Mỗi tiết dạy thêm được 3.500 đồng/học sinh: Giáo viên cấp 3 phải bán khoai sắn kiếm sống, cả năm không mua nổi chiếc áo mới (P.2)

Mỗi tiết dạy thêm được 3.500 đồng/học sinh: Giáo viên cấp 3 phải bán khoai sắn kiếm sống, cả năm không mua nổi chiếc áo mới (P.2)

Thu Hà 2017-11-07 14:00
- Muốn trụ lại với nghề giáo, giáo viên phải xoay trăm nghề khác. Sau giờ giảng dạy, có không ít cô giáo phải bán khoai sắn, chả cá, quần áo để có thêm thu nhập.

Giáo viên môn phụ - phận “vợ lẽ con côi”

Để có thêm thu nhập, giáo viên bắt buộc phải dạy thêm. Tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Thị Loan (dạy môn Lịch sử tại một trường cấp 3 ở Vĩnh Phúc) nhận định chỉ có giáo viên môn Toán, Văn, Anh “đắt hàng”. Còn các môn khác, trong đó có môn Lịch sử có học thêm cũng rất ít, chủ yếu phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.

“Một số giáo viên có thể thu nhập từ dạy thêm cao hơn lương nhưng bù lại, thời gian họ phải bỏ ra rất nhiều. Hãy tưởng tượng một ngày giáo viên đứng nói liên tục 8 tiếng đồng hồ, hít bụi phấn, tiếp xúc với đủ loại học sinh, đôn đốc làm bài tập và đối mặt với các kì thi khảo sát, các kì thi đòi hỏi điểm của học sinh phải cao.... thì bạn sẽ biết mức thu nhập thêm có đáng không?”, cô giáo Loan đặt câu hỏi.

Mỗi tiết dạy thêm được 3.500 đồng/ học sinh, giáo viên cấp 3 phải bán khoai sắn kiếm sống, cả năm không mua nổi chiếc áo mới (P.2)

Mỗi tiết dạy thêm, cô giáo được nhận 3.500 đồng/ học sinh. Ảnh minh họa. 

Theo cô giáo Loan, mỗi tiết dạy thêm, giáo viên được 5000 đồng/học sinh. Nhưng thực nhận, giáo viên chỉ được nhận 70% của 5000 đồng. Nếu lớp có 30 học sinh thì giáo viên được 105.000 đồng/tiết dạy thêm”, cô Loan cho biết.

“Tâm lý môn chính, môn phụ khiến giáo viên chúng tôi thấy không thoải mái. Giáo viên môn chính vừa có tiền, có “cơ may” dạy thêm, ngày lễ lại được trọng vọng, giáo viên dạy môn phụ thì như phận vợ lẽ con côi”, cô Loan thẳng thắn nói.

Sau giờ dạy là đi bán khoai, viết bài sale với giá 15.000 đồng/bài

Cô giáo Loan đã từng làm cộng tác viên viết bài sale cho một cửa hàng điện thoại với giá 15.000 - 40.000 đồng/ bài. Với công việc làm thêm này, chị được nhận khoảng gần 2 triệu đồng. Nhưng đằng sau khoản thu nhập đó, chị bị thiếu máu não trầm trọng do phải làm việc quá nhiều với máy tính sau những giờ lên lớp.

Thời điểm chồng thất nghiệp là lúc cuộc sống của chị xuống dốc không phanh. Rất ít người biết, suốt cả năm đó, chị không mua nổi một cái áo mới để đi dạy học cho tươm tất.

“Chỉ có một hai cái áo, mặc đi dạy suốt cả tuần. Học sinh cứ nhìn, cô đứng trên bục giảng thấy ngại, xấu hổ, tủi thân muốn trào nước mắt”, cô giáo Loan bộc bạch.

Mỗi tiết dạy thêm được 3.500 đồng/ học sinh, giáo viên cấp 3 phải bán khoai sắn kiếm sống, cả năm không mua nổi chiếc áo mới (P.2)

Tâm sự chua xót của một giáo viên dạy hợp đồng. Ảnh minh họa. 

6 năm làm việc trong nghề, chị Loan bảo giáo viên muốn trụ lại với nghề đứng trên bục giảng sẽ phải xoay xở trăm nghề khác. Ai có đặc sản quê hương gì thì bán, thu nhập tùy cơ may của từng người.

Đồng nghiệp của chị người thì bán mỹ phẩm xách tay, người bán quần áo, có người bán khoai sắn, làm đồ ăn để bán như xúc xích, giò chả, chả cá… Chạnh lòng vì nghĩ “mất mặt”, làm “ô danh” nghề giáo nhưng áp lực nuôi con, cơm áo gạo tiền, giáo viên đành lực bất tòng tâm.

Đa số mọi người thường nghĩ những ngày lễ Tết, giáo viên sẽ “thu nhập hậu hĩnh”. Nhưng theo cô giáo Loan, thực tế lại ngược lại.

“Ngày lễ giáo viên được thưởng 200.000 đồng, ngày Tết nguyên đán mỗi người được thưởng hơn 1 triệu đồng. Đừng nói đến quà cáp ngày 20/11, 8/3 của phụ huynh vì thực tế không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện. Hơn nữa không phải cứ tặng quà là chúng tôi nhận!”, chị Loan thẳng thắn.

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Loan bày tỏ nguyện vọng: “Mức lương cơ bản của giáo viên phải được nâng cao hơn, thậm chí trên mặt bằng chung của xã hội để yên tâm cống hiến, không phải chân trái chân phải đi làm thêm kiếm tiền ngoài công việc giảng dạy mà thu nhập vẫn không bằng lương công nhân”.

Chị Loan chua xót cho biết thêm trong nghề chị có câu truyền miệng "con nhà giáo thì ngu". Thoạt nghe tưởng chừng nghịch lý, mâu thuẫn nhưng đây lại là sự thực. 

Cô giáo Loan lý giải: “Bệnh kinh niên của giáo viên là viêm họng, viêm họng không ngừng nghỉ. Về đến nhà họng đau, người mỏi. Không còn sức lực để trông nom, dạy dỗ con mình. Bởi có bao nhiêu sức khỏe tâm huyết, giáo viên đã dành cho con nhà người trên lớp cả rồi”.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 phim Hoa ngữ bị 'đắp chiếu' vô thời hạn vì scandal của diễn viên chính

Đọc nhiều nhất