc mua uống hàng ngày cũng mất tới tiền triệu. Nếu giờ không làm việc thì không có tiền điều trị bệnh, không có tiền gửi về cho con ăn học”, anh Chiến nói.

Dù cuộc cuộc sống vất vả vì vừa phải mưu sinh, vừa chạy thận nhưng trong ánh mắt của anh Tuấn, bác Huyền, anh Chiến và các bệnh nhân chạy thận khác vẫn còn chung 1 lòng ham sống. Mong sao ông trời thương cho những phận đời éo le này để cho họ có sức khỏe kiếm sống, sống chung với bệnh tật.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 cung hoàng đạo nổi tiếng là 'thần kiếm tiền', đi đến đâu cũng tạo ra cơ hội làm ăn lớn

Đọc nhiều nhất