Làng đúc lư đồng An Hội tất bật những ngày cận Tết
Tin liên quan
Vào một buổi sáng đầu tuần, tôi tìm đến làng nghề đúc lư đồng, nơi đã cho ra không biết bao nhiêu sản phẩm lư đồng đi khắp cả trong lẫn ngoài nước.
Nằm thu mình trên đường Nguyễn Duy Cung (Q. Gò Vấp, TP.HCM) cả làng nghề truyền thống khoảng những năm 1975 thì có đến 40 hộ hành nghề. Nhưng giờ đây chỉ còn 5 cơ sở tiếp tục làm bởi thị trường biến đổi mạnh mẽ và tốc độ đô thị hóa khá nhanh nên làng nghề lư đồng không còn đông đúc như xưa.
Chọn đất để chuẩn bị trộn tạo khuôn
Đắp đất sét trộn với tro trấu để tạo khuôn
Được biết, làng nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn trên 200 năm, đông đúc nhất là ở Chợ Quán, Phú Lâm. Bởi ngày ấy, ở Gò Vấp vốn có nghề trồng hoa kiểng nổi tiếng. Nhưng không phải hộ nào cũng có điều kiện để theo nghề hoa kiểng, nên nghề đúc lư đồng bắt đầu xuất hiện. Ông Trần Văn Kỉnh (hay gọi với cái tên Năm Kỉnh) là người khởi nguồn đầu tiên trong làng nghề.
Những năm sau đó, ông Năm Kỉnh truyền nghề lại cho những người học trò của mình trong làng. Ông Trần Văn Thắng (hay gọi là Hai Thắng), một người học trò xuất sắc của ông Năm Kỉnh muốn phát triển làng nghề nên lại tiếp tục truyền dạy lại cho các bà con trong làng.
Đắp sáp cho lư đồng
Phơi lư đồng
Từ đó, làng nghề đúc lư đồng An Hội đã trở thành một nghề truyền thống của cả làng, cái nghề nuôi sống hàng trăm con người trên vùng đất Gò Vấp (Sài Gòn) thời bấy giờ.
Theo những người dân làm nghề lư đồng ở đây cho biết, để làm ra một bộ lư đồng hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn kỳ công. Đầu tiên là đắp khuôn với 2 lớp đất và 1 lớp sáp.
Đất dùng cho công đoạn này phải là đất sét Bình Dương được xay nhuyễn trộn với tro trấu. Lớp đất ở trong có công dụng tạo hình. Lớp ngoài làm láng mặt và chịu lực. Giữa hai lớp đất là lớp sáp có tác dụng tạo độ dày và tạo hoa văn cho sản phẩm.
Tạo hình khuôn cho lư đồng
Bước tạo hình mẫu cho lư đồng
Sau khi khuôn thành hình sẽ được đưa vào lò nung. Song song với thời điểm nung khuôn, lò nấu đồng cũng bắt đầu lên lửa. Thời gian đốt lò phải được tính toán cẩn thận sao cho khi khuôn chín thì đồng cũng sử dụng được để đổ vào khuôn. Tất cả đều được thực hiện thủ công, dựa trên quan sát và kinh nghiệm của mỗi người thợ.
Khi đồng đã nguội, khuôn đất được đập bỏ. Sản phẩm sẽ được hoàn chỉnh bằng cách chạm khắc hoặc hàn ở những chi tiết hoa văn bị khiếm khuyết. Sau cùng là khâu mang đi đánh bóng và tiêu thụ.
Công đoạn mài dũa để ra hình lư đồng
Những ngày gần đây, làng đúc lư đồng An Hội lại nhộn nhịp hơn ngày thường. Bởi vì thời điểm gần Tết này, các cánh thương lái từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại nhộn nhịp kéo về đây đóng hàng vui như mở hội.
Từ làng lư đồng An Hội, Gò Vấp, hàng ngàn bộ lư đồng đã theo chân thương buôn ngược ra miền Bắc, miền Trung, xuôi về khắp niềm Nam và sang tận các nước Lào, Campuchia, Myanmar...
Những chiếc lư đồng đã được hoàn thiện
Nhưng nghề nào cũng vậy, cũng phải có những thăng trầm. Chưa kể nghề đúc lư đồng chỉ chủ yếu là những nghệ nhân lớn tuổi tiếp tục với nghề. Những người trẻ tuổi do không chịu được sự cực khổ, vất vả nên ít thanh niên chọn nghề này. Ngoài ra, thị trường hiện nay đang có những mặt hàng lư đồng sản xuất công nghiệp. Đó là 2 lý do chính càng khiến cho làng nghề đúc lư đồng An Hội gặp nhiều khó khăn và đứng trước thách thức và nguy cơ bị mai một…
Ngọc Nhiên
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất