Hà Nội cấm xe máy ở nội thành từ 2030: Ngõ nhỏ, phố nhỏ, làm sao tiếp cận trạm dừng xe buýt trong bán kính 500m?

Hà Nội cấm xe máy ở nội thành từ 2030: Ngõ nhỏ, phố nhỏ, làm sao tiếp cận trạm dừng xe buýt trong bán kính 500m?

Thu Hà 2017-08-27 09:00
- Với đặc thù “ngõ nhỏ, phố nhỏ” và những bất tiện của phương tiện giao thông công cộng, nhiều người lo ngại, Hà Nội làm sao để người dân thực sự yên tâm thực thi quyết định cấm xe máy tại nội thành từ 2030?

Nỗi lo của người mưu sinh trên yên xe máy

Từ nay đến 2030, vẫn còn 13 năm nữa, Hà Nội mới chính thức cấm xe máy ở nội thành. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ vẫn còn đó ngổn ngang lo lắng.

Anh Lương Tuấn (Mỹ Đình, Hà Nội) mất hai tiếng đi lại mỗi ngày tới cơ quan cách nhà 13 cây số. Nắng nóng, khói bụi, ùn tắc, tiếng còi xe là điều khiến anh cảm thấy như bị “tra tấn”. Hôm nào trời mưa, đi làm như một cuộc chiến giành từng mét đường để tới cơ quan đúng giờ.

Mặc dù bản thân anh cũng đi lại hàng ngày bằng xe máy nhưng anh ủng hộ việc cấm xe máy tại nội thành.

“Cấm xe máy tại nội thành, dân công sở sẽ tới cơ quan bằng phương tiện công cộng. Chúng tôi bớt mệt mỏi, nhức đầu vì ùn tắc, còi xe. Nhưng để làm được điều đó, các phương tiện công cộng phải chứng minh sự tiện ích vượt trội so với xe máy”, anh Tuấn bày tỏ.

Cấm xe máy từ năm 2030: Ngõ nhỏ, phố nhỏ, làm sao tiếp cận trạm dừng xe buýt trong bán kính 500m?

Một cảnh tắc đường tại Hà Nội. Ảnh minh họa.

Quyết định này ảnh hưởng đến sự đi lại, cuộc sống mưu sinh của hàng triệu người mưu sinh trên yên xe máy hàng ngày. 

Mưu sinh bằng nghề lái xe ôm nhiều năm nay, vợ chồng chị Hồng Ngọc (Hà Nội) cảm thấy lo lắng khi nghe tới thông tin cấm xe máy tại nội thành từ năm 2030.

Chị Ngọc cho biết, mỗi ngày, chị đưa đón hai con tới trường bằng xe máy rồi đi chở khách, hàng hóa luôn cùng một tuyến đường.

“Nếu phải bỏ thêm mỗi ngày 10 - 20.000 tiền đưa đón con bằng phương tiện giao thông công cộng thì sẽ rất khó khăn cho người thu nhập thấp như tôi”, chị Ngọc nói.

Bên cạnh đó, chiếc xe máy còn là “cần câu cơm” của cả gia đình. Ngoài chở khách, vợ chồng chị còn nhận ship hàng khắp nội thành. Ngày nào đắt khách, vợ chồng chị có thể thu nhập tới 500.000 đồng. Ngày “hẻo” cũng phải dắt túi 200.000 đồng, đủ lo cơm gạo, lo cho các con ăn học.

“Nếu phải từ bỏ công việc này, chúng tôi không biết phải làm gì khác. Bằng cấp, chuyên môn không có. Một lượng lớn người dân mưu sinh bằng nghề xe ôm, chở hàng sẽ đi đâu về đâu?”, chị Ngọc bộc bạch.

Hà Nội cấm xe máy ở nội thành từ 2030: Ngõ nhỏ, phố nhỏ, làm sao tiếp cận trạm dừng xe buýt trong bán kính 500m?

Điều ước "đi bộ dưới 500m là gặp trạm dừng xe buýt"

Theo thống kê, lượng ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay khoảng 500 nghìn xe và xe máy là trên 5 triệu chiếc. Dự báo đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1 triệu xe ô tô và 7.5 triệu xe máy.

Với quỹ đất, nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông quá eo hẹp như hiện nay, rất khó để tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Để giải quyết tình hình, Hà Nội là một trong năm thành phố đầu tiên của cả nước được Chính phủ giao thực hiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Quyết định cấm xe máy ở nội thành từ năm 2030 nằm trong đề án vừa được thông qua như một bằng chứng cho thấy sự quyết tâm của Hà Nội trong vấn đề giải quyết vấn nạn ùn tắc.

Đánh giá đề án này, TS. Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khẳng định chủ trương quản lý và hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong đó có xe máy, ô tô là rất đúng.

“Người dân cũng nên yên tâm là Chính quyền thành phố Hà Nội sẽ không thực hiện theo kiểu chuyển một cách cơ học từ xe máy sang ô tô, vì như vậy sẽ gây phát sinh vấn đề rất lớn. Lần này Hà Nội đã có chủ trương đúng và thiết kế chính sách rất cụ thể”, TS. Khuất Việt Hùng khẳng định.

cấm xe máy tại hà nội từ 2030

Theo TS. Việt Hùng, với cam kết đảm bảo 80% diện tích khu vực lõi thủ đô người dân đều có thể tiếp cận trạm dừng phương tiện vận tải công cộng trong khoảng 500m trở lại thì lúc đó, tự nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới sẽ giảm đi. Người dân sẽ không cảm thấy hoang mang, lo sợ và tự nguyện thực thi đề án.

TS. Hùng cũng chia sẻ với nỗi băn khoăn cấm xe máy sẽ dẫn đến hệ lụy “tắc ô tô” của người dân. “Nếu xem xét mức độ diện tích sử dụng đường và đỗ xe thì chắc chắn lo ngại ô tô gây ùn tắc là rất lớn. Tương tự nhiều đô thị tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Quảng Châu, sau khi thành công với việc cấm xe máy, những nơi này lại phải đau đầu với vấn nạn ô tô", TS. Hùng dẫn chứng.

Theo quan điểm của chuyên gia an toàn giao thông, để thuyết phục người dân thay đổi sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng, UBND thành phố đã khẳng định sẽ thực thi kịch bản mà người dân cảm thấy mình được phục vụ tốt hơn. 

"Chủ trương quản lý và hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy là rất đúng. Tuy nhiên cần thiết kế chính sách cụ thể, đưa ra được kịch bản mà người dân cảm thấy mình được phục vụ tốt hơn", TS. Khuất Việt Hùng nhận định.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 mẹo trang điểm hoàn hảo cho ngày nắng nóng

Đọc nhiều nhất