Dạy con tự lập chứ không dạy con làm osin: Quan điểm giáo dục của mẹ trẻ Hà Thành khiến con rời tay gia đình vẫn sống tốt
Tin liên quan
- “Suốt ngày làm làm, con chán việc nhà lắm rồi, con đâu phải osin của mẹ đâu? - “Sao mẹ suốt ngày sai vặt con thế?” - “Sao mẹ cằn nhằn lắm thế?”
Đây chắc hẳn là điều từng xuất hiện trong suy nghĩ của các bậc làm cha, mẹ khi mình còn là một đứa trẻ.
Chị Thuỳ Trang và bé Mon (Ảnh: NVCC)
Chị Thuỳ Trang cũng bày tỏ rằng, chắc hẳn người lớn thì luôn nghĩ: Phải để con tự làm, làm hết, thì con mới tự lập được. Còn nếu con không tự làm được thì là: Lười, hư, không ngoan, không nghe lời. Thậm chí còn bị bố mẹ quất cho cái chổi hay cái roi vào đít vì tội không làm việc nọ việc kia ngay.
“Bản thân các mẹ là phụ nữ, các mẹ có muốn mình phải làm quần quật tất cả mọi việc nhà một mình hay không? Mẹ sẽ cảm thấy như thế nào khi phải làm việc một mình? Và nếu cả 2 vợ chồng cùng nhau làm việc nhà, thì mẹ lại cảm thấy như thế nào?
Tương tự với con cũng vậy thôi. Nếu vì muốn dạy con tự lập mà mẹ sai con làm hết việc này tới việc nọ, người sai không ngớt mồm, người lại làm không ngơi tay. Đặc biệt mà nhà có 1 bé lớn 1 bé nhỏ, chắc hẳn bé lớn sẽ có suy nghĩ “Mình không khác nào osin phục vụ cho bố mẹ và em bé”, “Tại sao em bé kia không phải làm gì mà mình lại phải làm ti tỉ thứ thế? Thật là mệt mỏi”.
Dạy con tự lập, là dạy con biết làm nhiều thứ, để khi rời tay bố mẹ ra con vẫn có thể sống tốt, là dạy con biết cách thích nghi với nhiều môi trường. Nói ngắn gọn là: “biết làm” chứ không phải “phải làm”, mẹ bé Mon nhấn mạnh.
Bé Mon sớm được mẹ dạy cách tự lập và luôn biết giúp đỡ mọi người xung quanh (Ảnh: NVCC)
Theo đó, bà mẹ trẻ cho rằng, dạy con tự lập nhưng vẫn phải dạy con cách chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh. Chứ không phải là “thân ai người ấy lo”.
Ví dụ:
-Thay vì nói: “Hãy dọn đống đồ chơi của con lại đi! Bừa bộn thế!”. Mẹ hãy nói: “2 mẹ con mình cùng dọn đống đồ chơi này nhé!” rồi ngồi xuống cùng con dọn dẹp (hãy để con dọn nhiều hơn, mẹ chỉ ngồi hỗ trợ thôi chứ đừng làm hết cho con).
- Thay vì nói: “Con hãy rửa bát đi! Lớn rồi thì phải biết làm chứ”. Mẹ hãy nói: “2 mẹ con mình cùng rửa bát nhé! Con thích rửa bát hay tráng bát nào?”.
- Thay vì nói: “Hãy đi quét nhà, dọn nhà, phơi quần áo đi!. Hãy nói: “Chúng ta cùng đi dọn dẹp nhà cửa và phơi quần áo nhé!”
Chị Thuỳ Trang cho biết, nếu mẹ làm được điều đó, con vẫn được học cách làm, vẫn biết cách làm, và có thể làm được. Chắc chắn rời tay bố mẹ ra con vẫn biết cách mà sinh tồn được.
Bên cạnh đó, bởi vì mọi người cùng làm, cùng chia sẻ công việc, nên con sẽ không bao giờ cảm thấy ức chế và nghĩ mình đang làm osin phục vụ mọi người. Hơn thế, con biết cách để giúp đỡ mọi người xung quanh, chia sẻ việc với những người con gặp.
Mẹ Mon cho rằng, chính bà mẹ sẽ là người làm gương để con có những hành xử đúng đắn (Ảnh: NVCC)
Ngay cả cách để nói chuyện với con, bổ mẹ cũng cần chú ý. Không phải ỷ mình là bố mẹ rồi muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói. Bà mẹ trẻ nhấn mạnh, nên ngưng nói lời sai khiến, hãy nói lời nhờ con một cách lịch sự, và cảm ơn sau khi con giúp đỡ. Bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến tính cách và hành xử của con khi trưởng thành. Bạn muốn con trở thành người thô lỗ hay người lịch sự?
Mẹ Mon tâm sự thêm: “Bản thân mình cũng từng có thói quen sử dụng câu sai khiến, bởi vì từ bé đã luôn nghe được những câu sai khiến. Nhưng chồng mình là người đã uốn nắn lại cách nói chuyện và dạy mình cách tiết chế ngôn từ.
“Em đừng nói những câu sai khiến như thế, nếu anh sai khiến em như thế em có thấy khó chịu không? Và khi anh dùng những câu nhờ em lịch sự thì em có thấy vui vẻ, dễ chấp nhận hơn không? Kể cả nói chuyện với con cũng thế, đừng nghĩ mình là mẹ thì có quyền sai khiến nó!”.
Quả thực khi mình biết tiết chế ngôn từ hơn, tiết chế cảm xúc hơn, tôn trọng con hơn, thì thái độ của con cũng sẽ khác. Bạn Mon muốn nhờ bố mẹ cái gì thì sẽ nói: “giúp con, giúp con” hoặc “help me! Help me!”. Sau khi mọi người giúp thì con sẽ nói “Thank you”.
Đó là những cái con được nhìn thấy, được cảm nhận, được học tập hằng ngày, rồi ngấm vào thành thói quen. Mình không dạy ép con phải thế. Làm sao mà ép con thành người lịch sự trong khi bố mẹ cư xử thô lỗ được”.
Môt lần nữa, bà mẹ trẻ nhấn mạnh rằng, chúng ta không chiều chuộng con, nhưng cũng không hà khắc với con. Chúng ta sẽ áp dụng phương pháp nghiêm khắc bằng sự chiều chuộng. Người làm cha mẹ, phải cân bằng được ranh giới của cảm xúc và lời nói. Giống như một món ăn, được nêm nhiều loại gia vị, mỗi loại vừa đủ lượng thì sẽ ngon, lỡ tay cho quá gia vị nào đó thì nó sẽ không còn ngon nữa.
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất