Nỗi ám ảnh của cô sinh viên mới ra trường khi lần đầu tiên chứng kiến người già qua đời tại trung tâm dưỡng lão
Tin liên quan
Nỗi sợ trong những ngày đầu tiên vào nghề
Ai gặp Nguyễn Thị Thu Hường, sinh năm 1996, quê ở Thái Bình, điều dưỡng viên mới tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng cũng phải ngạc nhiên tại sao Hường còn trẻ măng mà chọn nghề này.
Mỉm cười tươi tắn, Thu Hường bảo: “Em đến với nghề xuất phát từ một…trục trặc”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Điều dưỡng Nam Định, Hường tính sang Nhật để làm nghề điều dưỡng nhưng do một số trục trặc, kế hoạch của Hường đã chuyển sang hướng khác.
Điều dưỡng tại trung tâm dưỡng lão là công việc xuất phát từ trái tim yêu thương.
Cùng thời điểm đó, Hường bắt gặp thông tin tuyển dụng của Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng. Hường trúng tuyển và một mình khăn gói ra Hà Nội làm việc vào tháng 6/2018.
“Ngày đầu tiên đến đây, lạ nước lạ cái, em cảm thấy rất sợ. Vừa mới ra trường, chưa bao giờ chăm sóc người già, đi thực tập ở viện cũng chủ yếu làm tiêm truyền, mọi thứ đều rất lạ lẫm nên em rất lo không biết mình có làm được công việc này không?”, Hường tâm sự.
Giúp các cụ già ngâm chân nước gừng để ngủ ngon hơn.
Hơn nữa, các cụ đến trung tâm dưỡng lão đa phần già cả, lẫn cẫn, nói trước quên sau, rồi lại khó tính, mỗi người một kiểu. Cô sinh viên mới ra trường như Hường cảm thấy lúng túng, không biết nên trò chuyện với các cụ thế nào “cho phải”.
Mặt khác, Hường cũng phải đối diện với những vết thương trên da thịt của người già và thứ mùi khăm khẳm xộc lên tận óc khi chăm sóc vết thương, thay bỉm cho các cụ.
Vượt qua nỗi sợ hãi, Hường nghĩ: “Mọi người ở đây làm được thì mình cũng làm được”. Công việc của Hường là chăm sóc, cho các cụ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh răng miệng, vệ sinh cá nhân, trò chuyện, đọc sách báo cho các cụ nghe. Chia theo tầng, các cụ khỏe sẽ có ít người, cụ yếu sẽ có nhiều bạn hơn.
Ám ảnh khi lần đầu chứng kiến người già qua đời
Thường một tầng có 4 bạn điều dưỡng phụ trách chăm sóc 20 cụ. Thời gian biểu mỗi ngày “đều như vắt chanh”: Sáng 7h kém 15 phút giao ban, 7h lên vệ sinh cá nhân cho các cụ, tắm táp.
Sau đó chuẩn bị ăn sáng, người thì đi lấy đồ ăn, người thay ga giường. Các bạn điều dưỡng phối hợp nhịp nhàng với nhau để mọi thứ diễn ra suôn sẻ. 9h các cụ ăn sáng xong sẽ được xoa bóp, hoặc đi dạo. Tới gần 11h trưa, mọi người ăn trưa, nghỉ ngơi.
Bữa trưa tại trung tâm dưỡng lão Diên Hồng.
2h chiều các cụ dậy, thay bỉm. Có cụ thì chơi cờ, chơi tam cúc, đọc sách, có những cụ thích xem ti vi, nghe nhạc, xem phim hài. Buổi chiều có bữa phụ như sữa chua, chè bánh…
3 buổi/ tuần các cụ sinh hoạt tập thể vào buổi chiều, cùng nhau tập thể dục, trò chơi, làm đồ thủ công, trang trí, vẽ tranh, hoặc ngồi thiền đến 16h30 chiều. Sau đó, tất cả cùng nhau chuẩn bị bữa cơm tối, ăn tối rồi ai nấy trở về phòng, vệ sinh cá nhân và sinh hoạt theo ý thích.
Sinh hoạt tập thể luôn là khoảng thời gian được các cụ già yêu thích.
17h30 chiều, điều dưỡng viên cũng được kết thúc một ngày làm việc của mình. Những điều dưỡng quê ở xa, chưa có gia đình thường ở lại luôn trong trung tâm.
Mỗi tháng, Hường phải trực đêm 5 buổi và được nghỉ phép 5 buổi. Tháng đầu tiên chưa quen, cộng với tâm lý lo lắng, Hường bị sút cân. Hiện giờ, sau 3 tháng thử việc, Hường đã bắt nhịp với guồng công việc tại trung tâm dưỡng lão.
Với Hường cũng như các điều dưỡng tại trung tâm dưỡng lão, sự cố ám ảnh nhất chính là việc người già bất ngờ phát bệnh, qua đời trong đêm. Dù chỉ thỉnh thoảng lắm mới xảy ra một ca như vậy như “dư chấn” còn để lại rất lâu trong lòng mọi người.
Lần đầu tiên chứng kiến một người già lên cơn rung nhĩ kịch phát trong đêm, Hường thực sự bối rối. Một bác sĩ, ba điều dưỡng cùng cấp cứu nhưng cụ không qua khỏi.
“Biết là cụ đã qua đời nhưng vẫn phải bóp bóng, ép tim, cho cụ thở oxy cho đến khi có người nhà đến đón về. Điều dưỡng cũng là người vệ sinh cho cụ để cụ ra đi sạch sẽ, thanh thản nhất. Nghề nó như vậy, lúc đầu thấy sợ nhưng sau cũng thành quen. Dù lâu lắm mới xảy ra nhưng đây là một phần không thể thiếu của công việc”, Hường bộc bạch.
Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, Hường lại tất bật với công việc của mình. Cũng có lúc Hường cảm thấy mệt mỏi, vì có những câu hỏi kiểu như “thanh niên chúng mày lại đi làm công việc như thế?”.
Rồi khi chứng kiến một ai đó bất ngờ ra đi, cô sinh viên trẻ măng thấy lòng trùng xuống. Sau tất cả, dù người khác nói ra nói vào thì sự hài hước, yêu đời của các cụ ở đây và sự dìu dắt của những đồng nghiệp đi trước khiến Hường thấy tin tưởng hơn vào con đường mình đã chọn.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất