Đời bất hạnh của ông lão mù 73 tuổi có 3 đời vợ nhưng cuối đời vẫn phải sống côi cút
Tin liên quan
Đó là cuộc đời bất hạnh của ông Nguyễn Quang Ái (73 tuổi, ngụ phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An).
3 đời vợ, 3 lần đứt gánh
Nghe tiếng người lạ gọi, ông Ái nằm trên chiếc giường ọp ẹp ngồi dậy, lọ mọ tìm lối ra sân. Dáng người gầy guộc, da nhăn nheo, đen sạm, ông Ái ngước đôi mắt nhìn về phía xa xăm thở dài khi nhắc đến cuộc đời buồn tẻ của mình.
“Tôi có đến 3 đời vợ nhưng rồi cuối đời phải thui thủi một mình như thế này đây. Ngày trước còn chút sức khỏe tôi còn dạo phố đánh đàn, hát rong kiếm ăn qua ngày. Giờ sức cùng lực kiệt chỉ biết nằm một mình trong nhà, sống ngày nào hay ngày ấy”.
Năm lên 1 tuổi, cơn sốt rét di chứng đã cướp của ông Ái đôi mắt. Không còn nhìn thấy ánh sáng nhưng với nghị lực, ông quyết định kiếm cho mình một công việc gì đó để có thể tự nuôi sống bản thân.
Nhờ có chút năng khiếu về đàn hát, ông bắt đầu rời nhà dạo phố hát rong kiếm tiền. Hành trang của ông chỉ là một chiếc đàn cũ, một chiếc loa nhỏ, vừa đi vừa hát. Người dân thương tình bỏ vào túi ông vài đồng bạc lẻ, vài chiếc bánh, nắm xôi…
Mù lòa, sống bằng nghề hát rong kiếm tiền, cứ nghĩ người như ông Ái sẽ chẳng người phụ nữ nào dám lấy làm chồng vì sợ rước họa vào thân. Ấy vậy mà ông lại có đến 3 đời vợ. Người vợ nào cũng bình thường khỏe mạnh. Thế nhưng, chung sống với ông được một thời gian, họ lại chủ động rời xa ông.
Ông Ái kết hôn lần đầu tiên vào năm 25 tuổi. Người vợ lớn hơn ông 2 tuổi, ở làng bên cạnh. Vì say tiếng đàn, giọng ca ngọt ngào của người thanh niên tàn tật nên người phụ nữ này bất chấp sự ngăn cấm của gia đình, theo không ông Ái về làm vợ.
“Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại bị gia đình vợ ngăn cấm nên tôi không làm đám cưới. Tôi chỉ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên nhờ chứng dám rồi đến ủy ban làm thủ tục đăng ký kết hôn là nên nghĩa vợ chồng. Sau khi về cùng một nhà, cô ấy dẫn tôi dạo phố hát rong kiếm sống”, ông Ái nhớ lại.
Sau hơn 3 năm chung sống, mong mỏi có một mụn con không thành hiện thực, người vợ thứ nhất đã lặng lẽ bỏ ông ra đi.
Cuộc hôn nhân thứ nhất tan vỡ, ông Ái lặng lẽ sống như vậy suốt 6 năm cho đến ngày gặp người phụ nữ quá lứa lỡ thì ở làng bên.
Cảm thông hoàn cảnh, người phụ nữ này tự nguyện theo ông về làm vợ hai. Nhưng rồi sống với nhau được 4 năm thì bà cũng bỏ ông mà đi vì lý do không có con, cuộc sống quá khó khăn, buồn tẻ.
Người phụ nữ gắn bó với ông lâu dài nhất là bà Nguyễn Thị Viên (63 tuổi), người vợ thứ 3. Bà Viên từng trải qua một đời chồng và có một cô con gái riêng. Gặp nhau, cảm thông hoàn cảnh, họ quyết định “rổ rá cạp lại”.
Ngoài đứa con riêng của vợ, vợ chồng ông còn có thêm hai người con chung. Mái ấm của ông cứ bình yên như vậy trôi đi cho đến một ngày cuối năm 2015, người vợ thứ 3 tuyên bố sống li thân với ông.
Cuối đời côi cút
Không khuyên được vợ thay đổi quyết định, vợ chồng ông mỗi người một nơi. Căn nhà chung để lại cho vợ chồng người con trai ở. Ông Ái mướn tạm căn nhà này của một người quen ngay sát khu chợ nhỏ để có chỗ nương thân. Bà Viên sống trong ngôi nhà của cô con gái riêng hiện đang làm ở Trung Quốc.
Theo ông Ái, lý do khiến ông và người vợ thứ 3 đoạn nghĩa vợ chồng vì con gái thứ 2 (con chung của vợ chồng ông Ái) đi tù vì vướng vào ma túy khiến bà Viên buồn phiền. Bà quyết định đi chùa để tịnh tâm, cầu an cho con cháu. Không muốn vướng bận chuyện gia đình nên bà này đã chọn cách sống ly thân.
“Phận tôi mù lòa, là gánh nặng cho người khác thì tôi nào dám than trách ai. Trải qua ba đời vợ, có hai mặt con, cực chẳng đã tôi mới phải lủi thủi sống một mình như thế này”, ông Ái thở dài.
Không vợ con bên cạnh, không kiếm tiền, cuộc sống của ông phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền 480.000 đồng tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước dành cho người khuyết tật.
Cứ sáng sớm, ông lại mò mẫm ra chợ mua con cá, mớ rau về nhờ con cái, bà con lối xóm qua nấu giúp, nấu một lần để ăn cả ngày. Dù nhà chỉ cách nhau chưa đầy nửa cây số nhưng từ ngày sống li thân đến nay ông chưa hề gặp lại vợ mình.
Đau buồn vì hôn nhân không trọn vẹn nhưng khi nhắc đến ba người phụ nữ đã đi qua cuộc đời mình, ông Ái không một lời than trách mà còn tỏ lòng biết ơn.
“Số phận tôi may mắn khi gặp được ba người phụ nữ, được họ thương yêu, tự nguyện chăm sóc. Khi họ ra đi, tôi không níu kéo, xem như duyên phận mình chỉ đến đó thôi. Vì tôi nghĩ khi rời xa tôi, biết đâu họ sẽ được sống an nhàn, hạnh phúc”.
Chia tay người đàn ông bất hạnh, ngước nhìn lại vẫn thấy ông ngồi lặng trên chiếc ghế, hút điếu thuốc lào, khuôn mặt khắc khổ nhìn về phía xa xăm.
Trung Hiếu
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất