Gia đình Hà thành mạnh ai nấy ăn "cơm hàng cháo chợ", cả tháng không hết nổi 5kg gạo

Gia đình Hà thành mạnh ai nấy ăn "cơm hàng cháo chợ", cả tháng không hết nổi 5kg gạo

Thu Hà 2018-03-29 09:19
- Con cái phải chạy theo lịch học kín mít, mẹ lo café gặp gỡ người này người kia, bố mải miết với các cuộc thể thao, nhậu nhẹt… Mạnh ai người nấy ăn, bữa cơm gia đình vắng bóng đến nỗi có gia đình cả tháng không ăn hết nổi 5kg gạo.

Cơm hàng cháo chợ vì… ai cũng bận

Chị Đặng Thị Ngọc Anh (32 tuổi, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thừa nhận đã từng có thời điểm một tháng gia đình chị không ăn hết nổi 5kg gạo.

Cơ quan chồng chị ở xa, lại hay có họp hành phát sinh lúc chiều muộn, anh hay tạt vào quán nào bên đường ăn cho tiện trên đường đi làm về. Bởi theo lý giải của anh thì “đi làm về muộn ăn cơm cũng không ngon nữa, ăn quán cho tiện”.

Trong khi đó, chị Ngọc Anh lại bận việc cơ quan và bán hàng ở shop riêng. Shop thường đông khách vào buổi tối. Nhiều bữa đang bưng bát cơm, khách vào lại buông bát đũa tiếp khách. Trở lại bữa cơm chiều nguội ngắt, không buồn ăn, thành thử chị Ngọc cũng không buồn nấu cơm.

Gia đình Hà thành mạnh ai nấy ăn, cả tháng không hết nổi 5kg gạo

Ăn ở ngoài đường do lịch học, lịch làm quá dày đặc, không có thời gian ăn cơm nhà là tình trạng phổ biến ở các gia đình trẻ tại thành thị. Ảnh: Thu Hà

Con cái đi học về đã có bà ngoại chăm sóc cả đôi. Nấu cũng không ai ăn, mà có muốn ăn cũng không thể ngồi ăn cùng một giờ, bữa cơm gia đình là một thứ “xa xỉ” với vợ chồng chị Ngọc Anh.

Đôi lúc, chị cũng cảm thấy chạnh lòng vì kiểu gia đình lỏng lẻo của mình. Ông bà ăn cơm trước vì đến giờ cơm. Còn con cái thì bận rộn chưa về nhà được. Các cháu đi học thêm, tối mịt mới về. Một kiểu sinh hoạt mạnh ai nấy ăn như vậy thì sao có thể là một gia đình được nhưng chính bản thân chị cũng bị “mắc kẹt”, không biết phải làm thế nào để thoát ra khỏi guồng quay bận rộn.

Cơm hộp nhiều hơn cơm nhà

Không chỉ người lớn mà còn có cả những đứa trẻ đang độ tuổi đi học cũng bị cuốn vào cái guồng “cơm hộp nhiều hơn cơm nhà”.

Vai đeo chiếc cặp nặng trịch, cô bé Khánh Vy (học sinh lớp 5A một trường tiểu học tại Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) vội vã đi về phía cổng trường. Anh xe ôm đã chờ ở đó, Vy chỉ việc leo tót lên yên xe. Bánh mỳ thủ sẵn trong cặp sách, cô bé vừa giở sách xem lại bài vừa tranh thủ “nạp năng lượng” để có sức cho buổi học thêm ở tận khu đô thị Văn Quán (Q. Hà Đông), cách nhà những 13 cây số.

Gia đình Hà thành mạnh ai nấy ăn, cả tháng không hết nổi 5kg gạo

Con trẻ phải ăn ngay trên xe. Bữa cơm dã chiến không đủ dinh dưỡng lẫn tình thương yêu đang là điều báo động. Ảnh: Thu Hà

Tính ra một tuần cô bé học sinh tiểu học này phải “chạy bở hơi tai” để học thêm cho đủ 13 buổi với các môn Văn, Toán, Anh, chưa kể trước đó đã phải cắt lịch học đàn ở trung tâm và học hát tại Cung văn hóa.

Để “tái sản xuất sức học tập”, Vy thường xuyên phải có những bữa ăn dã chiến ngay tại trường. Thường thì trong cặp luôn có bánh, sữa để bất cứ lúc nào đói sẽ ăn. Chị Quỳnh, mẹ của Vy cũng đưa tiền cho anh xe ôm đưa đón để nhờ anh mua bánh mì hoặc cho con ăn phở… nếu con muốn. Vy toàn về nhà vào lúc 21 giờ đêm. Khi đó, cô bé sẽ ăn cơm một mình với đĩa thức ăn được phần sẵn.

Thời nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bữa ăn dã chiến của các em ngay tại căng tin trường, quán xá hoặc do chính bố mẹ xúc cho con ăn ngay cổng trường. Con ăn xong chưa kịp thở lại chạy vào lớp học thêm tiếp…

Với guồng quay bận rộn tại thành phố, cảnh gia đình sống cùng nhau nhưng mỗi người ăn một giờ, bữa cơm chia năm xẻ bảy, thậm chí không ăn cơm cùng nhau chuyện phổ biến.

Đừng để con trẻ cô đơn trong chính căn nhà của mình

Nói về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) nhận định quan niệm xem nhẹ bữa cơm gia đình, coi trọng sự giàu có, tiền bạc xuất phát từ sự thay đổi lối sống, cách suy nghĩ trong gia đình thời hiện đại.

Gia đình trẻ Hà thành mạnh ai nấy ăn, cả tháng không hết nổi 5kg gạo

PGS.TS Trịnh Hòa Bình khẳng định bữa cơm chính là cầu nối các thành viên trong gia đình với nhau, dù xã hội có phát triển đến đâu. Ảnh: NVCC

“Cái lợi của kiểu gia đình hạt nhân, chỉ có bố, mẹ và con cái sống cùng với nhau là tạo cho mỗi thành viên không gian tự do lựa chọn để phát triển vai trò cá nhân: tự do yêu đương, kết hôn, tự do học hành, lựa chọn việc làm…hay nói cách khác là tôn trọng tự do cá nhân.

Tuy nhiên, sự tự do thái quá, mỗi người một nhịp sống, một lịch sinh hoạt, thú vui riêng đã dẫn đến sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Con cái đi học thêm kín mít cả ngày, bố mẹ mải miết những cuộc gặp gỡ, nhậu nhẹt, kiếm tiền để lấp đầy tham vọng giàu có…

Gia đình không còn là một tổ chức bền vững mang tính khép kín. Lại thêm đời sống khấm khá, ai cũng có phòng riêng, thế là tần số giao tiếp giữa các thành viên trong nhà cứ ít dần đi. Người nào cũng một thế giới riêng. Thói quen chia sẻ giữa các thành viên bị bào mòn dần đến nỗi người ta cảm thấy “cô đơn trong ngôi nhà của chính mình”, TS. Trịnh Hòa Bình bày tỏ.

Theo quan điểm của TS. Bình, để giải quyết tình trạng trên, người phụ nữ vẫn giữ vai trò chủ đạo. Dù có bận rộn đến mấy nhưng nên thống nhất cả gia đình cùng sum họp, ăn bữa cơm cùng nhau ít nhất là một lần vào ngày cuối tuần. 

Trong bữa cơm, bố mẹ, con cái chia sẻ những gì mình đang làm, đang nghĩ. Bữa cơm gia đình không chỉ mang ý nghĩa về mặt dinh dưỡng mà còn là là cầu nối để các thành viên trong gia đình hiểu nhau. Có như thế, sợi dây liên kết gia đình mới không bị lỏng lẻo tới mức báo động như hiện nay.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Liên tục tranh ngôi, sao Việt nào hiện sở hữu vòng eo nhỏ nhất showbiz Việt

Đọc nhiều nhất