Kinh hoàng những vụ ngạt khí CO vì đốt than sưởi ấm trong nhà phải nhập viện khẩn cấp
Tin liên quan
Bé sơ sinh ngạt khí CO do đốt than sưởi ấm
Ngày 24/2/2016, bác sĩ Lê Xuân Trung, Trưởng khoa Sơ sinh - Bệnh viện Nhi tỉnh Thanh Hóa cho biết, bệnh viện đã cứu được bệnh nhi Lê Thị Tuyết (hơn 1 tháng tuổi, ở TP Thanh Hóa) bị ngạt khí CO do sưởi ấm bằng than.
Theo bác sĩ Trung, cháu Nhi nhập viện vào khuya ngày 15/2 trong tình trạng ngừng hô hấp, tuần hoàn, mặt tím tái. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy cao tần HFO, dùng thuốc vận mạch, nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Hai ngày sau bệnh nhi đã dần hồi phục và tự thở đều, được chuyển thở oxy. Ba ngày sau, bé đã tự thở và bú được sữa mẹ. Hiện, bé hoàn toàn bình phục và mới xuất viện.
Theo người nhà, tối ngày 15/2, do trời lạnh nên gia đình đốt than sưởi ấm cho 2 mẹ con trong phòng kín khiến bé bị ngạt khí CO, ngừng thở.
Bác sĩ Trung cho hay, khí CO được sản sinh ra do quá trình đốt cháy than đá, xăng dầu, củi... trong môi trường yếm khí (ít khí oxy và phòng kín).
"CO là khí rất độc, chúng có thể gây chết người chỉ trong vòng vài giây. Vì thế không nên sử dụng các sản phẩm đốt cháy từ than đá, củi, xăng dầu... nhằm sưởi ấm để tránh những sự việc đáng tiếc", bác sĩ Trung khuyến cáo.
Đốt than sưởi ấm, con chết, cha mẹ hôn mê
Ngày 10/12/2015, bà Trần Thị Kim Thanh, cán bộ chuyên trách Dân số - Gia đình & Trẻ em xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ trẻ 1 tuổi tử vong và hai vợ chồng hôn mê sâu do ngạt khí than sưởi ấm.
Theo bà Thanh, vào tối 8.12, do thời tiết chuyển lạnh đột ngột nên 2 vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (20 tuổi) và chị Lê Thị Thúy Kiều (19 tuổi, trú thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang) đốt than củi, sau đó đặt dưới gầm giường để sưởi ấm cho con trai là bé Nguyễn Văn Huy (1 tuổi).
Đến gần trưa 9.10, khi đi làm đồng về, bà Nguyễn Thị Hoa (mẹ Hùng) thấy cửa phòng con trai và con dâu vẫn đóng kín mít nên gõ cửa gọi nhưng không thấy bên trong hồi âm.
E có chuyện chẳng lành, bà Hoa phá cửa phòng thì thấy 2 vợ chồng con trai và đứa cháu nội nằm bất động.
Ngay lập tức, bà Hoa hô hoán cầu cứu hàng xóm. Lúc này, cháu Huy đã ngừng thở, tim không còn đập, anh Hùng và chị Kiều được bà con đưa đến trạm y tế xã Điện Quang sơ cứu trong tình trạng ngất lịm, hơi thở yếu ớt.
Sau đó, gia đình chuyển anh Hùng ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng tiếp tục cấp cứu, hiện anh vẫn hôn mê sâu, còn chị Kiều đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức (Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam) và sức khỏe đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Đến sáng 10/12, chị Kiều đã có thể ngồi dậy uống thuốc, ăn cháo…
Đồng nghiệp đạp cửa cứu thanh niên đốt 3kg than sưởi ấm
Theo Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Ngô Văn H. (42 tuổi, quê Hải Phòng) được tuyến dưới chuyển lên ngày 20/12 trong tình trạng hôn mê sâu, kích thích.
Theo lời người nhà, từ 22h tối hôm trước, bệnh nhân tự đốt 3kg than củi để sưởi ấm trong phòng kín có diện tích khoảng 12m2. Đến 11h trưa không thấy anh H. dậy, bạn bè mới đạp cửa xông vào, chuyển tới BV đa khoa tỉnh, sau đó chuyển tiếp lên Bạch Mai.
Bệnh nhân được hồi sức tích cực, giải độc, đã tỉnh lại nhưng trí nhớ vẫn lơ mơ, hỏi thời điểm ngày đêm không rõ.
“Dù hồi phục nhưng bệnh nhân có nguy cơ tổn thương não lâu dài, để lại các di chứng về thần kinh, còn mức độ như thế nào thì chưa thể nói trước”, BS Nguyên thông tin.
Theo BS Nguyên, khí CO sinh ra trong quá trình nhiên liệu cháy nhưng thiếu oxy. Khí này không mùi, không màu, không vị nên rất khó phát hiện.
Khi hít phải khí này, CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu, ngăn cản khả năng vận chuyển oxy của máu rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tế bào, đặc biệt là tế bào não, tim, do đó bệnh nhân suy sụp, lịm và tử vong rất nhanh.
Bệnh nhân ban đầu thấy chóng mặt, hoa mắt, yếu, đau ngực, nôn nhưng không tự thoát ra được. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc tử vong trên đường đến bệnh viện.
40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
BS Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không sưởi ấm bằng than, củi trong các căn phòng kín, nhà ống.
Đốt than sưởi ấm trong nhà nguy hiểm như thế nào?
Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, việc sử dụng than củi để sưởi ấm trong nhà rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, một số gia đình thường dùng than củi (than hoa) để sưởi ấm cho người già, trẻ em, bà đẻ khi trời lạnh. Việc làm này rất nguy hiểm.
Khi nhiên liệu cháy sẽ sinh ra khí CO2. Nếu trong phòng kín, khí CO2 sẽ làm cho người trong phòng bị ngạt thở.
Nhiều gia đình còn ủ lại than củi để sưởi ấm được lâu. Như vậy, nó không chỉ sinh ra khí CO2 mà quá trình cháy không hoàn toàn còn sinh ra khí CO. Khí CO có mức độ độc hại cao hơn rất nhiều so với khí CO2.
Nạn nhân khi hít phải khí này, nặng thì tử vong, nhẹ thì để lại di chứng thần kinh, tâm thần. Vì vậy, để phòng tránh những nguy hiểm cho sức khỏe, mọi người không nên sử dụng than củi hay các loại than khác để sưởi ấm, đặc biệt, không đốt than trong phòng kín.
Khi gặp tình trạng người sử dụng than củi bị sưởi ấm hít phải khí CO, bạn nên nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa bệnh nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt.
Minh Anh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất