Đều bị mất đi 1 bên chân sau tai nạn kinh hoàng, 2 vợ chồng ôm nhau bật khóc trên xe lăn

Đều bị mất đi 1 bên chân sau tai nạn kinh hoàng, 2 vợ chồng ôm nhau bật khóc trên xe lăn

2017-04-24 15:07
- Ngày vợ được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức về tuyến dưới, chồng ngồi trên xe lăn ra đón. Lúc hai chiếc xe lăn đến gần nhau, đôi vợ chồng trẻ ôm nhau bật khóc khi phát hiện mỗi người đã mất đi một bên chân sau vụ TNGT kinh hoàng.

Chồng mất chân phải, vợ hỏng chân trái 

Về xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, hỏi gia đình anh Vũ Văn Vĩnh (SN 1977) và chị Vũ Thị Hường (SN 1981) chẳng ai không rõ. “Chồng cụt, vợ què mà con học giỏi nổi tiếng vùng này”, một người dân ở đầu làng vừa kể chuyện vừa chỉ đường cho chúng tôi. 

Tại cửa hàng tạp hóa nằm gần cuối con đường làng, chị Hường đang tập tễnh lê chiếc chân giả được giấu kín trong chiếc quần dài chấm gót, tất bật lấy hàng, thu tiền của khách.

Ở góc quầy tạp hóa, anh Vĩnh đang lau dọn, sắp xếp lại hàng hóa, chiếc chân giả cũng được anh giấu kín trong chiếc quần dài và chiếc giày thể thao. “Mình bán hàng, người quen không sao, người lạ cứ tò mò nhìn hai vợ chồng sao chỉ có một đôi chân, nên dù trong nhà, chúng tôi vẫn mặc “ấm” thế này giữa trưa nóng”, anh Vĩnh giải thích. 

Ngồi bên chồng, chị Hường nhẹ nhàng kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian vợ chồng chị cùng đi chung một đôi chân.

“Từ ngày lấy nhau về, cuộc sống của vợ chồng tôi vô cùng vất vả. Vì thế, chúng tôi phải làm đủ thứ nghề để sinh sống, ban ngày chồng tôi lái xe công nông, tối đến lại đi giao dịch những gia đình chuẩn bị làm nhà để kết nối chở gạch cho họ. Tài sản quý giá nhất của chúng tôi là hai đứa con khỏe mạnh, khôn lớn”. 

 

Vợ chồng anh Vĩnh – chị Hường kể lại ngày định mệnh khiến vợ chồng mỗi người mất một bên chân. Ảnh: Khánh Chi 

Năm 2004 cũng chính là “năm định mệnh” với đôi vợ chồng trẻ khi mỗi người mất đi một bên chân. Dứt lời, giọng chị Hường nghẹn lại, những giọt nước cứ thế lăn dài trên má.

“Tôi không nhớ chính xác là ngày nào, chỉ nhớ năm 2004, tôi cùng vợ từ Phúc Yên lên xã Xuân Hòa để giao dịch nhưng khi đi qua đoạn cầu vượt Xuyên Á thì bị một chiếc xe tải chạy ngược chiều tông phải. Tôi chỉ kịp nghe thấy tiếng động mạnh rồi không hay biết gì nữa. Tôi được người dân đưa vào Bệnh viện đa khoa Phúc Yên cấp cứu”, anh Vĩnh kể tiếp. 

Khi tỉnh dậy, anh đã thấy mình nằm bất động tại chỗ, các bác sỹ cho biết, anh được đưa vào đây trong tình trạng bất tỉnh. Lúc này, anh hoảng hốt khi một bên chân mình không còn nữa. Còn vợ anh, do nặng hơn phải chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức để điều trị. 

“Bao nhiêu của cải trong nhà phải bán sạch để chữa trị cho tôi, tôi oán trách bản thân, nhiều lần muốn chết đi nhưng nghĩ chưa gặp được vợ, con nên phải cố gắng. Hơn 1 tháng sau, vợ chồng tôi được gặp nhau, khi đó chúng tôi chỉ biết khóc khi chứng kiến một bên chân của nhau không còn nữa.

Hóa ra, do tai nạn nghiêm trọng nên chân bên phải của tôi bị thương rất nặng, buộc phải cắt bỏ, còn chân của vợ tôi có khả năng giữ lại nhưng sau đó, trong quá trình điều trị bị hoại tử tới 3 lần. Để giữ tính mạng cô ấy, các bác sỹ buộc phải cắt bỏ chân bên trái”, anh Vĩnh tâm sự. 

Xương rồng nở hoa 

Dù mất một bên chân nhưng chị Hường vẫn chăm chỉ trong việc chăn nuôi và trồng rau. 

Trở về nhà, nhưng anh chị không dám gặp mặt, nói chuyện với ai. Họ đóng kín cửa để tránh sự thương hại, nhòm ngó của láng giềng. Những tưởng số phận nghiệt ngã sẽ đánh gục đôi vợ chồng trẻ, nhưng từ trong bóng tối, họ đã vươn lên, nắm tay nhau xây dựng lại từ đầu. 

Anh Vĩnh nhớ lại: “Nhìn ánh mắt thơ dại của hai đứa con một cháu 5 tuổi, một cháu 3 tuổi mà lòng tôi quặn lại. Vợ tôi như không còn sức sống, cô ấy khóc suốt ngày, khóc vì sự bất lực của mình, khóc thương con, khóc cho số phận của chúng tôi. Chúng tôi bắt buộc phải sử dụng đến chân giả nhưng do chưa quen nên những ngày đầu chân chảy máu, đau buốt. Khi ấy cả hai vợ chồng phải cắn răng chịu đựng”. 

Cơm không nấu được mà ăn, mọi sinh hoạt trong gia đình đều bị đảo lộn. Vì con còn nhỏ nên chị Hường phải tự dậy nấu cơm, chị lết trên hai chiếc ghế gỗ, rồi dùng tay thay chân để di chuyển khắp nhà. Mọi công việc trở nên khó khăn hơn gấp bội, nhiều lúc chị tự đánh vào chân mình vì nó quá vô dụng.

Việc chăm sóc con cái chị cũng không làm được. Đau đớn khi gia đình chìm trong nước mắt, lạnh lẽo. Rồi nghe tiếng con thơ khóc khi thiếu đi sự quan tâm, ân cần của bố mẹ, anh chị như bừng tỉnh. Cả hai cùng quyết tâm dù có đi chung trên một đôi chân cũng phải làm lại từ đầu. 

“Tôi bảo với vợ, mình phải đứng dậy thôi. Vì tương lai của các con thì hai người có một đôi chân cũng phải bước tiếp. Khi ấy, vợ tôi liền nắm chặt tay tôi, giọt nước mắt lúc này không còn là sự đau đớn mà là niềm tin chúng tôi dành cho nhau. Không thể làm công việc như trước đây, tôi viết đơn ra xã xin dựng túp lều ở cạnh mương này, rồi vay anh em bạn bè lấy hàng về bán. Cực khổ vẫn đeo bám gia đình tôi khi mỗi lần nước dâng lên cao, hai vợ chồng lại ôm con, trên một đôi chân mà chạy, ôm cho con ngủ trên tay cả đêm”, người chồng bộc bạch. 

Cứ thế, họ bù trừ mọi thứ cho nhau, chị không làm được thì anh sẽ làm mà không ai kêu ca, phàn nàn nửa lời. Buổi sáng, anh đưa con nhỏ đến trường vì ngày đó cầu chưa xây xong. Còn chị bán hàng, phát quang mương rãnh trồng rau, nuôi gà. Chị thu lượm từng vỏ chai, miếng bìa cát tông mang đi bán. Cuộc sống dần ổn định hơn, nụ cười đã trở lại trên gương mặt của đôi vợ chồng khuyết tật này. 

Không còn những mặc cảm về khiếm khuyết trên cơ thể, anh chị đã mạnh mẽ bước đi trước cuộc đời đầy sóng gió để nuôi hai đứa con ăn học nên người. Người dân nơi đây ví anh Vĩnh, chị Hường như những cây xương rồng mọc trên cát, họ đã vươn lên và nở hoa. Dù cho cùng chung khuyết tật nhưng họ vẫn sống bằng chính nghị lực của mình để cùng nhau đi hết cuộc đời… 

Dẫn chúng tôi vào góc học tập với nhiều bằng khen của hai con, chúng tôi nhận thấy niềm tự hào trong ánh mắt người mẹ.

“Cả hai đứa đều ngoan ngoãn, học hành đạt thành tích cao. Con trai tôi năm nay học lớp 10 và mới đạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi của tỉnh. Cháu gái năm nay đang học lớp 12 và chuẩn bị thi Đại học. Cháu bảo sẽ ôn thi thật tốt để đỗ Đại học Y, nuôi ước mơ làm bác sỹ”, chị Hường nói trong hạnh phúc.  

Theo Khánh Chi/Gia đình Xã hội

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Mẹ chồng quốc dân

Đọc nhiều nhất