Nỗi cực nhọc của những ô sin bệnh viện, giao thừa nào cũng ăn Tết cùng bệnh nhân

Nỗi cực nhọc của những ô sin bệnh viện, giao thừa nào cũng ăn Tết cùng bệnh nhân

2016-12-29 14:41
- Những người làm ô sin bệnh viện thường có hoàn cảnh nghèo khó. Họ sẵn sàng thức trắng đêm hôm, không quản vất vả và không ngại ở viện ăn Tết để chăm sóc những bệnh nhân nơi giường bệnh.

Ô sin bệnh viện là những người mưu sinh bằng cách bám trụ nơi giường bệnh, chăm sóc những người phải điều trị dài ngày trong các phòng cấp cứu. Vốn nghề osin bệnh viện kiếm tiền rất khá nhưng những người làm nghề này cũng phải trải qua không ít đắng cay mới trụ được với nghề.

Những cực nhọc nghề ô sin bệnh viện 

Chị Thắm rời quê Thái Bình làm nghề ô sin bệnh viện tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã gần 2 năm nay. Ở quê nhà, chị đã có chồng và 2 con nhỏ. Cách đây 3 năm, chồng chị bị tai biến nên gần như liệt một chỗ. Để kiếm tiền thuốc thang cho chồng, nuôi con ăn học, chị Thắm quyết định theo người bà con lên Hà Nội mưu sinh.

Qua lời giới thiệu, chị nhận chăm sóc bệnh nhân. Người bệnh nhân đầu tiên của chị là cụ Phú bị tai biến nên cụ yếu. Con cái cụ Phú bận rộn suốt ngày nên họ phải thuê chị chăm sóc với mức lương 350.000 đồng/ngày đêm. 

"Tôi từng chăm sóc mẹ chồng bị tai biến vì thế cũng có chút kinh nghiệm nên nhận việc luôn. Nhưng cụ Phú khó tính lắm, tôi làm gì cụ cũng không vừa ý. Có lần cụ còn hất nguyên bát cháo xuống đất vì bảo ngửi thấy mùi hôi trong cháo. Nhiều lần cụ còn móc máy nói tôi được trả cho bao nhiêu tiền mà làm việc không ra gì, lừa đảo các con cụ". 

Chị Thắm kể nhiều lúc bị cụ Phúc mắng mỏ ác ý, chị đã phải chạy ra ngoài để khóc. Nhưng vì đang cần tiền để gửi về cho gia đình nên người phụ nữ này cũng cắn răng chịu đựng. 

Vui buồn chuyện nghề osin bệnh viện

Vì miếng cơm manh áo, nhiều người chấp nhận làm ô sin bệnh viện dù vất vả trăm bề. 

Từ lúc làm việc đến nay, chị Thắm đã từng chăm sóc hơn chục bệnh nhân với đủ loại bệnh, truyền nhiễm có, tai biến có, suy thận có, hôn mê lâu ngày cũng có. Ngoài những bệnh nhân khó tính như cụ Phú, cũng có những bệnh nhân dễ tính, đối xử với chị rất tốt. 

Chị Thắm còn kể về một người bạn đồng nghiệp cũng làm việc tại viện Bạch Mai tên Hương. Chị Hương đã hơn 30 nhưng chưa chồng con. Vì lo cho hai đứa em đang đi học Đại học và mẹ già ở quê nên chị Hương phải lên Hà Nội mưu sinh. 

Cuối năm 2015, chị Hương nhận chăm sóc một bệnh nhân bị suy thận tên Toàn. Anh Toàn đã gần 50 tuổi nhưng bị suy thận độ 3.

Do vợ anh Toàn đã mất lâu ngày nên anh em, con cái đưa anh vào viện để tiện theo dõi, điều trị . Sau đó họ thuê chị Hương chăm sóc. Sau một vài tháng tiếp xúc, hai người đã có tình cảm với nhau.

Chị Hương thường xuyên kể lại với các đồng nghiệp rằng, anh Toàn hứa khi bệnh thuyên giảm nhất định sẽ cưới hỏi chị. Song đầu tháng 7 vừa qua, do bệnh tật nguy kịch nên anh Toàn đã không qua khỏi.

Ngày anh ra đi, chị Hương vừa vuốt mắt cho anh vừa khóc lên khóc xuống nơi giường bệnh đến ngất đi. Người nhà anh Toàn biết chuyện, có người thông cảm, có người nói chị giả vờ khóc lóc thương tiếc để kiếm tiền. Sau lần đó, chị Hương nghỉ hẳn việc ô sin bệnh viện mà làm việc khác.

"Chăm sóc người bệnh lâu thì cũng có tình cảm thân thiết với người ta. Khi người bệnh mất thì mình cũng đau lòng như mất đi người thân vậy. Nhiều đồng nghiệp của chị bỏ nghề sau vài lần vuốt mắt cho người bệnh vì việc này ám ảnh cả đời họ", chị Thắm tâm sự.

Khi hỏi về việc đi làm xa như thế này, chị có thấy nhớ nhà, nhớ con không, chị Thắm có chút nghẹn ngào: "Nhớ lắm chứ, tôi lo hai con không chăm sóc được nhau chu đáo, ăn uống không được no. Lo chồng đang nằm trên giường bệnh có giữ được sức khỏe không. Tiền tôi gửi về có đủ để chi tiêu thuốc men, học phí, ăn uống không. Hay là ba bố con tằn tiện nhịn ăn nhịn mặc rồi giấu tôi, bảo là chuyện nhà vẫn ổn".

Gần đến Tết Nguyên Đán 2017 nhưng với chị Thắm lúc này, chị bảo Tết năm nay chị không định về quê ăn Tết. Chị muốn ở lại đây làm để kiếm thêm chút tiền cho con chuẩn bị học kỳ mới.

"Năm ngoái tôi cũng không về quê, đón Tết ở bệnh viện cùng bệnh nhân luôn. Buồn lắm cô ạ. Nhìn gia đình họ quây quần tất bật mình lại thấy chạnh lòng. Nhớ nhà, nhớ con lắm nhưng chẳng về được. Bỏ về thì tiền lấy đâu nuôi các con" - chị Thắm nghẹn ngào nói.

Hành lang, cầu thang bệnh viện chính là nhà

Chị Thu - một ô sin bệnh viện khác đang chăm sóc bệnh nhân tại viện Nhiệt đới TW tiếp chuyện chúng tôi ngay tại cầu thang tầng 2 của viện.

Chị vừa mới chạy vào cho bệnh nhân đi vệ sinh rồi lại chạy ra để giữ chỗ trên chiếu nghỉ cầu thang. Chỉ tay vào thùng cát tông đựng đầy đồ, chị kể: "Đồ dùng của chị với mấy người bạn đồng nghiệp đấy em ạ. Để vào thùng cho dễ mang, chút nữa bảo vệ lên lùa đi chỗ khác còn dễ chạy".

Chị Thu đã làm nghề ô sin bệnh viện được 3 năm nay, cũng từng ấy năm chị xem bệnh viện là nhà ở. Chị cho biết ngày xưa chị đưa bố lên Hà Nội chữa bệnh, thấy nhiều người làm nghề chăm sóc bệnh nhân kiếm được cũng khá nên sau khi đưa bố đỡ bệnh về quê thì chị ở lại kiếm việc luôn.

Chị tính toán: "Mỗi ngày mình được trả công 370.000 đồng. Tính tiền cơm nước hết 50.000 đồng/ngày, hai ngày lại mua 1 thẻ điện thoại 20.000 đồng để báo cáo tình hình bệnh nhân cho người nhà. Mỗi tháng mình phải mua thuốc cả chục triệu gửi về cho bố ở quê nên phải dành dụm hết sức có thể. Để tiếp kiệm, mình không thuê nhà ở ngoài mà ở luôn bệnh viện cũng tiện chăm sóc bệnh nhân lúc cần".

Mọi công việc tắm giặt thường ngày chị cũng làm ở nhà vệ sinh của viện. Bởi vì nếu tắm giặt ở ngoài mỗi lần cũng phải mất 30.000 đến 50.000 đồng/lần.

Vui buồn chuyện nghề osin bệnh viện

Cầu thang, hành lang bệnh viện là nơi ngủ nghỉ của các osin bệnh viện

Ban ngày, viện không cho người vào chăm sóc nên chị Thu cứ ở ngoài cầu thang bệnh viện. Nếu người bệnh có nhu cầu cá nhân thì chị mới được gọi vào, xong việc lại đi ra tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi. Đến tối, sau khi người nhà bệnh nhân vào thăm nom, dặn dò chị chăm sóc đủ bề chị mới vào phòng bệnh để túc trực bên bệnh nhân.

Chị kể: "Buổi tối trực bên bệnh nhân không được ngủ đâu, phải để ý các thứ như nước truyền hết thì phải gọi y tá thay, xem màn hình phác đồ của bệnh nhân có ổn định không, nếu có gì bất thường phải báo lại với bác sĩ ngay. Nhiều bệnh nhân đau quá không ngủ được mình cũng phải vỗ về chăm sóc họ. Nhiều người khó chịu trong người còn chửi bới loạn lên, nhưng mình biết họ đang bị bệnh là đã khổ lắm rồi nên cũng kệ". Sau một đêm như thế, chị Thu lại trở ra hành lang bệnh viện, kiếm một giấc ngủ vội vàng ngay cầu thang. Giấc ngủ chập chờn không được kéo dài bởi bệnh nhân sẽ cần đến chị bất kì lúc nào.

Nhiều năm ăn ngủ vật vạ nơi bệnh viện, nhiều khi chị Thu cũng cảm thấy xương khớp đau mỏi khắp người: "Làm nghề này mệt mỏi lắm, những ai bị bệnh xương khớp thì chắc chắn không chịu nổi quá 1 tháng đâu. Tôi cũng chỉ mong có thể theo nghề này thêm dăm năm nữa, đến khi bệnh của bố ở quê khỏi rồi thì sẽ tìm một công việc khác để kiếm sống".

Nói đến đây, chị trầm giọng xuống, có chút chạnh lòng: "3 năm đi làm là 3 năm không được về quê ăn Tết. Năm nào cũng phải ở lại viện để chăm người bệnh vì người ta trả nhiều tiền hơn trong dịp lễ Tết. Tôi chỉ có thể gửi tiền về quê nhờ họ hàng chuẩn bị bánh trái, mâm cỗ. Mua được manh áo mới cho người thân cũng chỉ có cách gửi về chứ không đưa tận tay được".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


15 phút tập săn cơ buổi sáng

Đọc nhiều nhất