Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Thanh Thảo 2017-04-01 09:15
- “Gần 20 năm nay, kể từ khi ba mẹ nó ly hôn khi nó mới 11 tuổi, cô một tay nuôi nấng, chăm sóc nó. Những lúc ốm đau, trở trời hoặc lên cơn co giật, cô cũng phải thức cả đêm trông nom”- cô Ngân tâm sự.

20 năm “làm” một người mẹ bất đắc dĩ

Đó là câu chuyện của cô Nguyễn Thị Ngân (SN 1957) trú tại thôn Xuyên Tây, TT Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. “Gần 20 năm nay, kể từ khi ba mẹ nó ly hôn khi nó mới 11 tuổi, cô một tay nuôi nấng, chăm sóc nó. Những lúc ốm đau, trở trời hoặc lên cơn co giật, cô cũng phải thức cả đêm trông nom”, cô Ngân tâm sự.

Anh Nguyễn Thế Quy (SN 1988) là con đầu của ông Nguyễn Thế Quyền, bẩm sinh đã bị khuyết tật khiến tay chân co quắp, khuôn mặt méo mó vì di chứng của chất độc da cam. Từ nhỏ, anh đã không đi được, nói năng chữ tròn chữ méo, ba mẹ đặt đâu ngồi đó.

Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Anh Nguyễn Thế Quy bên chiếc xe của mình

Năm anh Quy 11 tuổi, ba mẹ anh chia tay nhau. Từ đó, anh Quy sống với cô Ngân chính là người mà anh hay yêu quý gọi là “cô Ba”.

Năm đó, cô Ba gần 40 tuổi, không có chồng và sống cùng gia đình em trai cũng chính là ngôi nhà mà cha mẹ để lại. Kể từ khi ly hôn, ba anh Quy buồn bã, chán nản rồi bị tai nạn khi làm việc.

“Sau lần đó, ba của Quy cũng không làm được việc gì nặng nhọc, chỉ quanh quẩn ở nhà, mọi việc lớn nhỏ đều do một tay cô quán xuyến", cô kể lại.

Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Cô làm việc cả ngày, chẳng khi nào ngơi tay

Theo lời người thân trong gia đình, khi anh Quy vừa bập bẹ được vài chữ liền đòi đi học. Biết là khó khăn nhưng thương cháu, ngày ngày cô vẫn ẵm anh ra trường tiểu học Trần Phú gần nhà, bây giờ là trường tiểu học số 1 Nam Phước, để anh học lõm vài con chữ cho thỏa mong ước biết đọc biết viết.

Cô nói: “Lúc đó, dù mỗi ngày có bận ra đồng hay chợ búa, cô cũng tranh thủ thu xếp thời gian để đưa cháu đi học. Tối về nó cặm cụi tập viết bằng đôi chân co quắp, đầu cứ đập vào tường, cô phải xức dầu mãi thôi. Mỗi khi bút chì gãy mũi, nó cũng kêu cô gọt cho nó”.

Năm 2011, nhờ sự hảo tâm của các mạnh thường quân, cô đã xây được cho anh Quy một ngôi nhà kế bên ngôi nhà ông bà để lại. Cô tâm sự: “Hồi đó họ giúp được 30 triệu, còn cô bỏ thêm 30 triệu nữa để xây ngôi nhà này. Đó cũng là mong ước lớn lao của cô, muốn Quy có một căn phòng nhỏ, tiện lợi cho sinh hoạt của Quy”.

Ở nhà, ngoài công việc ruộng nương, cô còn nuôi một bầy heo nái, vài ba con bò và trồng trọt ngô, bí, dăm luống rau quanh vườn. Mỗi sáng sớm, cô đều đạp xe hơn 10 cây số để bán rau, bán cà, là những thức được hái từ chiều hôm trước. Theo cô, đó là tiền chợ trong ngày để mua sách vở, áo quần cho anh Quy và hai em.

Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Ngoài việc đồng áng, cô còn chăn nuôi để thêm thu nhập cho gia đình

Năm anh Quy tròn 21 tuổi, anh được tặng một chiếc xe lăn. Từ đó, trên khắp nẻo đường của TT Nam Phước, xuất hiện hình ảnh một thanh niên tàn tật lái xe lăn đi bán hương. Cô cho biết, một tháng anh Quy bán từ 7-8 ngày, tiền lời chỉ khoảng 70-100 ngàn đồng.

Thương cháu và không yên tâm, cô nhiều lần cản để anh Quy ở nhà nghỉ ngơi nhưng thấy anh Quy phấn khởi khi được tự làm ra đồng tiền, cô lại thấy vui lây. Năm nay, dù đã sắp 30 tuổi đầu, mỗi ngày anh Quy vẫn được cô đút từng muỗng cơm, chén cháo, giặt giũ, lo toan.

Ở tuổi lục tuần, gia đình với cô chính là em trai và những đứa cháu

Anh Quy có tất cả 3 người em, ngoài một em gái sống với mẹ, còn chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1990) và anh Nguyễn Thế Trường (SN 1994) đều được cô nuôi ăn học từ nhỏ đến lớn. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cả hai theo học Cao Đẳng và Trung Cấp tại tp.Đà Nẵng.

Đến năm 2016, cũng chính tay cô dựng vợ gả chồng cho hai em của anh Quy. Cô vẫn vui vẻ tự hào: “May trời thương cho cô khỏe mạnh, không bệnh tật gì hết. Chứ con nghĩ nhà chừng đó miệng ăn lại nuôi thêm một người bệnh, không làm lấy gì mà sống”.

Anh Trường hiện vẫn sống chung ngôi nhà cũ và cùng anh Quy mở một tiệm photocopy, in ấn, in đĩa, chụp ảnh,… gần nhà. Với nghị lực những năm cố gắng theo các em đến trường học chữ, tự mày mò về máy tính, nay anh Quy đã có thể kiếm sống bằng một nghề đỡ vất vả hơn, cũng khiến cô Ba yên tâm hơn.

Cảm động về người cô hi sinh cả cuộc đời nuôi cháu tàn tật

Hai cô cháu trong ngôi nhà nhỏ của anh Quy

Tháng 12 năm ngoái, một người chị của cô Ngân sau nhiều năm bôn ba đi làm nơi xứ người cũng đã trở về và sống chung một nhà. Hiện nay, những công việc chợ búa, nấu nướng trong nhà đã có người chị phụ giúp, cô Ngân cũng đỡ vất vả phần nào.

Khi được hỏi, cô có hối tiếc vì đã không lấy chồng, ở vậy nuôi cháu không, cô không ngần ngại chia sẻ: “Bây giờ, các cháu đã lớn, gia đình lại đông vui, đối với cô, đó là điều hạnh phúc nhất. Cô không còn mong gì hơn nữa”.

Anh Quy cho biết: “Ngoài mẹ là người đã cho anh sự sống này, cô Ba chính là người mẹ thứ hai gần gũi và thương yêu anh nhất. Không những nuôi ăn, chăm sóc, cô còn là người dạy anh những bài học làm người sâu sắc mà anh không bao giờ quên”.

Thanh Thảo

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 chòm sao có số mệnh trở thành đại gia

Đọc nhiều nhất