Mặc chồng nói lời khiến ai cũng ngỡ ngàng nhưng vợ nhất quyết đòi hiến tạng cứu “người dưng"

Mặc chồng nói lời khiến ai cũng ngỡ ngàng nhưng vợ nhất quyết đòi hiến tạng cứu “người dưng"

Thu Hà 2018-11-28 06:45
- Không ít người có nguyện vọng được hiến tạng sau khi qua đời nhưng không phải ai cũng đủ nghị lực để vượt qua áp lực, sự ngăn cản đến từ quan niệm “chết phải toàn thây”.

Vượt qua rào cản tâm lý là không dễ dàng

Nhiều lần đọc báo về các mảnh đời được hồi sinh sau khi được ghép tạng, chị Minh Hằng (Hà Nội) đã có ý định hiến tạng sau khi qua đời.

Không ít lần, chị thủ thỉ với chồng về nguyện vọng này. Bởi chị tâm niệm: “Cái chết của mình mở ra sự sống cho nhiều người khác, thay vì trở thành nắm cát bụi vô tri thì đó là việc có ích cho đời”.

Thậm chí, chị còn muốn hiến nốt phần cơ thể còn lại để sinh viên Đại học Y có thể nghiên cứu. Như thế, con cháu cũng đỡ mất công chôn cất.

Tuy nhiên, chỉ vừa nghe vợ ngỏ ý, chồng chị đã gạt phăng. Thậm chí, có lần anh mắng chị “sính ngoại”, “Tây hóa”, rồi đe dọa sẽ “từ mặt” nếu vợ cố tình đăng ký hiến tạng.

Bởi theo chồng chị Hằng thì “chết về với các cụ phải toàn thây”, không thể đi hiến tạng cho người dưng như vậy được.

Chồng Hà Nội bảo sẽ từ mặt nếu vợ nhất quyết đòi hiến tạng cứu “người dưng

Không phải ai cũng dễ dàng vượt qua rào cản tâm lý, quan niệm đến từ người thân trong gia đình về việc hiến tạng. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, chị Hằng lại nghĩ khác. Chị bảo: “Phật dạy làm điều thiện, giờ mình làm điều thiện bằng cách giúp người bệnh đang cần tạng của mình để cho họ sự sống thì có thần Phật nào không ủng hộ?”.

Tuy có nguyện vọng là vậy nhưng cho đến giờ, chị vẫn chưa vượt qua được sự ngăn cản của chồng để đăng ký hiến tạng.

Chẳng cần nói đến các vùng quê xa xôi, mà ngay giữa lòng Hà Nội, nơi người dân tiếp cận dễ dàng với thông tin y tế vậy mà không phải ai cũng dễ dàng mở lòng làm công việc này.

Rất nhiều người có mong muốn hiến tạng đều khẳng định điều khó khăn nhất với họ chính là  vượt qua những quan niệm đã ăn sâu, bám dễ thâm căn cố đế bao đời nay.

Để vượt qua rào cản về cái chết toàn thây là một điều không hề dễ dàng với những người có ý định làm việc thiện này.

Như trường hợp của cô giáo tiểu học Nguyễn Thúy Hương (TP. Đông Hà, Quảng Trị), chị phát hiện ra mình mang căn bệnh ung thư phổi từ gần một năm trước. Trong suốt quá trình điều trị của mình, chị luôn lạc quan và tìm cách giúp đỡ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ khác.

Chồng Hà Nội bảo sẽ từ mặt nếu vợ nhất quyết đòi hiến tạng cứu “người dưng

Vợ chồng chị Hương tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để ghi tên mình vào danh sách đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não. Ảnh: FB Trung tâm. 

Qua tư vấn, chị Hương hiểu rằng dù mình mắc bệnh trọng nhưng vẫn hoàn toàn có thể hiến tặng được một số phần cơ thể sau khi qua đời.

Chồng chị Hương cho biết, ban đầu gia đình cũng không đồng ý nên anh chị đã dành thời gian thuyết phục.

Cuối cùng gia đình cũng đều hiểu ra ý nghĩa cao cả của việc hiến tặng mô/ tạng và đồng thuận với nguyện vọng của cô giáo Hương.

Dịp hai vợ chồng chị Hương ra Hà Nội mới đây, anh đã đưa vợ tới Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để ghi tên mình vào danh sách đăng ký hiến tặng mô/ tạng sau khi chết/ chết não.

“Trở về với cát bụi vẫn thắp sáng cuộc đời nhiều người khác”

Nói về trở ngại tâm lý khi quyết định hiến tạng, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã đưa ra những con số “biết nói”.

Hiện nay, lĩnh vực ghép tạng đã có nhiều thành tựu ghép hơn 3.000 ca, trong đó ghép gan hơn 128 ca. Đến nay, có 82 ca người cho chết não, cứu sống được nhiều người suy gan, suy tim (29 trường hợp).

“Một ngày nào đó nếu không may chết não, qua đời, ước mong khi trở về cát bụi, chúng ta vẫn có thể tiếp tục thắp sáng, viết tiếp cuộc đời của nhiều người khác. Vì thế, cho đi là còn mãi”, GS. Hồng Sơn bày tỏ.

Chồng Hà Nội bảo sẽ từ mặt nếu vợ nhất quyết đòi hiến tạng cứu “người dưng

"Cho đi là còn mãi". Đó chính là bức thông điệp của các bác sĩ, người bệnh có nhu cầu ghép tạng gửi tới cộng đồng. Ảnh minh họa.

GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết, năm 2017 có số lượng ghép tạng nhiều nhất với 673 ca. Đến nay, chúng ta có 82 người chết hiến tạng, trung bình mỗi năm chỉ có 10 người.

Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì một triệu người dân mới có 0,11 người hiến tạng khi chết. So sánh với con số tại Australia là 20,7 lần (gấp Việt Nam 200 lần) và ở Mỹ là 31,6 lần (gấp gần 300 lần).

Lý do bởi quan niệm “chết phải toàn thây” vẫn ăn sâu vào quan niệm của người dân Việt Nam. Trong khi đó, vấn đề buôn bán nội tạng, buôn bán người vẫn còn đang vô cùng nhức nhối.

“Thiếu tạng ghép cũng là một cản trở lớn cho sự phát triển ghép tạng Việt Nam. Thiếu tạng ghép còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp của xã hội như nạn buôn bán tạng, buôn bán người”, GS.TS Phạm Gia Khánh nói.

 

Vào 8h30 ngày 29/11/2018, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức Lễ Kỷ niệm 5 năm thành lập tại Nhà hát Âu Cơ số 8 Huỳnh Thúc Kháng - Hà Nội.

Đây là dịp nhìn nhận lại những thành quả, những hạn chế trong 5 năm qua.

Chương trình dự kiến sẽ có sự tham gia của các lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể, tổ chức liên quan và đặc biệt là sự có mặt của các gia đình người hiến tặng, các bệnh nhân được "hồi sinh" nhờ được ghép mô/ tạng. 


Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 chòm sao có số mệnh trở thành đại gia

Đọc nhiều nhất