Người phụ nữ hy sinh tuổi xuân chăm mẹ già, nuôi em và tìm hài cốt của anh trai

Người phụ nữ hy sinh tuổi xuân chăm mẹ già, nuôi em và tìm hài cốt của anh trai

Trung Hiếu 2017-04-20 09:49
- Suốt 20 năm, người phụ nữ ấy đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chăm mẹ già, nuôi em và đi tìm mộ người anh trai đã anh dũng hi sinh tại chiến trường. Bà quyết tâm ở vậy gánh trách nhiệm hương khói cho cha mẹ, tổ tiên.

Đó là đức hi sinh cao cả của bà Nguyễn Thị Tý (68 tuổi, phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An).

Bà Tý ngồi lặng trước hiên nhà cấp 4, ôm di ảnh liệt sỹ Nguyễn Văn Chương (SN 1934, anh trai bà Tý) rưng rưng kể lại câu chuyện 20 năm gian nan tìm mộ liệt sỹ mà bà là nhân vật chính.

Ngày anh trai hi sinh, bà Tý mới bước qua tuổi 18. Nghĩ gia cảnh nghèo khó, bố qua đời sớm, người mẹ già yếu, hai đứa em nhỏ dại, bà Tý quyết định ở vậy để chăm sóc mẹ già, nuôi em và đi tìm hài cốt của anh trai để đưa anh về với quê hương, gia đình.

Người phụ nữ đơn thân hi sinh tuổi thanh xuân của mình để hoàn thành tâm nguyện của anh trai liệt sỹ.

                                            Bà Tý bên di ảnh người anh trai liệt sỹ

Năm 1988, bà Tý một mình tìm đến 1 tờ báo để nhờ tìm mộ liệt sỹ của anh trai. Chờ đợi suốt nửa năm không có tin tức nên bà lại gửi thư nhờ đài tiếng nói và đài truyền hình Việt Nam đăng tin tìm kiếm. Tin và ảnh của anh trai bà được các đài tuyên truyền rộng khắp nhưng vẫn không có tin tức.

Mãi đến năm 2007, bà Tý vui mừng nhận được thông tin anh trai hi sinh tại Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) từ một số người đồng đội cũ nên vội vã khăn gói lên đường đi tìm.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, với sự giúp đỡ của đồng đội cũ của anh trai, bà Tý tìm đến một ngôi mộ vô danh trong hàng trăm ngôi mộ được tập kết tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Trảng Bàng. Bà làm đơn gửi UBND tỉnh Tây Ninh trưng cầu giám định thân nhân liệt sỹ bằng cách xét nghiệm ADN. Một tháng sau, niềm hạnh phúc vỡ oà  khi bà nhận kết quả kết luận liệt sỹ Nguyễn Văn Chương chính là anh ruột của bà Tý.

Ngày 29/6/2008, di cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Chương được đưa về Nghệ An và an táng tại nghĩa trang của dòng họ. Trước thời khắc thiêng liêng, những người thân trong gia đình cùng bà con lối xóm không cầm nổi những giọt nước mắt.

“Suốt quãng thời gian dài với bao hi vọng, giờ anh đã được trở về với quê hương dù chỉ còn là một nắm xương mòn. Anh không còn phải cô đơn, nằm lạnh lẽo như trước nữa… 

Từ đây, sau 40 năm là một liệt sỹ vô danh trên chiến trường, tên của anh đã được ghi ngay ngắn, rõ ràng trên tấm bia mộ. Anh được trở về đoàn tụ cùng người thân, với xóm làng, nơi anh cất tiếng khóc chào đời và gắn bó một thời trai trẻ”, người em gái này xúc động nói trong nước mắt vui mừng.

Chấp nhận hy sinh cả tuổi xuân hoàn thành tâm nguyện

Năm 18 tuổi, bà Tý đã nhận lời yêu một chàng thanh niên trong xóm. Rồi người ấy đi bộ đội, bà lại nuôi dưỡng tình yêu của mình qua những cánh thư.

Sau hai năm, những lá thư của bà gửi không nhận được hồi âm nữa. Không lâu sau đó, bà nghe tin người yêu đã hi sinh tại chiến trường.

Bà gói trọn những hẹn ước và cho rằng chỉ có một tình yêu duy nhất, nó son sắc thuỷ chung, dù người ấy đã mãi nằm lại ở chiến trường. Từ đó trái tim bà không thể rung động thêm lần nữa.

phụ nữ đơn thân

                              Bức thư của người anh trai liệt sỹ mà bà Tý còn lưu giữ

Lại thêm, từ ngày anh trai hi sinh, bà thay anh gánh vác việc gia đình, vừa chăm sóc mẹ già, nuôi hai người em gái ăn học vừa hương khói tổ tiên.

Tuổi xuân của bà là những tháng ngày vất vả gánh nặng gia đình. Chưa hết, hơn 20 năm qua, hễ nghe có chút manh mối về người anh trai, bà lại lặn lội khắp các chiến trường tìm kiếm hài cốt.

Để có tiền làm lộ phí, bà bán hết những thứ tài sản có giá trị trong nhà như con trâu, đàn gà, vài ba tạ lúa. Đi đến đâu bà lại xin việc làm thêm để đổi lấy những bữa ăn qua ngày.

Khi không còn tiền trong tay, bà lại trở về, tiếp tục làm thuê, chờ đợi tin tức. Khi hoàn thành tâm nguyện đưa anh về với đất mẹ thì bà đã bước qua tuổi ngũ tuần.

Ngày trước, cũng có rất nhiều người đàn ông đồng cảm, muốn chăm sóc cho bà nhưng đều bị từ chối. Một phần, bà nghĩ lấy chồng thì phải theo chồng, gánh vác công việc nhà chồng sẽ chẳng có ai chăm sóc cho mẹ già, không có ai hương khói cho ông bà tổ tiên. Nghĩ đến đó, bà lại không đành.

“Ngày mẹ tôi còn sống, mẹ chỉ mong tìm được hài cốt của con trai mẹ, dù chỉ là một mẩu xương mòn. Vậy mà khi mẹ qua đời được hai năm, tôi mới hoàn thành được tâm nguyện ấy. Dưới suối vàng, chắc giờ mẹ đã an lòng nằm nghỉ”, bà Tý trải lòng.

Sau khi mẹ già qua đời, những người hàng xóm thấy bà sống thui thủi một mình trong ngôi nhà nhỏ nên khuyên bà không lấy chồng thì kiếm lấy đứa con cho cuộc sống bớt hiu quạnh, sau này còn có người chăm sóc lúc già yếu, ốm đau.

Nhưng một năm, hai năm…rồi đến mãi tận bây giờ bà vẫn một mình thui thủi. Với bà Tý chuyện chồng con là do duyên phận. Số phận của bà đã như thế thì bà cũng luôn chấp nhận.

Gần 70 tuổi, bà vẫn thui thủi một mình trong căn nhà đơn sơ của cha mẹ để lại. Sức khỏe đã yếu hơn, nên bà bớt tham công tiếc việc đi. Bà ở nhà trồng thêm luống rau trong vườn, nuôi thêm đàn gà để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống qua ngày.

Chia tay người phụ nữ đơn thân, ngước nhìn lại vẫn thấy bà ngồi đó với đôi mắt nhòa lệ. Đôi tay sần sùi, chai sạn cầm những bức thư mà người anh trai đã gửi về từ chiến trường trước ngày hi sinh.

 Trung Hiếu

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Viết cho em, cô gái của mùa đông

Đọc nhiều nhất