GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình"

GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình"

Thu Hà 2018-04-24 17:12
- GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam khẳng định lễ Giỗ tổ Hùng Vương là dịp người dân thực hiện hành vi tín ngưỡng thể hiện lòng thành đối với người có công sinh thành, gây dựng đất nước.

Cứ 10 – 03 âm lịch hàng năm, đền Hùng lại đón hàng triệu du khách thập phương đến dự Quốc lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Vượt lên trên một hiện tượng lịch sử, Giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành một tín ngưỡng, biểu tượng cội nguồn và là một nét đẹp trong đời sống người Việt ngàn đời nay.

GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình

Là người từng được mời tham gia viết và phản biện cho hồ sơ di sản văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đã mang rất nhiều trăn trở về vấn đề làm sao để người dân tham dự lễ hội Đền Hùng và thực hiện hành vi tín ngưỡng đúng với ý nghĩa của lễ hội.

PV Em Đẹp đã thực hiện cuộc phỏng vấn GS. Ngô Đức Thịnh xoay quanh vấn đề này. 

GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam. Ảnh: NVCC

PV: Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, dù nắng nóng, đông đúc và khá vất vả để đến lễ hội Đền Hùng nhưng du khách thập phương đến với lễ hội vẫn không ngừng gia tăng. Ông có thể nói gì về con số này?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Có năm tôi đến lễ hội Đền Hùng vào ngày 6/3 (âm lịch). Lúc đó ước tính đã có khoảng 1 triệu người tham dự. Tôi cảm thấy thú vị với con số hàng triệu người hành hương hướng về đền Hùng trong những ngày giỗ Tổ. Con số đó chứng minh một điều rất đông đảo người dân quan tâm, mong muốn bày tỏ lòng thờ cúng Hùng Vương.

GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình

Dù chưa vào chính hội nhưng khu vực Đền Hùng mỗi một "nóng" dần. Ảnh: C.P

PV: Lễ hội Đền Hùng khác như thế nào so với các lễ hội khác, thưa GS?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Thờ cúng tổ tiên là một tập tục có từ lâu đời, biểu hiện cho truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Theo truyền thống đạo lý đó, thờ cúng Hùng Vương - những người khai mở nhà nước Văn Lang cổ đại là một lẽ tất yếu. Hàng trăm năm nay, Hùng Vương đã được coi là thuỷ tổ của dân tộc, một thánh vương thiêng liêng và gần gũi với người dân, mỗi cộng đồng làng xã.

Nói một cách ngắn gọn, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là tín ngưỡng thờ Quốc tổ, một hình thức phóng đại từ tục thờ tổ tiên của mỗi gia đình người Việt trên tầm Quốc gia. Giỗ Vua Hùng đã nâng lên tầm Quốc gia, người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình.

Giá trị dễ nhận thấy của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là giá trị lịch sử, biểu hiện của lòng biết ơn công lao sinh thành và dựng nước của Tổ tiên.

Trong thời hiện đại, từ thập kỷ 80 – 90 đã có những chỉ dẫn thực hiện lễ hội Đền Hùng ở cấp Quốc gia. Năm chính, chủ tịch nước, thủ tướng lên làm chủ lễ. Năm lẻ, chủ tịch tỉnh đứng ra làm chủ lễ. Người dân mang lễ vật đến Đền Hùng thực hiện nghi lễ.

Sau đó sẽ diễn ra các hoạt động sinh hoạt dân gian với sự tham gia đông đảo của nhân dân. Như vậy, Đền Hùng là nơi diễn ra nghi thức nghi lễ của Quốc gia và thực hành nghi lễ của cá nhân người dân bình thường.

PV: Theo ông, chúng ta cần thực hiện hành vi tín ngưỡng như thế nào cho đúng khi tới lễ hội Đền Hùng?

GS.TS Ngô Đức Thịnh: Sự đông đúc người tham gia tất nhiên không tránh khỏi chuyện chen lấn, xô đẩy. Nhưng điều đáng nói nhất là người dân có thực sự hiểu về di tích lịch sử cũng như ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng hay không?

Như tôi đã nói ở trên, giỗ Vua Hùng đã nâng lên tầm Quốc gia, người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình.

Vì vậy, dù bằng hình thức nào thì hành vi tín ngưỡng đều phải thể hiện lòng thành đối với người có công sinh thành, gây dựng đất nước. Tuyệt đối không được phép thực hiện các hành vi xấu xa, bất kính, ăn mặc phản cảm tại chốn linh thiêng!

GS. Ngô Đức Thịnh: “Người dân đến với Đền Hùng là đến với “bàn thờ” của tổ tiên mình

Thi làm bánh giày tại lễ hội Đền Hùng năm nay. Ảnh: C.P

Lễ vật dâng lên tiên tổ thường là nén hương, chút tiền giọt dầu. Ai cũng muốn bày tỏ tấm lòng thành thông qua lễ vật để chuyển tải ước vọng đến Quốc tổ.

Đi cùng với đó, người dân cần có văn hóa trong việc dâng tiền như bỏ vào hòm công đức, cúng trực tiếp ở bàn công đức.

Dâng và nhận tấm lòng một cách có văn hoá để lễ hội đền Hùng trở thành một nét đẹp, chứ không thể nhét vào tay tượng, ném tiền xuống giếng cổ…làm giảm đi ý nghĩa linh thiêng, trang trọng của ngày Quốc lễ.

Cũng giống nghi thức thờ cúng tổ tiên, trong ngày giỗ của Hùng Vương, con cháu ngoài việc hành hương về lễ hội Đền Hùng cũng có thể họp lại làm nghi lễ cúng trong phạm vi gia đình.

Ngoài phần lễ còn có phần “hội”. Sinh hoạt văn hóa dân gian như hát Xoan, gói bánh chưng bánh giày tại lễ hội mang ý nghĩa gắn bó tất cả con cháu Lạc Hồng, dòng dõi Hùng Vương lại với nhau. Từ đó thắp lên trong mỗi người dân tinh thần đoàn kết, keo sơn.

Đây chính là nền tảng vững chắc để dân tộc ta chiến thắng giặc xâm lăng từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng Hùng Vương là một sợi chỉ đỏ kết nối lịch sử, vượt lên trên mọi thời đại cho đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

PV: Trân trọng cảm ơn GS!

 Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bắt trend với gam màu xanh quả bơ hot hit nhất hè 2021, vừa xinh vừa cực kỳ dịu mát

Đọc nhiều nhất