Chân dung người đồng nát 'khùng' rong ruổi trên chiếc xe cà tàng tìm mua cổ vật khắp làng quê
Tin liên quan
Đam mê cổ vật
Tháng 8/2009, khi cậu con trai đầu bước chân vào giảng đường đại học, nghĩ không thể trông chờ vào mấy sào ruộng khoán để nuôi con ăn học, anh Phan Đình Quý (47 tuổi) ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An quyết định hành nghề mua bán phế liệu để kiếm tiền nuôi con.
Thời gian đầu, nhận thấy nhiều đồ vật quý giá từ xa xưa của ông cha để lại bị người đời vứt bỏ trong mớ phế liệu, anh thấy tiếc của đem về lau chùi rồi cất giữ cẩn thận với mục đích lưu lại làm kỷ niệm những gì vốn là thành quả lao động của ông cha.
Về sau, thấy có nhiều người lạ mặt tìm mua đồ cổ với giá cao, anh nghĩ chắc những thứ người ta bỏ đi này phải có giá trị lắm. Với một người vốn xuất thân từ nông dân như anh Quý thì ý nghĩa hai từ “đồ cổ” được hiểu nôm na là những thứ đã có cách đây hơn nửa thế kỷ như lư hương bằng đồng, mâm đồng, đèn măng sông, chén, bát, radio, đồng hồ, bình tông, chum 3 miệng, bàn tính gạt…
Anh kể, có những thứ anh thấy trong chuồng gà, đã lấm đầy phân. Không ít vật dụng bị người ta đưa ra vườn, dùng làm thùng đựng rác thải.
Nhưng cũng có những thứ được cất giữ cẩn thận, anh phải vất vả suốt hai năm mới sở hữu được. Đặc biệt, có những kỷ vật trong chiến trường, khi anh hỏi mua, họ không bán mà nhờ anh cất giữ, hi vọng sau này sẽ có người tìm đến nhận.
Chỉ tay vào chiếc đèn măng-sông bằng đồng của Đức, được sản xuất vào thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939- 1945), anh vui vẻ: “Để sở hữu chiếc đèn này, tôi mất hai năm thuyết phục một nữ cựu thanh niên xung phong ở xã Quỳnh Châu (huyện Quỳnh Lưu).
Chiếc đèn được treo trong gian nhà bếp, mạng nhện bám đầy. Khi tôi hỏi mua, bà không bán. Trong suốt hai năm, cứ tháng nào tôi cũng tìm đến nhà nữ cựu thanh niên xung phong này nhưng không phải để thu mua phế liệu mà để trông chừng xem chiếc đèn còn nữa không. Sau hai năm kiên trì, người này đã trao tặng tôi với lời dặn hãy bảo vệ cẩn thận”.
Cầm trên tay chiếc bình tông, phía trên có khắc dòng chữ Thừa Thiên Huế 1975 và chữ ký của một người chiến sỹ, anh kể, người chủ trước của bình tông này là một cụ ông gần 80 tuổi.
Sau nhiều lần hỏi mua nhưng cụ không bán, nói đó là kỷ vật quý giá nhất cụ còn giữ lại được từ trong chiến trường ác liệt. Trong một trận đánh, bom đạn dội xuống trúng người, cụ bị thương. Cụ được một đồng đội quê ở Thừa Thiên Huế cứu sống.
Người đồng đội này đã vượt hàng chục cây số tìm khe núi, múc nước vào bình tông đưa về cho cụ uống. Trước khi trở vào trận đánh, người chiến sỹ này còn để lại bình tông chứa đầy nước lại cho cụ. Người này còn nói đó là kỷ vật của người vợ trao lúc chiến sỹ này vào chiến trường, nhờ cụ cất giữ cẩn thận. Sau này, nếu có cơ hội sẽ tìm nhận lại.
“Nhiều lần tôi “gạ” mua, cụ không bán nhưng bắt tôi ngồi nghe đi nghe lại câu chuyện từ chiến trường xưa cũ đến thuộc lòng. Hai năm trước, cụ lâm bệnh nặng, biết mình không qua khỏi nên nhờ người điện thoại gọi tôi đến, nói muốn giao “gia tài” suốt cả cuộc đời lại cho tôi. Khi đến, tay cụ run run trao tôi chiếc bình tông nhờ cất giữ cẩn thận. Hi vọng người đồng đội sẽ tìm đến. Cụ sợ khi mình nhắm mắt xuôi tay, chiếc bình sẽ bị thất lạc”, anh Quý chia sẻ
Từng bị gọi là tâm thần vì ham mê đồ cổ
Có những cổ vật làm anh tiêu tốn nhiều thời gian mới sở hữu được nhưng cũng có những thứ bị người ta bỏ đi mà không hề biết đó là một vật giá trị. Khi anh hồ hởi muốn mua, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên, nói anh bị tâm thần, điên dại khi hỏi mua những thứ không đáng giá một đồng xu.
Chiếc bàn trịch (máy tính gạt) được anh tìm thấy trong chuồng gà đã lấm đầy phân của một người dân lúc đi mua phế liệu. Khi lôi được bàn trịch từ chuồng gà ra, anh rửa đi rửa lại rất kỹ rồi ra giá muốn mua. Chủ nhà tròn mắt khi anh đưa ra một tờ 200 nghìn đồng để trả.
Chỉ tay vào chiếc chum 3 miệng đặt trước hiên nhà, anh kể, lần đi mua phế liệu ở xã Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu), anh nhìn thấy cái chum được một hộ dân dùng để đựng rác thải trong vườn nhà. Sau 15 ngày “gạ” mua, chủ nhà bán vì sợ suốt ngày gặp phải thằng điên sẽ gây ra nhiều phiền phức.
Chỉ muốn lưu lại cội nguồn
Phía trong căn nhà cấp 4 của anh Quý “đồng nát”, hàng trăm cổ vật quý giá được anh trưng bày một cách cẩn thận trong tủ kính, treo ngay ngắn trên tường nhà. Hỏi về mục đích sưu tầm đồ cổ, anh cười. “Chỉ đơn giản vì thấy người đời vứt bỏ những thứ cũ xưa, những thứ vốn là mồ hôi, nước mắt của ông cha nên tôi giữ lại để làm kỷ niệm”.
Sau nhiều năm rong ruổi trên chiếc xe cà tàng hành nghề thu mua phế liệu, thành quả của anh hiện có là hai người con đã tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Căn nhà nhỏ chỉ còn hai vợ chồng anh thui thủi bên nhau.
Hàng ngày, anh Quý đi mua phế liệu. Người vợ chăm lo ruộng đồng. Ngoài công việc, anh Quý dành hết thời gian để ngắm, để lau chùi, ghi chép lại những món cổ vật mà anh vẫn đùa là bạn đời thứ hai của mình.
Có những lần nhà hết gạo ăn, người vợ ngỏ ý bán đi vài món đồ cổ để lấy tiền đong gạo. Anh lại lẳng lặng đi mượn tiền ở chỗ khác về đưa cho vợ, tuyệt đối không bán đi.
“Người ta ham rượu chè, bài bạc, cà phê, thuốc lá… Đằng này chồng tôi lại ham những thứ bỏ đi, ngày đêm đưa ra ngắm nghía, lau chùi rồi ghi chép. Tôi là nông dân, không biết giá những thứ chồng sưu tầm được nó có giá trị như thế nào nên nhiều lúc đã nghĩ chồng bị ngớ ngẩn. Nhưng sau này, khi biết được việc anh làm có ý nghĩa, tôi rất ủng hộ”, người vợ chia sẻ.
Được biết, thời gian qua có rất nhiều người đến hỏi mua những món cổ vật trên với giá rất cao nhưng anh Quý không bán.
“Dù nó lỗi thời, không còn giá trị sử dụng nhưng đó là những thành quả trong lao động mà ông cha đã sáng tạo nên. Tôi muốn giữ lại để truyền cho con cháu sau này, hãy biết tôn trọng và đừng bao giờ lãng quên những gì từng là cuội nguồn”, anh Quý chia sẻ.
Trung Hiếu
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất