“Nhức mắt” hình ảnh phản cảm khi đi lễ chùa đầu năm tại chùa Ông Núi
Tin liên quan
Bán hàng rong/ quà lưu niệm la liệt trong khuôn viên chùa
Tại chùa Ông Núi (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) ngày mùng 3 Tết, nhiều người dân xung quanh chùa tay đùm tay bọc những bao nilon, những bịch hàng hóa ngồi la liệt ngay trước cổng dẫn vào chùa bất chấp những biển cấm buôn bán trong khuôn viên chùa.
Những mặt hàng kinh doanh chủ yếu của các hộ này là những vòng tay bằng đá, gỗ, những đồ trang sức bằng đá, kim loại như vòng cổ, lắc tay,… Chúng được người bán hàng giới thiệu là những vòng tay này đã được “cúng” trong chùa và người mua nếu đeo vào sẽ được may mắn, nhiều tài lộc.
Nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại bỏ số tiền lớn để mua những chiếc vòng tay “rởm” với giá không hề rẻ khoảng 50 ngàn đồng/chiếc.
Mặc kệ những biển cấm buôn bán, nhiều người vẫn bày biện đồ đạc buôn bán ngay trước cổng chùa.
Bên cạnh bán đồ trang sức, những gian hàng khác cũng bán những đồ lưu niệm bằng gỗ, nhựa như: lược, gương, móc khóa, quạt giấy,… Theo quan sát, có khoảng 20 gian hàng bán các loại vòng tay, vòng cổ ngồi bày la liệt trước cổng chùa, tạo nên một khung cảnh rất lộn xộn, mất trật tự nơi linh thiêng. Không những thế, những câu chào mời chèo kéo của những người bán hàng tạo nên tiếng ồn ào không đáng có nơi cổng chùa.
Một số người bán hàng còn vào tận chùa, ngay cạnh tượng Phật Quan Âm để bán hương cho những ai có nhu cầu dâng hương. Mặc dù một số du khách không có ý định mua hương nhưng vì người bán chèo kéo, nài nỉ nên cũng đành rút hầu bao chi trả cho khỏi phiền hà.
“Tôi không có ý định mua hương vì thấy cạnh tượng Phật có lọ hương, nhưng vì người bán cứ nài nỉ miết nên mua cho xong chuyện”, anh Công, một người đi lễ chùa tỏ vẻ khó chịu.
Hàng chục gian hàng bày la liệt dưới nền đất, tiếng chào mời inh ỏi.
Những người bán hương ngồi ngay cổng chùa chào mời khách.
Không chỉ bán hàng, các dịch vụ xem bói, xem tuổi cũng nở rộ không kém. Những tờ giấy bìa cứng với những nét chữ ngoằn ngoèo quảng cáo về các dịch vụ xem tuổi, xem ngày tháng cưới sinh, bói toán, ngày giờ xuất hành, xây nhà,… được bày la liệt.
Dịch vụ xem bói công khai ngay trong chùa
Cạnh bên là các “thầy” với vẻ mặt đăm chiêu, tay chỉ trỏ vào bàn tay của người xem bói và “phán” những câu “vô thưởng vô phạt”. Thế nhưng, không ít bạn trẻ, thậm chí người lớn vẫn chen chúc ngồi chờ để được thầy xem. Giá cho mỗi lần xem được “thầy” nói “tùy hỷ”. Nhưng theo quan sát, người xem bói thường chi từ 20 - 50 nghìn đồng cho một lần xem. Thậm chí, có những người còn mạnh tay chi hẳn 100 nghìn đồng để cảm ơn “thầy”.
Dịch vụ xem bói, xem tuổi hút khách.
Mỗi dịp Tết đến, người đi chùa đông nên một số người già, trẻ em quanh chùa lợi dụng cơ hội này để… xin tiền người đi chùa.
Ăn xin nhan nhản xuất hiện khắp nơi
Theo quan sát, tại chùa Ông Núi vào trưa mùng 3 Tết, có khoảng 10 người già ngồi la liệt hai bên đường vào chùa để xin tiền người đi đường. Cả đàn ông và phụ nữ, trong trang phục cũ rích, rách rưới trên tay cầm chiếc nón ngồi chìa tay ra xin tiền những người đi chùa.
Những người ăn xin ngồi la liệt hai bên đường vào chùa tạo nên hình ảnh không mấy đẹp mắt.
Một số người tỏ ra khó chịu khi liên tục bị “làm phiền” bởi những người ăn xin. Một số trẻ em khác còn lên tận chùa, đi khắp khuôn viên chùa để xin tiền người đi chùa.
“Mình cùng các bạn đi chùa lễ Phật, thấy các bà các ông ngồi giữa nắng xin tiền thấy thương quá nên mình và các bạn mỗi người cho một ít để làm phúc”, bạn Ngân, một du khách đi chùa tâm sự.
Rác thải ngổn ngang quanh chùa
Rác thải cũng là một hình ảnh xấu tại chùa trong những ngày Tết. Nhiều bạn trẻ sau khi uống nước, ăn quà xong tiện tay vứt luôn vỏ chai, bao nilon ra xung quanh, tạo nên hình ảnh xấu nơi linh thiêng, thờ tự.
Rác thải được vứt lăn lóc khắp nơi.
Những vỏ giấy đựng hương cũng bị vứt lăn lóc khắp nơi tạo nên cảnh tượng xấu xí nơi chùa Ông Núi ngay ngày đầu năm.
Lam Phương
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất