26 Tết: Chị em xếp hàng dài chờ gội đầu, nối mi, chủ cửa hàng còng lưng vì quá đông khách
Tin liên quan
Chỉ nhìn lịch nối mi thôi cũng “hoảng”
8h sáng mở cửa hàng, ngồi liền một mạch đến tận 24h đêm mới lọ mọ đóng cửa hàng, đi về nhà, tắm rửa và “trả nợ mắt” sau một ngày “căng mắt” nối mi cho khách. Đó là lịch làm việc của chị Vũ Trà My, chủ một tiệm nối mi tại ngã tư chợ Xa La (Q. Hà Đông, Hà Nội).
“Khách tới tấp gửi tin nhắn, gọi điện hẹn lịch nối mi. Lịch kín mít từ ngày 24 Tết, ngày nào cũng quay như chong chóng. Tuy kiếm được nhưng thực sự rất mệt. Tất cả các cuộc gọi, tin nhắn đều đọc nhưng chưa kịp trả lời ngay cho khách. Chỉ mong khách thông cảm, phải đến đêm tôi mới có thể trả lời từng người một”, chị My cho hay.
Chỉ cần nhìn lịch nối mi của chị My từ ngày 24 - 30 Tết thôi cũng "phát hoảng".
Những ngày này, điện thoại của chị My luôn trong tình trạng khách gọi “cháy máy”. Chị và nhân viên trong cửa hàng chỉ biết cố gắng sắp xếp, lên lịch để chị em nào cũng có thể sử dụng các dịch vụ tại cửa hàng như làm nail, gội đầu, nối mi.
“So với các loại hình làm đẹp khác thì nối mi được coi là dịch vụ rẻ, đơn giản, không gây đau đớn và dễ làm. Với bộ mi giả, chị em có thể tiết kiệm thời gian trang điểm, không tốn công chăm sóc, lại dùng được khá lâu. Trong đó, mi sợi cho đôi mắt đẹp lung linh lắm mà bền được khoảng một tháng, có đủ số, đủ độ cong, từ cong vừa tới siêu cong nên được chị em ưa chuộng làm để đi chơi Tết”, chị My nói.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là không phải cơ sở nối mi nào cũng đảm bảo chất lượng trong bối cảnh khách quá tải.
“Nếu không được vệ sinh đúng cách, khách hàng có thể gây viêm nhiễm, nổi mụn nước và rụng mi. Hoặc tệ hơn, nếu keo dán hoặc chất liệu mi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo, có thể gây hại cho mắt.
Cho nên chị em có nhu cầu nối mi cần chọn địa chỉ uy tín, có tay nghề. Nối mi không khó nhưng để nối đẹp, đều, phù hợp cho từng đôi mắt, khuôn mặt và đảm bảo an toàn thì phụ thuộc rất nhiều vào con mắt thẩm mỹ, tay nghề của thợ nối”, chị My tư vấn.
Chị Vũ Trà My, chủ tiệm luôn trong tình trạng kín lịch nối mi.
Còng lưng cả ngày, đêm mới được nghỉ tay, ăn tối
Chị My cho biết thêm đằng sau khoản thu nhập “hái ra tiền” dịp Tết, thợ nối mi phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Nối một bộ mi phải mất khoảng 30 - 45 phút, có trường hợp mất cả tiếng để xử lý. Khách đông, thợ nối mi phải ngồi liền từ sáng sớm đến đêm khuya trong tư thế cúi đầu, căng mắt ra nhìn.
“Tuần giáp Tết hôm nào cũng đau lưng như bị ai đánh. Nằm là ngủ một mạch đến sáng. Việc ăn uống cũng thất thường. Có ngày vừa bưng bát cơm lên ăn thì khách đến, phải buông bát đũa làm việc. Thành thử ngày này cả cửa hàng toàn ăn đồ…nguội. Hoặc chỉ khi đêm đến mới gọi đồ ăn đêm, ăn uống ù ào rồi về ngủ để hôm sau tiếp tục làm việc”, chị My tâm sự.
Chị em ngồi la liệt chờ đến lượt nối mi.
Ghi nhận của PV Em Đẹp những ngày giáp Tết, các dịch vụ nối mi, gội đầu, làm nail luôn đông nghịt khách. Chủ các cửa hàng cho biết năm nào cũng vậy, lượng khách đông nhất là vào buổi chiều ngày 30 Tết.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quê ở Hà Giang, nhân viên tại một Spa tại Hà Nội) dự định chiều 29 chị mới lên xe về quê ăn Tết. “Tranh thủ làm mấy ngày cao điểm này, tiền công bằng cả tháng kiếm. Mệt nhưng cố gắng, sau đó sẽ nghỉ bù mấy ngày Tết”, chị Tuyết chia sẻ.
Bởi khách quá đông nên gần 4h chiều chị Tuyết mới được ăn trưa. Mở cửa hàng lúc 8h sáng, 24h đêm mới nghỉ tay, tranh thủ dọn dẹp cửa hàng, chị chưa nghĩ đến việc sắm Tết cho riêng mình.
Thu Hà (Ảnh: NVCC)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất